Miễn học phí trung học cơ sở - từ đề xuất đến hiện thực

08:07, 08/07/2022

Nếu học sinh trung học cơ sở (THCS) được miễn học phí, lùi lộ trình tăng học phí các cấp, hàng triệu gia đình sẽ được giảm gánh nặng học hành, hàng trăm nghìn học sinh được nối dài thêm cơ hội học tập. Đây cũng sẽ là nguồn động viên, khuyến khích, tiếp sức cho hàng triệu học sinh trước thềm năm học mới.

Miễn học phí THCS là nối dài thêm cơ hội học tập của nhiều học sinh.  Ảnh: Internet

Miễn học phí THCS là nối dài thêm cơ hội học tập của nhiều học sinh.

Ảnh: Internet

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 4-7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022-2023 với toàn bộ các cấp học khác, mà cụ thể là lùi lộ trình tăng học phí các cấp học để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện.

Theo ước tính của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 55 triệu học sinh, ngân sách cấp bù miễn học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học thì chi 11.199,8 tỷ đồng/năm học. Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách Nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm 2022-2024 (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).

Trước đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh, phù hợp với tình hình và điều kiện của đất nước tại thời điểm hiện nay.

Như vậy, người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm “điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh” nhưng phải “tính toán các vấn đề liên quan đến ngân sách” và “phù hợp với tình hình và điều kiện của đất nước tại thời điểm hiện nay”, tức là phải cân đối giữa đầu tư và phát triển khi đất nước còn nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra. 

Theo Nghị định 81/2021 mà chúng ta đang thực hiện, học sinh tiểu học trường công lập và người theo học các ngành chuyên môn đặc thù được miễn học phí. Nếu học sinh THCS được miễn học phí, hàng triệu gia đình sẽ được giảm gánh nặng học hành, hàng trăm nghìn học sinh được nối dài thêm cơ hội học tập. Đây cũng sẽ là nguồn động viên, khuyến khích, tiếp sức cho hàng triệu học sinh trước thềm năm học mới.

Miễn học phí cấp THCS không phải đề xuất mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình. Như vậy, có thể thấy, Chính phủ luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, chủ trương tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ công tác giáo dục. Và mặc dù chưa có nghị quyết chính thức về vấn đề này, nhưng trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong năm học 2021-2022, nhiều địa phương đã miễn, giảm học phí cho học sinh như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Việc làm này thể hiện chính sách nhân văn và vì thế hệ tương lai của Đảng, Nhà nước ta, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt đối với phụ huynh, tạo điều kiện cho học sinh được tiếp tục học tập, đặc biệt là những đối tượng học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở”. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đề ra giải pháp: “Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020”. Đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo không nằm ngoài những phương hướng, mục tiêu mà các nghị quyết của Đảng đang hướng tới.

Nếu đề xuất này thành hiện thực, đây thực sự sẽ là tin vui cho hàng triệu gia đình đang có con em trong độ tuổi đi học. Việc miễn giảm tuy không lớn, nhưng sẽ làm giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt trong thời điểm kinh tế chưa thực sự phục hồi sau đại dịch và tình hình giá cả leo thang đang tác động rất lớn đến đời sống nhân dân. Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện chính sách này. Các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là giáo dục căn bản. Chúng ta đã miễn học phí bậc tiểu học, việc miễn học phí cho học sinh THCS sẽ nối dài cơ hội học tập của nhiều học sinh khó khăn, giúp chúng ta có một thế hệ công dân có tri thức, có trình độ cao hơn, được trang bị nhiều kiến thức hơn, có thể “mở được nhiều cánh cửa hơn” để bước vào đời cũng như đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của sự phát triển.

Để tạo sự thống nhất trong thực hiện, hy vọng đề xuất miễn học phí THCS sớm được thông qua. Còn trong điều kiện chưa thực hiện được, thì đề xuất lùi lộ trình tăng học phí cũng sẽ giúp người dân “dễ thở” hơn khi hàng loạt những thông tin về việc tăng giá sách giáo khoa, tăng mức học phí đang là nỗi lo của các bậc phụ huynh khi năm học mới cận kề. Các địa phương cũng nên thể hiện trách nhiệm của mình trong việc khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, chủ động sử dụng ngân sách hỗ trợ học phí cho học sinh như một số địa phương đã và đang thực hiện, bởi sẽ chẳng có đầu tư nào “có lãi” bằng đầu tư cho tri thức, cho tương lai./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com