Lan tỏa phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ở Hải Hậu

08:07, 26/07/2022

Với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Huyện uỷ, UBND huyện Hải Hậu luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn thực hiện tốt chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng; đồng thời huy động các nguồn lực, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. 

Huyện Đoàn Hải Hậu phát động phong trào đoàn viên, thanh niên tham gia dọn vệ sinh, chăm sóc phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ địa phương.
Huyện Đoàn Hải Hậu phát động phong trào đoàn viên, thanh niên tham gia dọn vệ sinh, chăm sóc phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ địa phương.

Truyền thống yêu nước, cách mạng ở Đảng bộ “4 tốt”

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thông, xã Hải Phương là thương binh 1/4, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, là nhân vật chính trong câu chuyện cảm động trở về sau “Giấy báo tử”. Bị địch bắt giam, trải qua các nhà tù của Mỹ - ngụy và bị tra tấn với mọi cực hình, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, không hề khuất phục. Trao cho chúng tôi kỷ vật “đặc biệt” - đó chính là “Giấy báo tử” (năm 1970), ông nhớ đến những hồi ức “một thời hoa lửa”; hiện hữu trong câu chuyện của ông là những kỷ niệm cao đẹp về tình quân dân, nghĩa đồng bào; những chiến công anh dũng của Bộ đội Cụ Hồ trên các mặt trận nơi “túi bom, vựa đạn” trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1965, ông Thông và em gái viết đơn tình nguyện ra mặt trận; anh vào bộ đội, em gái đi thanh niên xung phong. Sau thời gian huấn luyện tại Thái Nguyên, ông được điều về đơn vị công binh thuộc Sư đoàn 314, chiến đấu tại mặt trận Thừa Thiên - Huế. Trước khi vào Nam chiến đấu, ông vinh dự được kết nạp Đảng. Tại chiến trường phía Nam; đơn vị của ông Nguyễn Đức Thông nhận nhiệm vụ “đánh mạnh, đánh nhanh, đánh thắng”, chiếm lĩnh vùng giáp ranh từ Phong Sơn đến Phong Mỹ (Phong Điền); sẵn sàng đánh địch phản kích.  Ngày 7-5-1968, khi đang làm nhiệm vụ, bất ngờ địch càn quét. Hầm của ông bị bom đánh sập, 8 chiến sĩ hy sinh tại chỗ, ông Thông bị thương ở ổ bụng, chân trái bị dập ống đồng. Sau đó, máy bay địch càn qua, chúng phát hiện ông Thông trong tình trạng bất tỉnh liền đưa về Đà Nẵng. Sau trận càn, đồng đội quay lại tìm không thấy xác ông, tưởng ông đã bị địch thủ tiêu. Ngày 7-5-1968 trở thành ngày hy sinh của ông trong “Giấy báo tử” do Quân khu xác nhận, gửi về địa phương. Trong khi đó, ông Thông bắt đầu những ngày tháng bị địch lưu đày qua các nhà tù Mỹ - ngụy. Hơn 5 năm sống cảnh tù đày (Nhà tù Đà Nẵng, Trại giam Quy Nhơn, Nhà tù Phú Quốc), địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, thậm chí tháo khớp nhưng ông không khai nửa lời. Tấm gương kiên trung, gan dạ của ông được truyền tụng khắp các phòng giam. Năm 1973, Hiệp định Paris ký kết, ông thoát khỏi nhà tù Phú Quốc. 

Đồng chí Trần Minh Hải, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hải Hậu cho biết: Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, trang sử quê hương in đậm những đau thương, mất mát, mồ hôi và xương máu của người dân thấm xuống từng bờ đê, gốc lúa với tinh thần bất diệt “Một tấc không đi, một ly không rời”, sẵn sàng ngã xuống để bảo vệ quê hương. Từ trong đau thương, người dân Hải Hậu đã vùng lên phá tề, diệt bốt, lập nên những chiến công vang dội ở Cầu Đôi, Văn Lý, Cầu Đông, Văn Đàn, Chợ Đền, Đông Biên… Những tấm gương cấp uỷ, đảng viên và quần chúng trung kiên là người con Hải Hậu trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, đã anh dũng hy sinh, tiêu biểu như các đồng chí Trần Văn Chử, Trần Thiện Rụ, Đỗ Nguyên Sáu, Trần Văn Thành, Vũ Giao Hoan, Bùi Văn Ba, Đoàn Thị Trò... làm ngời sáng truyền thống anh hùng, bất khuất của mảnh đất, con người Hải Hậu.

Từ năm 1954 đến năm 1975, hơn 20 năm thực hiện khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tay cày - Tay súng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... quân, dân và lực lượng vũ trang Hải Hậu vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu kiên cường, bảo vệ quê hương và chi viện cho cách mạng miền Nam, lập lên những chiến công vang dội. 

