Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội tràn ngập thông tin hai nghệ sĩ trẻ nổi tiếng ở Việt Nam (một nhạc sĩ và 1 diễn viên điện ảnh) bị cáo buộc liên quan đến vụ án về tình dục khi đi du lịch ở Tây Ban Nha. Cụ thể là 2 người này bị tố đã hiếp dâm trẻ vị thành niên 17 tuổi, người Anh, cũng đi du lịch đến Tây Ban Nha. Hình ảnh, thông tin liên quan đến hai nghệ sĩ, kể cả các hình ảnh, thông tin được dẫn từ báo chí nước ngoài; các động thái ứng xử tức thời của cơ quan chủ quản hai nghệ sĩ được các Báo điện tử, trang mạng xã hội cập nhật liên tục.
Sở dĩ như vậy vì nó liên quan đến một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, thuộc về phạm trù đạo đức truyền thống của người Việt và lại xảy ra ở nước ngoài. Hai nghệ sĩ ở trong nước là những ngôi sao, gương mặt đang hot trên những show truyền hình ăn khách, phim truyền hình đang được khán giả mến mộ đón đợi mỗi ngày. Ngay sau khi có thông tin, trên mạng xã hội tràn ngập các ý kiến, trong đó đa phần là lên án hành động của hai nghệ sĩ. Tuy nhiên, đáng chú ý là có một số ý kiến bênh vực của nghệ sĩ bạn bè, đồng nghiệp đã sử dụng cách nói ẩn dụ gây bức xúc, bất bình cho công chúng. Chẳng hạn một nữ nghệ sĩ trẻ quen mặt trên nhiều phim truyền hình, các gameshow, sân khấu hài… facebook có trên 150 nghìn người theo dõi đã viết “Hổ báo sa cơ không nhờ chó mèo phân xử”(?!) trên trang facebook cá nhân. Rất nhiều người theo dõi đã phản ứng, bất bình về ý kiến này, cho rằng nghệ sĩ ám chỉ “công chúng” là “chó mèo” là xấc xược, coi thường khán giả trong khi chị là người hoạt động nghệ thuật, khán giả là một phần tất yếu quan trọng giúp chị có được sự nghiệp và danh hiệu. Thậm chí, sau đó, nghệ sĩ này không tiếp thu ý kiến khán giả để điều chỉnh phát ngôn mà tiếp tục đăng đàn khẳng định quan điểm “hành động để bảo vệ bạn bè, đồng nghiệp khi gặp khó khăn” theo cách thách thức công luận kiểu “bạn tôi làm đúng tôi cũng bênh, bạn tôi làm sai tôi cũng bênh”. Dù cái sai đó không phải là sai lầm bình thường trong cuộc sống mà là phạm tội hình sự liên quan đến đạo đức, phẩm giá con người. Đáng tiếc hơn nữa là phát ngôn này lại bởi một nữ nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (?!). Nhiều người đã thẳng thắn bình luận rằng việc nghệ sĩ bênh đồng nghiệp không sai nhưng sử dụng ngôn từ phải chuẩn mực. Có người còn dẫn Điều 8 trong bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành về quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng để nhắc nhở nữ nghệ sĩ này. Đó là phải “bình luận, nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan. Không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục”.
Văn hóa được Đảng ta xác định là một trong 3 trụ cột để xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Văn hóa nghệ thuật là một yếu tố quan trọng xây dựng bồi đắp tâm hồn, nhân cách con người. Người hoạt động văn hóa nghệ thuật vì thế có sức ảnh hưởng, tác động quan trọng trong đời sống cộng đồng, nhất là đối với nhóm khán giả trẻ. Đặc biệt trong thời đại công nghệ số hiện nay, gần như nhất cử nhất động của những nghệ sĩ có tên tuổi được công khai và lan tỏa, tạo nên những hiệu ứng xã hội nhanh chóng. Tục ngữ có câu “tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”. Do vậy khi nghệ sĩ hành động, phát ngôn lệch chuẩn sẽ gây những hệ quả xã hội không nhỏ, đặc biệt đối với lớp khán giả trẻ đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhân cách.
Tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá “Một số mặt đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng, lối sống thực dụng, hưởng thụ vật chất,… phân hóa xã hội đã và đang ảnh hưởng không tốt đến giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách con người…”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó không thể không thấy tác động tiêu cực từ những hành vi, hoạt động, phát ngôn lệch chuẩn của một bộ phận người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giới showbiz. Việc “nghệ sĩ” M.B sau khi mãn hạn tù ở Mỹ vì tội “ấu dâm” về nước vài năm trước, không những không bị cấm mà vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật, thậm chí mới đây còn được trao Huy chương trong một Liên hoan nghệ thuật; hay những nghệ sĩ từng vướng vào các scandal liên quan đến vấn đề đạo đức, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm văn hóa nghệ thuật nhưng không được xử lý rốt ráo, triệt để theo pháp luật, quy định, rõ ràng đã gây bệnh “nhờn thuốc” và làm “lây lan” những “mầm bệnh” xấu trong xã hội.
Để chấn hưng và phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam, giải pháp quan trọng thứ tư được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phát biểu kết luận tại Hội nghị văn hóa toàn quốc đó là yêu cầu phải chỉ đạo thực hiện quyết liệt và có hiệu quả nội dung: “chú trọng xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội. Xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan công quyền, trong cộng đồng, nhất là trong không gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ…”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, quy định rõ các quy tắc trong từng loại hoạt động và mối quan hệ của nghệ sĩ. Trong đó, quy tắc chung là “đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật; thượng tôn pháp luật, không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác; giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam; phải giữ gìn danh hiệu, hình ảnh có ý thức quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam./.
Vân Thi