Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trong ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã và đang được phát động sâu rộng trên địa bàn tỉnh, qua đó xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của sự nghiệp giáo dục của tỉnh.
Cô giáo Đào Thị Ngọc Phương (đứng giữa) và các học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo đoạt giải trong Hội thi Kể chuyện “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” năm 2022 do Sở GD và ĐT tổ chức. |
Thầy Phạm Văn Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) được nhận xét là tấm gương tiêu biểu về lao động sáng tạo của ngành Giáo dục. Tham gia dạy môn Toán học, thầy luôn tìm tòi phương pháp dạy học hiệu quả phục vụ cho tiết dạy để giờ học đạt hiệu quả cao. Trong các tiết học, thầy Ninh đã tích hợp kiến thức cơ bản với những bài học, kinh nghiệm trong thực tiễn cuộc sống, đưa những câu chuyện gắn với mệnh đề toán học khi giảng dạy để giúp học sinh tiếp cận, hiểu các bài toán một cách dễ dàng. Nhờ đó, thầy đã góp phần giúp học sinh yêu thích bộ môn vốn được coi là “khô khan”, “khó” học. Thầy tâm sự: “Suốt những năm tháng gắn bó với môi trường giáo dục và các em học sinh, tôi luôn nhắc nhở bản thân mình phải nỗ lực vươn lên, không ngừng học tập và bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm. Với suy nghĩ, mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo, tôi luôn tích cực đổi mới phương pháp, có nhiều sáng kiến, đề tài trong chuyên môn để nâng cao hiệu quả dạy và học”. Thầy Ninh thường xuyên cùng các thầy, cô trong tổ chuyên môn thuộc khối khoa học tự nhiên trong trường xây dựng, thiết kế dạy học các tiết học theo định hướng STEM gắn lý thuyết với các vấn đề thực tiễn; tích cực hướng dẫn, động viên học sinh tham gia học tập ngoài giờ lên lớp trong CLB STEM của nhà trường. Ngoài ra, thầy cùng Ban giám hiệu, các tổ, nhóm chuyên môn thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo để bàn về phương pháp dạy học tích cực, các vấn đề gắn lý thuyết với thực tiễn, trao đổi các kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu khoa học thông qua các đề tài sáng kiến cấp trường, cấp ngành, cấp tỉnh, từ đó lan tỏa tinh thần hăng say tìm tòi khám phá, nghiên cứu khoa học trong giáo viên, học sinh. Một số sáng kiến tiêu biểu của thầy được áp dụng mang lại hiệu quả cao, như: Sáng kiến “Đổi mới việc phân loại câu hỏi, ra đề kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi học sinh giỏi cấp tỉnh phần tích phân” (năm 2019) đã được áp dụng hiệu quả tại một số trường THPT trong tỉnh như: THPT Mỹ Lộc, THPT Trần Văn Lan, THPT Nguyễn Bính và được Hội đồng khoa học ngành GD và ĐT tỉnh công nhận (Quyết định số 1260/2020/QĐ-SGDĐT của Giám đốc Sở GD và ĐT); sáng kiến “Những biện pháp phát huy hiệu quả công tác kiểm tra nội bộ ở trường THPT tỉnh Nam Định” (năm 2020) đã được áp dụng tại một số trường THPT trong tỉnh như: THPT Trần Văn Lan, THPT Nguyễn Đức Thuận, THPT Nguyễn Bính, THPT Lương Thế Vinh, THPT Phạm Văn Nghị. Sáng kiến trên đã được Hội đồng khoa học cấp ngành công nhận sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng cấp ngành (Quyết định số 2187/2020/QĐ-SGDĐT của Giám đốc Sở GD và ĐT) và cũng được Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh công nhận sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến trên địa bàn tỉnh Nam Định (Quyết định số 120/2021/QĐ-SKHCN của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ); đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh. Gần đây nhất là sáng kiến: “Chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính trong trường phổ thông” (năm 2021) của các thầy: Nguyễn Duy Phương và Phạm Văn Ninh. Với các giải pháp trong sáng kiến đã góp phần thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy và học tập, giúp học sinh phát huy phẩm chất, năng lực của mình, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Một số giải pháp của sáng kiến đã áp dụng cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh như: THPT Nguyễn Đức Thuận (Vụ Bản), THPT Mỹ Tho (Ý Yên), THPT Xuân Trường (Xuân Trường), THPT B Hải Hậu (Hải Hậu), THPT Trực Ninh B (Trực Ninh), THPT Trần Nhân Tông (Nghĩa Hưng), THPT A Nghĩa Hưng (Nghĩa Hưng), THPT Ngô Quyền (thành phố Nam Định), THPT Nam Trực (Nam Trực), THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc). Những giải pháp của sáng kiến cũng được áp dụng tại một số trường THPT khác ngoài tỉnh như: THPT Lý Thường Kiệt (Hải Phòng); THPT Ninh Bình, THPT Gia Viễn B (Ninh Bình); THPT Gang Thép Thái Nguyên (Thái Nguyên)...