Trong các cuộc kháng chiến giữ nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc, Hải Hậu rất tự hào đã có những đóng góp to lớn cùng quân, dân cả nước. Hơn 50 nghìn con em quê hương đã hăng hái lên đường chiến đấu trên khắp các chiến trường của Tổ quốc; hơn 4.600 người đã anh dũng hy sinh, trên 2.000 người đã để lại chiến trường một phần xương máu, 399 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, 19 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng nghìn cán bộ và nhân dân được tặng thưởng huân, huy chương. Đặc biệt, lực lượng vũ trang huyện, dân quân du kích xã, thị trấn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; cán bộ, xã viên HTX nông nghiệp Hải Quang được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Thiết thực “Đền ơn đáp nghĩa” 

Thực hiện đạo lý truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân huyện Hải Hậu đã chăm lo công tác “đền ơn, đáp nghĩa” bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả trong công tác thương binh, liệt sĩ, người có công. 

Đồng chí Lưu Thị Nghiêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hải Hậu cho biết: Để tri ân và ghi nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ, từ năm 1956 một số xã trong huyện đã lấy tên các anh hùng liệt sĩ đặt tên cho xóm, cho làng. Đến nay toàn huyện có 41 xóm, tổ dân phố ở 4 xã, thị trấn (Hải Thanh, Hải Phú, Hải Xuân và Cồn) được mang tên các anh hùng liệt sĩ tiêu biểu của quê hương.

Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thời gian qua, huyện rà soát, lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT 1.230 người là thân nhân th­ương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động 61% trở lên; 2.546 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT theo Quyết định số 150/2006/QĐ-TTg; 5.433 đối t­ượng hưởng thẻ BHYT theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tư­ớng Chính phủ; 70 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày đã hưởng trợ cấp 1 lần chuyển hưởng trợ cấp hàng tháng; 3.499 hồ sơ ng­ười thờ cúng liệt sĩ hư­­ởng trợ cấp một lần; trên 400 đối tượng thân nhân của thương, bệnh binh mất sức lao động từ 61% đã từ trần, đến tuổi đư­ợc hưởng chế độ tiền tuất hàng tháng. Hàng năm, tiếp nhận trên 200 lượt hồ sơ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo cho con người có công, từ 1.600 đến trên 3.000 người có công, thân nhân người có công được điều dưỡng hàng năm. Giải quyết trợ cấp 1 lần cho 238 thân nhân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được truy tặng; 34 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đư­ợc phong tặng và ngư­ời phục vụ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tổng số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đư­ợc phong tặng và truy tặng toàn huyện đến nay là 399 mẹ.

Công tác xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) th­ường xuyên đ­ược cấp uỷ, chính quyền các địa phư­ơng quan tâm. Toàn huyện có 33 NTLS cấp xã và 1 Đền thờ Liệt sĩ cấp huyện. 10 năm qua, hàng năm có từ 3 đến 5 NTLS được ngân sách Trung ương, địa phương và nhân dân đóng góp cải tạo, nâng cấp và xây mới với kinh phí mỗi công trình từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công tiếp tục được đẩy mạnh. Từ năm 2015 đến nay nguồn kinh phí quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh, huyện, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Tập đoàn Dầu khí phối hợp với các địa phương đã xây mới 50 nhà tình nghĩa tặng người có công, thân nhân người có công với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng. UBND huyện Hải Hậu đã trích từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huyện hỗ trợ 21 gia đình người có công có khó khăn sửa chữa nhà ở trị giá trên 100 triệu đồng. Mỗi năm Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp huyện huy động được trên 100 triệu đồng, cấp xã từ 15 đến 40 triệu đồng/xã. Hỗ trợ theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xây mới 211 nhà, sửa chữa 486 nhà, tổng cộng là 697 nhà với tổng kinh phí 18,16 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ huyện Hải Hậu đã thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1237/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã tổ chức đón nhận 115 hài cốt liệt sĩ ở trong và ngoài nước về an táng trang trọng, đúng nghi lễ. Cùng với việc giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi người có công cho đối tượng còn tồn đọng, huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, với mục tiêu nâng cao hơn nữa về đời sống cho gia đình chính sách người có công và đảm bảo 100% gia đình chính sách người có công của tỉnh có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú. Hàng năm các xã, thị trấn phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện và các bệnh viện tuyến Trung ương quan tâm chăm sóc sức khoẻ, thăm khám, chữa bệnh kịp thời, chu đáo đối với người có công và thân nhân.

Bằng các hoạt động thiết thực “Đền ơn đáp nghĩa” Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Hậu thể hiện lòng biết ơn sâu sắc và tri ân đối với những cống hiến và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc bảo vệ quê hương, đất nước. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ nói riêng và các tầng lớp nhân dân nói chung, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, lực lượng vũ trang vững mạnh, quê hương Hải Hậu ngày càng giàu mạnh, văn minh, trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com