Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công

08:07, 17/07/2022

Hoàng Đức Trọng
TUV, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý, truyền thống quý báu của dân tộc ta. Thấm nhuần đạo lý tốt đẹp đó và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các liệt sĩ, thương binh đối với đất nước, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, sự hy sinh, mất mát của đồng bào, chiến sĩ cả nước rất lớn. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là người có công (NCC) với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải quan tâm, thương yêu và giúp đỡ họ”. Đồng thời, Người căn dặn: “Đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao tặng sổ tiết kiệm cho ông Trần Quốc Nga, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) bị nhiễm chất độc hóa học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.  Ảnh: Hoàng Tuấn

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao tặng sổ tiết kiệm cho ông Trần Quốc Nga, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) bị nhiễm chất độc hóa học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Ảnh: Hoàng Tuấn

Năm 1947, trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Người, ngày 27-7-1947 - Ngày Thương binh toàn quốc được mở đầu bằng một cuộc mít-tinh lớn tại Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Từ đó, ngày 27-7 hàng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm giá trị nhân văn Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng.

Trải qua các cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Nam Định có hàng triệu người tham gia cách mạng, chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước; hàng vạn người, gia đình đã hy sinh xương máu, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Toàn tỉnh có trên 36 nghìn liệt sĩ; trên 25 nghìn thương binh, 16 nghìn bệnh binh; trên 800 cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa; trên 2.900 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện 43 mẹ còn sống); gần 1.600 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; trên 10 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; trên 200 nghìn người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, Bằng khen các loại.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, kế thừa và phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, trong suốt 75 năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã không ngừng quan tâm thực hiện tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với những người và các gia đình đã đóng góp, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Chế độ, chính sách ưu đãi đối với NCC và gia đình NCC thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện nhằm chăm sóc tốt hơn, cải thiện các điều kiện sống cho NCC và gia đình. Ở tỉnh ta, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng và các tầng lớp nhân dân luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác thương binh - liệt sĩ, chăm sóc NCC: giải quyết chế độ chính sách ưu đãi cho các diện đối tượng NCC, nhất là việc xem xét, giải quyết các tồn đọng chính sách sau chiến tranh, các diện đối tượng chính sách mới được sửa đổi, bổ sung; phát động và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia chăm sóc đối tượng chính sách NCC; công tác chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ được quan tâm, hoạt động đưa, đón hài cốt liệt sĩ, tạo điều kiện cho các gia đình liệt sĩ đi thăm viếng mộ, di chuyển hài cốt liệt sĩ được thực hiện đúng chế độ quy định. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 45 nghìn người thuộc diện NCC và thân nhân của NCC với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng số kinh phí chi trả trợ cấp hàng tháng là trên 83 tỷ đồng.

Hàng năm, cùng với nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ, các địa phương đã vận động nhân dân đóng góp và trích ngân sách địa phương thực hiện tu sửa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ với giá trị hàng chục tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng Đài tưởng niệm và bia ghi tên các liệt sĩ của tỉnh tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị), với tổng mức đầu tư gần 7,8 tỷ đồng. Đầu tư tôn tạo phần mộ liệt sĩ Lưu Chí Hiếu và lắp đặt đài hóa vàng tại phần mộ liệt sĩ Vũ Văn Hiếu tại Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng kinh phí đầu tư trên 300 triệu đồng. Đầu tư xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Nam Định tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, tỉnh Quảng Trị, với tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng. Về công tác giải quyết chế độ chính sách đối với NCC và thân nhân của NCC với cách mạng, từ năm 2017 đến năm 2021, đã giải quyết cho trên 256 nghìn lượt người, gồm: chế độ trợ cấp đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ mới được xác nhận; chế độ điều dưỡng tập trung và tại gia đình; chế độ trợ cấp các đối tượng: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo; chế độ bảo hiểm y tế; chế độ mai táng phí, tiền tuất hàng tháng; chế độ thờ cúng liệt sĩ... 6 tháng đầu năm 2022, Sở LĐ-TB và XH đã giải quyết cho gần 30 nghìn lượt NCC, thân nhân của NCC với cách mạng và chế độ chính sách đối với các diện đối tượng liên quan theo quy định.

Các hoạt động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được tổ chức thiết thực, hiệu quả. 5 năm qua (từ năm 2017 đến năm 2021), toàn tỉnh đã phát động, vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đạt gần 45 tỷ 660 triệu đồng (cấp tỉnh 6 tỷ đồng; cấp huyện 7 tỷ 143 triệu đồng; cấp xã 32 tỷ 515 triệu đồng); từ đó, hỗ trợ xây dựng 90 căn nhà tình nghĩa, với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng và sửa chữa, nâng cấp 149 nhà ở của gia đình NCC bị xuống cấp, hư hỏng, với tổng số tiền là trên 2,4 tỷ đồng. Tại cấp xã hàng năm trích từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thu được để thực hiện thăm hỏi, tặng quà trên 5 tỷ đồng/năm. Vận động các cơ quan, tổ chức và các cá nhân quyên góp tặng trên 1.600 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho NCC có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền là trên 860 triệu đồng. Hàng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Sở LĐ-TB và XH đã tham mưu, tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho trên 60 nghìn NCC và thân nhân liệt sĩ, với tổng số tiền là trên 410 tỷ đồng (trong đó: quà của Chủ tịch nước trên 155 tỷ đồng; quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trên 180 tỷ đồng; quà của cấp huyện, xã và các tổ chức cá nhân là 75 tỷ đồng). Đồng thời, thăm hỏi, tặng quà các cơ sở điều dưỡng, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng của tỉnh Nam Định đang an dưỡng tại các Trung tâm nuôi dưỡng NCC ở các tỉnh ngoài (Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Bà Rịa Vũng Tàu).

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022), ngoài việc tập trung tổ chức tuyên truyền về sự hy sinh, công lao của các anh hùng liệt sĩ, những NCT với cách mạng; ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 và những thành quả đã đạt được trong công tác thương binh, liệt sĩ, NCC và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh Nam Định, Sở LĐ-TB và XH đã trình Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định tổ chức một số hoạt động lớn, đó là: Đoàn đại biểu thay mặt Đảng bộ, quân và dân tỉnh đi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và các địa chỉ “đỏ” tại một số tỉnh miền Trung; Tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022), khen thưởng, biểu dương NCC tiêu biểu, các tập thể, cá nhân làm tốt công tác giải quyết chính sách, tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh đối với gần 60 nghìn NCC và thân nhân liệt sĩ; trị giá mỗi suất quà là 500 nghìn đồng; tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Phát động Năm cao điểm về phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; trong đó, tập trung vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp. Trích từ nguồn Quỹ các cấp để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở. Trong đó, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh đã trích hỗ trợ xây dựng 30 căn nhà tình nghĩa (trị giá 80 triệu đồng/nhà) và hỗ trợ sửa chữa 80 căn nhà ở hư hỏng, xuống cấp. Tu sửa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ trong tỉnh. Tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ của địa phương vào 20 giờ 00 ngày 26-7-2022. Phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup), Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI (CVI Pharma) tặng quà cho các thương, bệnh binh nặng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, NCC với cách mạng tại các địa phương trong tỉnh, với tổng số tiền quà tặng trên 9 tỷ 500 triệu đồng./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com