Nỗ lực thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án

08:07, 08/07/2022

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2-6-2021 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế (gọi tắt là Chỉ thị số 04-CT/TW) và Chương trình hành động số 10-Ctr/TU của Tỉnh ủy Nam Định về thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tổ chức thực hiện công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, góp phần thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước. 

Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hải Hậu kê biên, niêm phong tài sản thu giữ sau cưỡng chế thi hành án.
Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hải Hậu kê biên, niêm phong tài sản thu giữ sau cưỡng chế thi hành án.

Để công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng được triển khai hiệu quả, Cục THADS tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo tổ chức thi hành án và ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 04 một cách chi tiết, có trọng tâm, trọng điểm. Bám sát nhiệm vụ các đơn vị chỉ đạo các chấp hành viên khẩn trương, tập trung xác minh, truy tìm tài sản; xử lý các tài sản đã áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp kê biên tổ chức thi hành dứt điểm các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế có điều kiện thi hành. Bên cạnh đó, Cục THADS tỉnh đã thành lập Đoàn công tác để tiến hành kiểm tra chuyên đề 10/10 đơn vị Chi cục huyện, thành phố về công tác giải quyết đối với việc thi hành án liên quan đến các vụ án tham nhũng, các vụ án xâm phạm đến các quy định trong quản lý kinh tế. Qua kiểm tra, đã kịp thời uốn nắn, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm kịp thời đẩy nhanh tiến độ giải quyết đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp không để kéo dài gây ảnh hưởng, thất thoát ngân sách Nhà nước.

Cùng với các giải pháp nghiệp vụ, Cục THADS tỉnh tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng như Công an tỉnh, TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Nhà nước... ban hành sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp liên ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc. Chủ động phối hợp, kịp thời xử lý theo pháp luật đối với tài sản đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; đồng thời, tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án. Ban chỉ đạo THADS các cấp tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS, thu hồi tài sản tham nhũng ở địa phương. Đồng thời tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan THADS trong việc xác minh thông tin, áp dụng các biện pháp thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. 

Với cách làm chặt chẽ, đồng bộ, công tác chỉ đạo đến thực hiện khi thu hồi tài sản được giải quyết nhanh gọn, tập trung được quyền lực, sức mạnh liên ngành, khai thác được sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan. Từ tháng 10-2017 đến nay, các cơ quan THADS tỉnh đã giải quyết xong 157 việc/174 việc có điều kiện thi hành, đạt 90,2%; thi hành xong trên 5 tỷ 400 triệu đồng/trên 5 tỷ 975 triệu đồng, đạt 90,4%. Đặc biệt, các cơ quan THADS tỉnh đã xử lý 2 việc thi hành án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo có tài sản kê biên của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an để đảm bảo thi hành án gồm: Việc thi hành án của Phạm Văn Phước phải bồi thường cho Ngân hàng TMCP Đông Á số tiền trên 11 tỷ 379 triệu đồng trong vụ án Trần Phương Bình và đồng bọn phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo ủy thác thi hành án của Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh. Việc thi hành án của Châu Thị Thu Nga và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng nhà đất còn phải liên đới bồi thường cho 30 người tổng số tiền trên 12 tỷ 115 triệu đồng trong vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Housing Group, theo ủy thác thi hành án của Cục THADS thành phố Hà Nội.

Mặc dù đạt được kết quả cao nhưng công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Trong đó, hầu hết các vụ án tham nhũng, kinh tế còn phải thi hành là những việc chưa có điều kiện thi hành án chiếm tỷ lệ cao trên số việc/số tiền còn phải thi hành (với 32/49 việc, chiếm 65,3% và trên 54 tỷ 120 triệu đồng, chiếm 98,95%). Đối tượng trong các vụ án tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn; có trình độ học vấn, am hiểu pháp luật, có khả năng nhận biết những kẽ hở của hệ thống pháp luật để che giấu, tẩu tán tài sản vì đa phần tài sản đã đứng tên người khác nên việc xác minh, xử lý tài sản rất khó khăn, dẫn đến, nhiều vụ việc, số tiền, tài sản phải thu hồi lớn nhưng đương sự không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị nhỏ hơn so với nghĩa vụ phải thi hành nên không xử lý dứt điểm. Một số trường hợp thì người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù và không có điều kiện, tài sản để thi hành án. Tài sản bảo đảm không đúng với thực tế; thủ tục nhận thế chấp chưa bảo đảm; việc thẩm định giá tài sản khi cho vay của các tổ chức tín dụng chưa được quản lý chặt chẽ, hiệu quả, dẫn đến một số trường hợp tài sản của Nhà nước bị thất thoát không có khả năng thu hồi được... 

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, thời gian tới, ngành THADS tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng. Tăng cường phối hợp tổ chức thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư, đồng thời đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, Tòa án kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội tham nhũng, chức vụ ngay từ giai đoạn điều tra để phòng ngừa, hạn chế việc các đối tượng tẩu tán tài sản. Vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật, tiếp tục sử dụng các biện pháp hữu hiệu như qua xác minh hiện tại người phải thi hành án chưa có điều kiện cần phối hợp với UBND cấp xã nơi người phải thi hành án sinh sống để theo dõi, khi người phải thi hành án có điều kiện thông báo ngay cho cơ quan thi hành án tiến hành thu hồi kịp thời. Giám sát, chỉ đạo chặt chẽ việc thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự địa phương, đảm bảo việc thi hành án đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi công dân, quyền lợi của Nhà nước. Có biện pháp giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật và hậu quả pháp lý từ việc chưa thi hành xong các khoản tài sản phải thu hồi để người phải thi hành án chủ động thi hành. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của Chấp hành viên trong công tác thi hành án thu hồi tài sản cho Nhà nước./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com