Những năm qua, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị Viện KSND 2 cấp trong tỉnh quán triệt, thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở. Từ đó đã tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực công tác, góp phần đảm bảo việc thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh được nghiêm minh.
Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại Trại tạm giam (Công an tỉnh). |
Hàng năm, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện KSND tỉnh luôn quan tâm kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở trong ngành KSND tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, các đơn vị, tổ chức đoàn thể Viện KSND 2 cấp quán triệt, triển khai các văn bản liên quan đến thực hiện QCDC trong ngành, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Kết luận số 21 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cuộc vận động xây dựng đội ngũ, cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” của Viện KSND tối cao. Bên cạnh đó, Viện KSND tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề về thực hiện QCDC trong ngành KSND tỉnh với nội dung “Biện pháp để thực hiện tốt nội dung quyền tham gia góp ý của công chức, người lao động trong việc thực hiện QCDC cơ sở”, trong đó đã đánh giá cụ thể những kết quả đã đạt được, những hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra những phương hướng, giải pháp, đề xuất góp phần nâng cao hơn nữa việc thực hiện QCDC cơ sở trong ngành KSND tỉnh. Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, Viện KSND 2 cấp chú trọng thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công tác giám sát của tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể và thực hiện tốt QCDC cơ sở trong mọi hoạt động, tạo điều kiện cho cán bộ, người lao động phát huy tinh thần trách nhiệm trong xây dựng cơ quan; đồng thời, phối hợp với lãnh đạo đơn vị xây dựng Kế hoạch công tác hàng năm phù hợp với nhiệm vụ của ngành, của đơn vị và tình hình thực tế ở địa phương. Ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời các Quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị. Một điểm nhấn khác trong thực hiện QCDC cơ sở là Viện KSND 2 cấp thực hiện nghiêm túc QCDC cơ sở trong quan hệ công tác với các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức xã hội và công dân. Trong đó, Viện KSND 2 cấp duy trì chế độ báo cáo kết quả công tác kiểm sát và công tác xây dựng ngành với HĐND cùng cấp tại các kỳ họp thường lệ trong năm; chấp hành nghiêm túc chế độ giám sát, trả lời chất vấn, yêu cầu của HĐND cùng cấp. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án… trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; thực hiện tốt phối hợp với Ủy ban MTTQ trong công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tuyên truyền nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tại trụ sở Viện KSND 2 cấp đã bố trí phòng tiếp công dân, phân công cán bộ chuyên trách làm công tác tiếp công dân để kịp thời tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và đối thoại với công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, dư luận quan tâm.
Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, Viện KSND tỉnh đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng, ký kết nhiều quy chế, kế hoạch để triển khai thực hiện nhằm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ; phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị địa phương, như: Quy ước phối hợp liên ngành giữa Viện KSND, TAND trong kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp giữa Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh; Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Viện KSND tỉnh trong triển khai Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30-9-2020 của Ban Bí thư về việc “ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan Nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm” giai đoạn 2022-2026; Kế hoạch phối hợp các hoạt động về công tác phổ biến kiến thức pháp luật trong đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên giữa Tỉnh Đoàn và Viện KSND tỉnh, giai đoạn 2021-2025.
Với việc nghiêm túc thực hiện QCDC cơ sở trong mọi hoạt động đã góp phần quan trọng để Viện KSND 2 cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Năm 2021, ngành KSND tỉnh đã hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội với chất lượng được nâng cao và được Viện KSND tối cao tặng bằng khen. 6 tháng đầu năm 2022, các chỉ tiêu nghiệp vụ thực hiện cơ bản đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra. Toàn ngành đã kiểm sát 100% nguồn tin đã được Cơ quan điều tra thụ lý giải quyết; trực tiếp kiểm sát 24 cuộc trong lĩnh vực giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; ban hành 24 kết luận và 5 kiến nghị phòng ngừa tội phạm; ban hành 638 yêu cầu điều tra, đạt tỉ lệ 100% số mới khởi tố; kiểm sát 100% hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; tham gia và trực tiếp hỏi cung bị can 833 lượt, chiếm 99,9% số bị can đã xử lý giải quyết; xác định 75 vụ án hình sự trọng điểm; 106 phiên tòa rút kinh nghiệm. Kiểm sát thụ lý 1.902 vụ, việc theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm. Xác minh 578/803 (đạt 72%) trường hợp Cơ quan Thi hành án dân sự xếp vào diện chưa có điều kiện thi hành; kiểm sát 100% các trường hợp định giá tài sản đảm bảo thi hành án, định giá tài sản sung ngân sách Nhà nước, tiêu hủy vật chứng. Đồng chí Nguyễn Văn Hậu, TUV, Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết: Thời gian tới, ngành KSND tỉnh tiếp tục nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện QCDC cơ sở theo đúng quy định của Quy chế 161 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện KSND. Công chức, người lao động trong ngành KSND tỉnh tích cực thực hiện các quy định của QCDC cơ sở đặc biệt là quyền giám sát, kiểm tra; quyền tham gia đóng góp ý kiến xây dựng cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện QCDC cơ sở để kịp thời phát hiện các vi phạm, tồn tại, khắc phục, sửa chữa, rút kinh nghiệm; phát huy tinh thần tự chủ, tự giác, tinh thần đoàn kết, nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức, người lao động, chấp hành đúng các quy định, quy chế của ngành để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Trọng