Những tấm gương truyền cảm hứng

08:07, 18/07/2022

“Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng: Bác ruột là liệt sĩ chống Pháp; Bố đẻ là liệt sĩ Nguyễn Thành Chung (SN 1934), được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang”. Bà nội được truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”; gia đình tôi được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Độc lập hạng Ba” - Đó là lời tâm sự về truyền thống gia đình của đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hải Trung (Hải Hậu) - một trong 11 thân nhân liệt sĩ được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-2022).

Đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hải Trung cùng mẹ ruột (bà Phạm Thị Tiến) thắp hương phần mộ Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Chung tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Trung (Hải Hậu).
Đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hải Trung cùng mẹ ruột (bà Phạm Thị Tiến) thắp hương phần mộ Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Chung tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Trung (Hải Hậu).

“Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Trung (Hải Hậu), trong không khí linh thiêng, thành kính, thắp nén nhang lên phần mộ liệt sĩ, Anh hùng LLVT Nguyễn Thành Chung, bà Phạm Thị Tiến xúc động kể cho chúng tôi nghe sự nghiệp và gương hy sinh của chồng.

Năm 1954, ông Nguyễn Thành Chung xung phong nhập ngũ, năm 1959 phục viên, năm 1965 tái ngũ, năm 1970 làm trợ lý công binh Huyện Đội Hải Hậu. Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Hải Hậu là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch cả bằng máy bay và pháo binh. Để tăng cường lực lượng rà phá, tháo gỡ bom mìn cho Hải Hậu, năm 1970 Tỉnh Đội Nam Hà đã cử Chuẩn uý Công binh Nguyễn Thành Chung về làm trợ lý công binh Huyện Đội Hải Hậu. Là sĩ quan công binh dũng cảm, có kinh nghiệm trên chiến trường, có chuyên môn được quân đội đào tạo, Quân khu tin cậy tăng cường về địa phương đồng chí đã góp phần huấn luyện, truyền đạt kinh nghiệm tháo gỡ bom, mìn cho lực lượng công binh, dân quân tự vệ trong toàn huyện, đáp ứng kịp thời nhân lực xử lý bom, mìn phục vụ cho chiến đấu và sản xuất của nhân dân.

Sau mỗi lần máy bay Mỹ thả bom dọc các cửa sông, bờ biển các xã Hải Phúc, Hải Lộc, Hải Triều, Hải Thịnh…, đồng chí Nguyễn Thành Chung và tổ công binh các xã lại có mặt rà soát khu vực hiện trường, xác định vị trí các quả bom, đạn chưa nổ, đánh dấu, xử lý bảo đảm an toàn cho nhân dân yên tâm sản xuất và sinh hoạt. Đồng chí Nguyễn Thành Chung luôn chịu khó nghiên cứu tìm giải pháp để vô hiệu hoá những quả bom chưa nổ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân. Ngày 14-10-1972, địch ném bom ở phía đông huyện. Một quả bom chưa nổ nằm trên đường đi về phía đê sông Sò, thuộc xóm 9, xã Hải Lộc. Đồng chí Nguyễn Thành Chung và tổ công tác được Huyện Đội điều về đã đến ngay hiện trường cùng với dân quân của xã Hải Lộc tập trung xử lý ngay quả bom chưa nổ. Tổ công tác nhận nhiệm vụ tháo gỡ bom, đồng chí Nguyễn Thành Chung đã trình bày với chỉ huy Huyện Đội phương án và xung phong trực tiếp tham gia tháo gỡ bom. Ông nói với mọi người: “Đây là quả bom có sức công phá lớn, rất nguy hiểm và phức tạp, không biết nó nổ bất thần lúc nào nên tất cả mọi người phải sơ tán khẩn trương khỏi khu vực nguy hiểm vào nơi trú ẩn an toàn. Có chết thì chỉ một mình tôi chết, còn các đồng chí phải sống để đánh Mỹ đến cùng”. 

Thấy tất cả đã ra nơi an toàn, đồng chí Nguyễn Thành Chung bỏ hết mọi thứ kim khí trong người, tay cầm mấy thanh tre đi về phía quả bom. Mọi người nghẹn thở cùng dõi theo từng bước đi của đồng chí trông chờ từng phút, từng giây, ai cũng cầu mong cho ông được an toàn. Nhưng bất ngờ một tiếng nổ rung trời, đất cát mịt mù, khói đen dầy đặc. Đồng chí Nguyễn Thành Chung đã hy sinh anh dũng (!).

Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, năm 2014, Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Thành Chung.

Tiếp nối truyền thống gia đình

Trong câu chuyện với chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hải Trung Nguyễn Văn Chiến tâm sự: "Bố tôi hy sinh khi tôi 4 tuổi, gia đình có 5 anh em (lúc đó anh lớn nhất mới 12 tuổi, em nhỏ vừa sinh được 7 tháng tuổi). Mất cha, kinh tế gia đình khó khăn trông vào một tay mẹ tôi tần tảo nuôi dạy các con. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đóng quân tại tỉnh Lạng Sơn. Xuất ngũ về địa phương tôi tham gia công tác Đoàn Thanh niên, được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư xã Đoàn".

Bà Phạm Thị Tiến cùng con trai Nguyễn Văn Chiến bên tấm Bia Liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Trung.
Bà Phạm Thị Tiến cùng con trai Nguyễn Văn Chiến bên tấm Bia Liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Trung.

Tiếp nối truyền thống của gia đình, gần 30 năm công tác tại UBND xã Hải Trung, ở vị trí công tác nào, anh Chiến luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay, với cương vị Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hải Trung, anh Chiến cùng tập thể BCH Đảng bộ luôn quan tâm và có những chủ trương phù hợp với thực tiễn của địa phương để đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân trong xã như phát triển ngành nghề, dịch vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho người dân. Đời sống nhân dân trong xã không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đến nay, Hải Trung đạt xã nông thôn mới nâng cao đang phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023. Xã không còn hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội là 1,16%. Xã có 34 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 267 liệt sĩ, hơn 200 thương binh, bệnh binh, 858 người hưởng trợ cấp hàng tháng. Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng. Xã làm tốt công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa để tạo thêm nguồn chăm lo đời sống các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh... Các chế độ, chính sách mới đối với người có công đều được phổ biến kịp thời đến các đối tượng liên quan, chỉ đạo cán bộ chuyên môn hướng dẫn làm thủ tục theo quy định đảm bảo những người trong diện được hưởng đầy đủ đúng quy định. Trong đó đã lập hồ sơ đề nghị công nhận, truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công 2 liệt sĩ: Ngô Văn Khoa và liệt sĩ Nguyễn Văn Đáp thời chống Pháp. Bên cạnh đó, đề nghị phong và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 34 mẹ; trong đó phong tặng 7 mẹ, truy tặng 27 mẹ; lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ 31 hộ về nhà ở…

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, còn nhiều tấm gương tập thể, cá nhân làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công; gương thương binh, gia đình liệt sĩ phát huy truyền thống cách mạng, anh hùng, khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Những tấm gương bình dị đó truyền cảm hứng cho cộng đồng về tinh thần yêu nước, ý chí không khuất phục khó khăn, vì sự phát triển của quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com