Quỹ Quay vòng (QQV) được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai từ năm 2007. Sau 15 năm hoạt động, Quỹ đã giúp hàng nghìn phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để xây dựng công trình vệ sinh hộ gia đình, góp phần tích cực cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hội viên phụ nữ huyện Xuân Trường phát triển kinh tế gia đình từ nghề cơ khí. |
Thị trấn Mỹ Lộc là một trong 3 xã, thị trấn của huyện Mỹ Lộc được tiếp nhận dự án QQV ngay từ những ngày đầu. Trước năm 2007, tỷ lệ hộ gia đình, hội viên phụ nữ và nhân dân trong thị trấn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sạch không cao. Sau khi chương trình được phân bổ về thị trấn, thời gian đầu, việc triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn do nhận thức của hội viên về vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều chị em cũng chưa quen với cơ chế trả dần hàng tháng của Quỹ nên cũng ngần ngại khi vay. Để triển khai QQV, Hội Phụ nữ thị trấn đã tăng cường công tác tuyên truyền về Quỹ, đặc biệt là cơ chế trả vốn và lãi, đồng thời tiến hành khảo sát thực trạng công trình vệ sinh hộ gia đình tại địa phương, nhu cầu vay vốn của từng hội viên, bình xét các hộ trong diện được vay, ưu tiên tập trung vào những hộ hội viên phụ nữ nghèo chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh hoặc nhà vệ sinh tạm bợ; thành lập các nhóm vay vốn, hướng dẫn các hộ hoàn thành hồ sơ vay vốn. Cùng với việc vay vốn, Hội Phụ nữ thị trấn còn động viên các thành viên vay vốn tham gia sinh hoạt nhóm, đóng góp tiết kiệm định kỳ với mức quy định 15 nghìn đồng/người/tháng, tạo thói quen tiết kiệm và điều kiện cho các thành viên hoàn trả vốn vào cuối kỳ. Đến nay, thị trấn Mỹ Lộc đã có 893 lượt hội viên vay vốn từ QQV với tổng số vốn lũy kế trên 5,2 tỷ đồng; 100% gia đình hội viên sử dụng nước sạch, trên 95% gia đình hội viên có nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe nhân dân. Hội Phụ nữ thị trấn Mỹ Lộc là một trong nhiều đơn vị đang sử dụng QQV một cách hiệu quả.
Với mục tiêu cải thiện điều kiện sống của người dân các vùng nông thôn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, Quỹ QQV hướng tới xây dựng một hệ thống tín dụng giúp các gia đình có thu nhập thấp có điều kiện xây mới và cải tạo công trình vệ sinh. Đối tượng được vay vốn ưu tiên cho hội viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có công trình hợp vệ sinh. Thông qua việc thành lập các nhóm tín dụng, tiết kiệm tại các chi hội, Quỹ sẽ cho các thành viên vay vốn với lãi suất ưu đãi. Để QQV phát huy hiệu quả, tháng 4-2007, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức khảo sát và triển khai điểm thành công tại 2 xã: Đại Thắng (Vụ Bản) và Xuân Phú (Xuân Trường). Hàng năm, Ban quản lý QQV tỉnh phối hợp với Hội LHPN các huyện, Ban quản lý Quỹ các xã, thị trấn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn phổ biến nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, các nhóm tín dụng tiết kiệm và cộng đồng dân cư hiểu rõ mục tiêu, quy chế, cơ chế hoạt động của Quỹ và tham gia thực hiện; phối hợp với Hội LHPN các huyện, Ban quản lý QQV các xã, thị trấn tổ chức các hội nghị quán triệt nội dung Quyết định 217/2007/QĐ-UBND tỉnh về việc ban hành quy chế thực thiện QQV vốn cho cấp nước và vệ sinh hộ gia đình thuộc dự án nước sạch và vệ sinh nông thôn tới lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương để thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các hoạt động của Quỹ. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn về các xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn tiến hành khảo sát thực trạng công trình vệ sinh hộ gia đình tại địa phương, nhu cầu vay vốn xây dựng công trình vệ sinh của các hộ gia đình hội viên, bình xét các hộ trong diện được vay, thành lập các nhóm vay vốn, đôn đốc hội viên kịp thời hoàn thành hồ sơ vay vốn.
Căn cứ nguồn vốn được Ngân hàng Thế giới cấp trên 22 tỷ đồng, Ban quản lý QQV tỉnh đã tập trung hướng dẫn Ban quản lý QQV các xã, thị trấn thực hiện đúng các quy trình giải ngân cho hộ gia đình vay vốn. Đặc biệt từ tháng 10-2018 đến nay, Quỹ đã điều chỉnh vốn vay lên mức 10 triệu đồng/thành viên, thời gian vay là 36 tháng, lãi suất 0,55%/tháng, phương thức hoàn trả tiền gốc và lãi trả dần từ tháng thứ 2 cho đến tháng thứ 36 (tính từ khi hộ gia đình nhận vốn vay) đã tạo cơ hội cho nhiều hội viên phụ nữ được vay với số vốn cao hơn. Tính đến tháng 6-2022, QQV tỉnh đã quay vòng giải ngân tại 27 xã, thị trấn thuộc 6 huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Nam Trực, Xuân Trường và Giao Thủy, cho 4.565 thành viên vay vốn. Qua đánh giá, 100% hộ gia đình hội viên vay vốn sử dụng đúng mục đích, hoàn trả gốc, lãi đúng hạn, tham gia tiết kiệm đầy đủ, không có nợ chậm, nợ quá hạn.
Thông qua việc triển khai QQV đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường với sức khỏe cộng đồng, từ đó thay đổi hành vi và ý thức về sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư thêm nguồn vốn chỉnh trang, xây dựng hệ thống bếp, công trình vệ sinh khép kín khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt, Ban quản lý Quỹ các xã, thị trấn đã làm tốt việc tuyên truyền, vận động các hộ gia đình vay vốn đóng góp vốn đối ứng, giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy nước tại địa phương, góp phần nâng tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch và có nhà tiêu hợp vệ sinh ngày càng tăng. Qua triển khai hoạt động của Quỹ, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn cũng đã tạo thêm nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động Hội, gắn với việc triển khai thực hiện các hoạt động trong chương trình xây dựng NTM của địa phương như: phát động hội viên phụ nữ tham gia trồng hoa ven đường, làm đẹp cảnh quan vệ sinh môi trường...
Sau 15 năm triển khai QQV, ở hầu hết các xã, thị trấn thực hiện dự án, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch và công trình vệ sinh nâng lên rõ rệt, sức khoẻ của người dân được cải thiện đáng kể, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng NTM. Thời gian tới, để QQV tiếp tục triển khai rộng khắp, Ban quản lý các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguồn Quỹ tới hội viên phụ nữ và người dân tại địa phương; Khảo sát nhu cầu vay vốn của hộ gia đình để phát triển thành viên; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Ban quản lý các xã, thị trấn; trực tiếp hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Ban quản lý xã, thị trấn, nhất là những đơn vị còn khó khăn; Tăng cường kiểm tra giám sát mục đích sử dụng vốn vay, thẩm định nhu cầu vay vốn của hộ gia đình, xét duyệt cho vay đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng vay hộ và phát sinh nợ quá hạn, đảm bảo an toàn nguồn vốn./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên