Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hiện xác định có 141 liệt sĩ là cựu học sinh của trường đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhiều năm qua, Câu lạc bộ Cựu chiến binh - Cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân các cựu học sinh của trường là liệt sĩ, người có công với cách mạng. Qua đó, các thế hệ học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ngày nay thêm tự hào với trang sử hào hùng của nhà trường, tiếp thêm động lực để đạt thành tích cao trong học tập, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Câu lạc bộ Cựu chiến binh - Cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thắp hương các phần mộ liệt sĩ là học sinh nhà trường đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Nam Định. Ảnh: Việt Thắng |
Xếp bút nghiên lên đường đánh giặc
“Năm 1963, tôi và em trai Hoàng Trung Dũng và nhiều anh em Trường Lê Hồng Phong khóa 60-63 xung phong lên đường nhập ngũ. Sau đó, 2 người anh con bác ruột tôi là Hoàng Hồng Châu và Hoàng Hồng Nguyên (lớp 10H, khóa 1961-1964) theo tiếng gọi của Tổ quốc cũng xếp bút nghiên lên đường đánh giặc với tâm thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Nơi chiến trường ác liệt, những chiến sĩ - học sinh Trường Lê Hồng Phong mưu trí, gan dạ; trong đó em trai tôi Trung Dũng và hai anh Hồng Châu, Hồng Nguyên đã anh dũng hy sinh” - Đó là lời tâm sự của cựu chiến binh, thương binh Hoàng Dương Chương, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định.
Sinh ra ở xã Mỹ Xá (thành phố Nam Định), năm 1963, ông Hoàng Dương Chương nhập ngũ và được làm thuỷ thủ tàu tuần tiễu T122 khu tuần phòng I, Hải quân nhân dân Việt Nam. Sau một thời gian, ông được tuyển về đơn vị huấn luyện quân đặc biệt tinh nhuệ, đặc công nước. Sau khoá huấn luyện, ông lên đường vào Nam chiến đấu; cùng đơn vị Đội 1 Đoàn 10 Đặc khu Rừng Sác đã đánh chìm, đánh cháy nhiều tàu chiến Mỹ - ngụy trên vùng sông Lòng Tàu và Ông Kéo, Đồng Tranh ở cửa ngõ cảng Sài Gòn. Năm 1966, trong một lần đi trinh sát địch ở sông Lòng Tàu để chuẩn bị cho trận đánh lớn, xuồng của ông bị biệt kích Mỹ bắn chìm. Tuy bị thương, ông vẫn cố sức bơi trên 10 cây số về báo cho đơn vị. Lúc bơi qua Rạch Chàm, bị cá sấu tấn công, vết thương chảy nhiều máu nhưng bằng sự mưu trí và nội lực phi thường, ông đã hạ được con cá sấu giữ được tính mạng về kịp báo để đoàn thuyền chở 7 trái thuỷ lôi về nơi cất giấu an toàn. Năm 1969, bị thương nặng sau khi đạn pháo địch bắn vào chân, ông được đưa ra Bắc điều trị. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người chiến sĩ đặc công Hoàng Dương Chương được tặng các danh hiệu “Dũng sĩ diệt cá sấu”, “Dũng sĩ diệt Mỹ, đánh tàu chiến”; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Hai và hạng Ba, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba. Ngày nay, tại rừng Sác, vẫn còn tượng đài tái hiện cảnh người dũng sĩ diệt cá sấu, mà nguyên mẫu chính là ông Hoàng Dương Chương.
Trải qua các cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong theo tiếng gọi của Tổ quốc, xung kích “Xếp bút nghiên lên đường đánh giặc”; trong đó, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hiện đã xác định 141 liệt sĩ là cựu học sinh nhà trường đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Chị Phạm Thị Hồng Loan có anh trai là liệt sĩ Phạm Văn Tư, học sinh Trường Lê Hồng Phong (khóa 1969-1972) cho biết: Với thành tích đạt giải Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, anh tôi được chọn vào lớp chuyên Văn của Trường Lê Hồng Phong. Năm 1971, chiến tranh diễn ra ác liệt, anh Phạm Văn Tư đã viết đơn xung phong ra trận. Sau đợt huấn luyện, anh cùng đơn vị hành quân vào Quảng Trị. Tháng 10-1972, trong một trận chiến đấu ác liệt anh Tư đã anh dũng hy sinh tại thôn Bích La Nam, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. 29 năm sau, gia đình mới tìm thấy nơi anh an nghỉ và đưa hài cốt của anh về quê hương, yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Trong niềm xúc động, chị Phạm Thị Hồng Loan nghẹn ngào đọc lại bức thư liệt sĩ Phạm Văn Tư gửi về gia đình từ vùng “mưa bom, túi đạn”: “Qua giới tuyến, sự khác biệt giữa hai miền Nam Bắc đã đập ngay vào mắt con. Dù cho là tuyến lửa Vĩnh Linh vẫn đẹp, vẫn đàng hoàng là thế. Còn mảnh đất miền Nam này vẫn là vùng giải phóng song vẫn xơ xác, tiêu điều. Có lẽ vùng này trước đây xóm làng cũng đẹp lắm. Đất cũng giống đất quê mình, nước vẫn dòng nước ấy nhưng bây giờ chỉ là những vùng cát trắng với những cơn gió quái ác. Gió gào rít trên những cánh cỏ tranh bốc cát tung bụi mù mịt. Đó đây một vài bụi tre thấp lưa thưa xen với những ngôi nhà lụp xụp gió đánh lên đánh xuống suốt đêm. Đấy là vết tích của một thời nô lệ, vết tích của những vành đai trắng và ấp chiến lược, vết tích của bầy giặc Mỹ và tay sai… Cuộc sống ở vùng giải phóng đang hồi sinh qua khói lửa. Đi trên vùng đất này chúng con thường nói với nhau rằng mai này khi chiến thắng máy móc sẽ biến nơi đây thành những vùng trồng cây công nghiệp rất giàu của đất nước”!
Câu lạc bộ Cựu chiến binh - Cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tổ chức lễ dâng hương, đặt vòng hoa viếng, tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Nam Định. Ảnh: Việt Thắng |
Dặm đường “Đền ơn đáp nghĩa”
Sáng 24-7-2022, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022), Câu lạc bộ Cựu chiến binh - Cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tổ chức trọng thể lễ dâng hương, đặt vòng hoa viếng, tri ân các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Nam Định - trong đó có nhiều liệt sĩ là cựu học sinh nhà trường đang yên nghỉ tại Nghĩa trang.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, thắp nén hương lên các phần mộ liệt sĩ, anh Vũ Tuấn xúc động kể: “Lớp 10B, khoá 1969-1972 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chúng tôi, 100% các bạn nam đều tham gia quân đội, có 4 bạn là liệt sĩ, nhiều bạn là thương, bệnh binh. Tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố, trong hàng trăm ngôi mộ có hai ngôi của liệt sĩ Trần Minh Đức và Nguyễn Đức Hải là các bạn lớp 10B, còn hai liệt sĩ Trần Đình Cự và Trần Đức Thắng, sau 47 năm thống nhất đất nước, hài cốt các bạn tôi vẫn chưa được tìm thấy. Hôm nay gặp lại thân nhân của các bạn tôi mà lòng rưng rưng. Chiến tranh đã qua đi rất lâu rồi, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Các anh, các chị, các bạn của chúng tôi đã xếp lại bút nghiên hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước này, dân tộc này, mãi mãi chúng tôi không bao giờ quên. Xin thắp những nén nhang thơm kính cẩn dâng lên 141 anh hùng liệt sĩ trường Lê, kính dâng lên hàng triệu liệt sĩ đã hy sinh vì hoà bình của đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc Việt Nam”.
Ông Trần Thái Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: “Năm 2015, khi dự lễ kỷ niệm 95 năm thành lập trường và 55 năm trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, tôi vào thăm Phòng truyền thống của nhà trường. Nhận thấy thông tin về những người lính, những liệt sĩ là cựu học sinh Trường Lê Hồng Phong còn thiếu, tôi nảy ý tưởng kết nối các cựu học sinh nhằm thu thập thông tin về các liệt sĩ từng học ở mái trường này”. Tháng 12-2015, “Hội Cựu chiến binh là cựu học sinh Trường Lê Hồng Phong Nam Định” được thành lập với 60 thành viên. Năm 2017, Hội đổi tên thành “Câu lạc bộ Cựu chiến binh - Cựu học sinh Lê Hồng Phong Nam Định”. Hiện nay, Câu lạc bộ có 150 thành viên sinh hoạt theo 4 chi hội ở các tỉnh, thành phố: Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Để phát huy hiệu quả hoạt động theo đúng mục tiêu thành lập Câu lạc bộ, ông Sơn đã lập Fanpage Facebook mang tên “Câu lạc bộ Cựu chiến binh - Cựu học sinh Trường Lê Hồng Phong Nam Định” nhằm kết nối cựu học sinh ở các khóa học khác nhau và thu thập thông tin về những liệt sĩ từng học tại trường. Ban đầu chỉ có học sinh khóa 1972-1975 nhà trường tham gia, sau đó có thêm nhiều học sinh các khóa khác của trường cùng tham gia Fanpage. Từ khi thành lập Fanpage, thông tin về các cựu chiến binh, liệt sĩ là học sinh nhà trường được thu thập. Quá trình xác minh thông tin liệt sĩ, người có công với cách mạng là học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong gặp nhiều khó khăn bởi có nhiều thông tin thiếu kiểm chứng.
Ông Trần Thái Sơn cho biết: “Nhiều nguồn cung cấp thông tin chỉ nhớ tên của liệt sĩ, không nhớ năm sinh, ngày nhập ngũ... Có trường hợp biết địa chỉ thân nhân liệt sĩ ở thành phố Nam Định, nhưng cũng phải vài ngày mới tìm được. Ví như trường hợp tìm người thân liệt sĩ Khổng Quốc Thái, học sinh khóa 1961-1964 Lê Hồng Phong - địa chỉ số nhà 20 Phan Đình Phùng, thành phố Nam Định. Khi Ban liên lạc đến, chủ nhà cho biết khu vực này đã thay đổi số nhà 3 lần. Các thành viên lần theo chỉ dẫn của tổ trưởng dân phố sau đó mới tìm được người anh của liệt sĩ, hiện đang ở 14E tổ 10 phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định”.
Sau một thời gian kiên trì “gõ cửa” từng nhà thân nhân các liệt sĩ là cựu học sinh của trường, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã thu thập được thông tin, hình ảnh của 141 liệt sĩ rồi tiến hành biên soạn cuốn sách “Một thời để nhớ” (Nhà xuất bản Lao Động phát hành năm 2017). Bên cạnh hoạt động thu thập thông tin liệt sĩ, người có công với cách mạng, câu lạc bộ còn tổ chức nhiều hoạt động: lễ cầu siêu, thắp hương tưởng niệm liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà thân nhân liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cựu học sinh là thương binh, bệnh binh nhân dịp 27-7 hàng năm…
Hoạt động của Câu lạc bộ Cựu chiến binh - Cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã góp phần tô thắm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng. Qua đó, các thế hệ học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thêm tự hào với trang sử hào hùng của nhà trường, tiếp thêm động lực để đạt thành tích cao trong học tập, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Việt Thắng và Viết Dư