Cô Đào Thị Ngọc Phương, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) cũng được đánh giá là một tấm gương tiêu biểu về lao động sáng tạo. Tại các lớp cô trực tiếp giảng dạy, cô luôn tìm cách truyền cho các em niềm yêu thích môn học. Không chỉ qua những bài tập trong sách giáo khoa mà qua các tiết giảng của cô, học sinh còn tìm thấy những ứng dụng thú vị của môn học khi liên hệ với đời sống thực tiễn, đồng thời cũng tạo cho các em học sinh niềm đam mê, muốn tìm tòi, chinh phục những kiến thức mới. Với vai trò Bí thư Đoàn trường, bản thân cô Phương luôn tích cực tham gia và tổ chức, động viên học sinh hưởng ứng các phong trào thi đua của ngành, đơn vị. Trong từng giai đoạn của năm học, để thích ứng với bối cảnh thực tiễn, cô luôn nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm quản trị giáo dục, triển khai thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho học sinh, nhằm đạt hiệu quả giáo dục tốt nhất, xây dựng cơ sở Đoàn vững mạnh. Đặc biệt, trong năm học 2021-2022 vừa qua, được sự quan tâm, tín nhiệm của Đoàn cấp trên và cấp ủy Đảng, Ban giám hiệu nhà trường, cô đã lãnh đạo công tác Đoàn và phong trào thanh niên Trường THPT Trần Hưng Đạo đạt nhiều thành tích xuất sắc tiêu biểu, với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo. Hưởng ứng, tham gia hội thi, cuộc thi các cấp, cô đã nỗ lực đồng hành cùng tuổi trẻ nhà trường sáng tạo, thi đua đạt thành tích cao và giữ thứ hạng ổn định trong khối THPT toàn tỉnh, khẳng định chất lượng giáo dục toàn diện của cơ sở giáo dục chất lượng cao qua các hội thi, cuộc thi: thi Kể chuyện “Bác Hồ và những bài học về đạo đức lối sống dành cho học sinh” 2 học sinh do cô hướng dẫn đều giành 2 giải Nhất cá nhân, toàn đoàn xếp thứ 1/45 trường, đạt cờ giải Nhất khối THPT; thi “Em yêu môi trường”, nhóm học sinh do cô “đồng hành” đạt 1 giải Nhì cấp tỉnh; cuộc thi “Sáng tác lời mới cho làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền về phòng, chống thiên tai”, sản phẩm cô hướng dẫn học sinh thực hiện đã đạt Giải Ấn tượng cấp quốc gia. Năm học 2021-2022, dù đại dịch COVID phức tạp ảnh hưởng tiêu cực tới chương trình hành động giáo dục của các cơ sở giáo dục, cô vẫn luôn nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới những hình thức tổ chức sinh hoạt giáo dục, chương trình trải nghiệm sáng tạo để vừa duy trì chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, vừa đảm bảo chủ trương phòng chống dịch bệnh của các cấp bộ, ngành và mục tiêu giáo dục toàn diện của đơn vị. Tiêu biểu như các sản phẩm giáo dục số trong cuộc thi “Món ngon tặng mẹ”, “Thầy cô trong trái tim con”, “Chinh phục”, “Cán bộ Đoàn tài năng”, “Cắm hoa nghệ thuật”, giới thiệu Đại sứ văn hóa đọc... Đặc biệt, cô luôn nỗ lực học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong dạy học bằng những phương pháp dạy học tích cực, xây dựng những giải pháp, sáng kiến tổ chức hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao. Cô có 3 đề tài được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp ngành và 1 đề tài được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh. Trong đó, tiêu biểu nhất là đề tài sáng kiến kinh nghiệm về “Xây dựng quy trình 5T thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa cho học sinh THPT” (năm 2021). Đề tài được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp ngành, cấp tỉnh, được Hội đồng khoa học của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội lựa chọn giới thiệu đăng trong Hội thảo Giáo dục Việt Nam VEC năm 2021. Trên cơ sở xây dựng những nhóm giải pháp cụ thể, đề tài đã tạo ra “môi trường” kích hoạt năng lực sáng tạo cho đội ngũ giáo viên đảm nhận công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa trong nhà trường phổ thông (bao gồm cả đối tượng cán bộ quản lý và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên Ban Hoạt động ngoài giờ lên lớp...). Trong đó, việc xác định chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, lý tưởng cách mạng cho học sinh THPT góp phần tạo dựng, củng cố tình cảm, niềm tin, bản lĩnh chính trị cho các thế hệ thanh niên thời đại mới...
Trên đây là 2 tấm gương tiêu biểu về lao động sáng tạo trong hàng chục nghìn nhà giáo đã và đang công tác ở nhiều cấp học ngành GD và ĐT tỉnh. Với những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi trong sự nghiệp giáo dục, nhiều năm liền thầy Phạm Văn Ninh và cô Đào Thị Ngọc Phương đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được ngành GD và ĐT tỉnh, các cấp Công đoàn Giáo dục khen thưởng; được tôn vinh là những điển hình có nhiều sáng kiến kinh nghiệm ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần để các nhà trường chủ động, sáng tạo, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện./.
Bài và ảnh: Minh Thuận