Để trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng

08:08, 17/08/2022

"Truyền thông đến toàn xã hội, tập trung vào các đối tượng là cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; đảm bảo các điều kiện cần thiết để trẻ em được tham gia an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng" - Đây là mục tiêu của Kế hoạch 68/KH-UBND ngày 30-6-2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025".

Tiết mục dự thi của Trường THPT Trần Hưng Đạo đạt giải Nhất Hội thi kể chuyện “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” năm 2022.
Tiết mục dự thi của Trường THPT Trần Hưng Đạo đạt giải Nhất Hội thi kể chuyện “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” năm 2022.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 477.800 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 26% dân số; trong đó có 4.884 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Năm 2021, toàn tỉnh có 32.279 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; 753 trẻ em bị tai nạn thương tích (51 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích); 29.030 trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo; 1.450 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ; 1.205 trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ đi làm ăn xa; 20 trẻ em vi phạm pháp luật đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng. Giai đoạn 2017-2020, Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 93 tin báo, vụ việc, khởi tố 28 vụ, 116 bị can phạm tội với thủ đoạn có liên quan đến không gian mạng; đặc biệt trong số 116 bị can có 95 bị can trong độ tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, chiếm 81,9%. Những thông tin xấu độc trên không gian mạng tác động tiêu cực đến tình hình, tư tưởng, dư luận xã hội, đặc biệt là giới trẻ, tiếp tay cho quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong những năm gần đây, tình hình mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp với tính chất và thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và liên quan đến địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. Với phương thức, lợi dụng mạng xã hội facebook, zalo làm quen, giả vờ yêu đương, rủ rê các cô gái nhẹ dạ, cả tin, ham chơi... sau đó lừa để bán vào các nhà hàng, nhà nghỉ trong nước hoặc bán qua biên giới làm gái mại dâm. Năm 2021, toàn tỉnh có 6 trẻ bị mua bán; 15 trẻ bị xâm hại tình dục; 5 trẻ bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bạo lực. 

Đồng chí Triệu Văn Thái, TUV, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Căn cứ Kế hoạch liên tịch số 01/KHLT-CA-ĐTN-TTTT-GDĐT giữa Công an tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở TT và TT, Sở GD và ĐT về “Phối hợp phát động đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng”, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh chủ động phối hợp với ngành Công an cùng cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của pháp luật về an ninh mạng, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, nhất là đối tượng đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, lâu dài. Chú trọng công tác bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội của Đoàn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng công cụ, phương tiện công nghệ thông tin, mạng Internet, mạng viễn thông; khả năng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc; phương thức, thủ đoạn, đặc điểm và nguyên nhân, điều kiện của tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh đang duy trì 255 tài khoản facebook, fanpage làm công cụ tuyên truyền với 75.768 người tham gia. Xây dựng các hội, nhóm, câu lạc bộ đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Trong đó, chú trọng việc xây dựng các hội, nhóm, câu lạc bộ trên không gian mạng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội, như facebook, zalo… tạo thuận lợi truyền tải và tiếp nhận thông tin được nhanh chóng, dễ dàng. Toàn tỉnh đã có 214 tổ, đội, nhóm làm nhiệm vụ với 2.529 thành viên.

Thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 68/KH-UBND ngày 30-6-2022 về triển khai thực hiện Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025". Mục tiêu nhằm bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật. Truyền thông đến toàn xã hội, tập trung vào các đối tượng là cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. 100% các trường tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp và bảo vệ kịp thời theo quy định của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng. Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức ở quy mô toàn tỉnh; đổi mới cách thức, nội dung công tác truyền thông theo hướng gần gũi, sinh động để thu hút trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng internet và mạng xã hội. Lồng ghép vào chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng internet, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng; đẩy mạnh các hình thức tư vấn hỗ trợ trẻ em thông qua tư vấn học đường. Khuyến khích, thúc đẩy gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, phóng viên, biên tập viên, nhà báo... chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia môi trường mạng. Xây dựng cơ chế phối hợp, quy trình xử lý trong việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng giữa các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan theo hướng mỗi khâu có một đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm; thiết lập cơ chế liên ngành theo dõi tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. Vận động sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, gia đình, cá nhân trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, hỗ trợ trẻ em được tiếp cận với các sáng kiến, sản phẩm để tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com