Giao Thủy chung tay chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin

07:08, 16/08/2022

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện Giao Thủy thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ nạn nhân và gia đình có điều kiện vươn lên trong cuộc sống hòa nhập cộng đồng.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Giao Thủy có hàng ngàn thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, huyện có hơn 4.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học; gần 2.200 người được hưởng chế độ người có công của Đảng, Nhà nước. Trong đó nạn nhân trực tiếp gần 1.860 người, nạn nhân thế hệ thứ hai bị phơi nhiễm là 323 người, thế hệ thứ ba 68 trường hợp. Nạn nhân da cam mắc nhiều bệnh hiểm nghèo hoặc sinh con dị dạng, dị tật. Nhiều gia đình có 3-5 nạn nhân, đặc biệt một số gia đình các con đều bị dị dạng, dị tật không tự chủ trong sinh hoạt, gánh nặng chăm sóc, nuôi dưỡng phụ thuộc vào người thân. Do đó, đời sống của phần lớn gia đình nạn nhân da cam đều rất khó khăn, 20% gia đình nạn nhân nghèo và cận nghèo, 70% gia đình có mức sống thấp. Hơn 100 gia đình nhà ở dột nát không an toàn, 330 gia đình cần hỗ trợ vốn để sản xuất. Hầu hết nạn nhân tuổi cao, sức khỏe giảm sút, mang nhiều thương tích chiến tranh. Các cấp, các ngành luôn quan tâm, có nhiều chính sách ưu đãi nhằm xoa dịu nỗi đau da cam, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nạn nhân, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện đã tích cực triển khai nhiều phong trào, hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, giúp nhiều gia đình hội viên vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hàng năm, Hội đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa như phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Vì nạn nhân chất độc da cam”, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện huy động mọi nguồn lực chăm lo tốt hơn đời sống cho các nạn nhân. Hội đã phối hợp với các trường học giáo dục cho các em học sinh lòng nhân ái, yêu thương, chia sẻ với các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và người khuyết tật. Tuyên dương những tấm gương của nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt khó vươn lên, những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân. Trong 12 năm qua kể từ khi thành lập, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện đã vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ bằng vật chất, tiền mặt xây dựng, sửa chữa được 34 nhà tình nghĩa; trợ cấp khó khăn cho hàng nghìn lượt người, tặng 62 xe lăn cho nạn nhân liệt vận động, tặng học bổng cho 87 cháu có hoàn cảnh khó khăn vượt  khó học giỏi; thăm, tặng quà nhân dịp lễ, tết cho gần 6.000 lượt người, khám bệnh miễn phí cho 3.700 trường hợp, tạo điều kiện cho 60 gia đình được vay vốn với lãi suất thấp từ quỹ hội với số tiền 850 triệu đồng… Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, với bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện luôn đoàn kết, gương mẫu chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu trong thực hiện các phong trào của địa phương. Đã có nhiều lượt hội viên được vay vốn làm kinh tế, thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống, đến nay số hội viên thuộc diện hộ nghèo giảm; không có hội viên hoặc gia đình hội viên mắc tệ nạn xã hội. Trong 6 tháng đầu năm, Hội đã vận động được trên 880 triệu đồng từ các nhà tài trợ để trao tặng quà cho các nạn nhân nhân dịp lễ, tết; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng 5 nhà xây mới cho các nạn nhân... góp phần chia sẻ những khó khăn giúp các nạn nhân có cuộc sống ổn định.

Cùng với sự quan tâm, chăm lo, thực hiện các chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam trong huyện đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương là hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin có tinh thần tương thân tương ái, chung tay xây dựng quê hương; các hội viên và gia đình đã hiến hơn 42 nghìn m2 đất làm đường giao thông và đường nội đồng. Điển hình như ông Đoàn Văn Chi ở xã Giao Hà đã hiến 360m2 đất để xây dựng nhà văn hóa xóm. Ông Cao Văn Phương ở xã Giao Xuân, là thương binh, nạn nhân chất độc da cam có 4 người con bị ảnh hưởng chất độc hóa học từ bố, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn, nhiều năm liền sống trong cảnh nhà cửa dột nát, thiếu bữa trước hụt bữa sau. Nhờ có sự quan tâm của các cấp Hội, gia đình ông đã được tạo điều kiện giúp đỡ xây nhà kiên cố, mùa mưa bão không còn cảnh phải đi trú mưa, tránh bão. Đồng thời được vay vốn “Nghĩa tình đồng đội”, ông đã mua được xe vận tải loại nhỏ để vận chuyển vật liệu xây dựng phục vụ bà con trong thôn. Hiện nay, gia đình ông Phương đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Để tiếp tục chăm lo, giúp đỡ nạn nhân, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, hướng về cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhất là các nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,... tạo mọi điều kiện để họ được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước theo quy định, phấn đấu để các gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam có điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đồng thời tiếp tục huy động các nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân; rà soát danh sách gửi các cấp có thẩm quyền thẩm định, công nhận và chi trả trợ cấp cho các nạn nhân trực tiếp cũng như gián tiếp đủ điều kiện, bảo đảm quyền lợi cho các nạn nhân./. 

Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com