Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiên phong ra các vùng chuyển đổi để phát triển kinh tế, góp phần gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Anh Nguyễn Văn Thế, xã Nam Thắng (Nam Trực) chuyển đổi vùng đất trồng dâu hiệu quả thấp sang trồng hoa cây cảnh cho thu nhập cao. |
Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, hội viên nông dân Tô Văn Mạnh ở xã Yên Phương (Ý Yên) đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi, phát triển mô hình nuôi chạch sụn. Năm 2012, khi xã có chủ trương dồn điền đổi thửa, anh Mạnh đã bàn bạc với gia đình, nhận dồn ruộng về khu trũng, trồng lúa kém hiệu quả để chuyển đổi mục đích sử dụng, đào ao thả cá. Ngoài diện tích hơn 1 mẫu đất của gia đình, anh nhận đấu thầu thêm 5 mẫu từ đất 5% của xã để phát triển sản xuất. Được HND xã tư vấn về chuyển đổi con nuôi và tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng NN và PTNT, ban đầu, anh chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống, nuôi lợn và trồng cây rau màu các loại. Năm 2014, anh xin nhận thầu thêm 9 mẫu là những diện tích đất thùng, hoang hóa để mở rộng mô hình, đầu tư đào thêm ao thả cá, trồng cây ăn quả, rau, màu, mía đỏ và chăn nuôi theo mô hình khép kín. Mô hình của gia đình anh bước đầu mang lại hiệu quả, cho thu nhập ổn định và có lãi. Đặc biệt, năm 2018, sau khi đi tham quan học hỏi các mô hình chăn nuôi thủy sản ở trong và ngoài tỉnh, nhận thấy thị trường rất ưa chuộng chạch sụn, đầu ra ổn định, anh đã mạnh dạn chuyển đổi một ao nhỏ diện tích 1.500m2 từ nuôi cá truyền thống sang nuôi chạch sụn. Anh còn cất công lên Học viện Nông nghiệp Việt Nam để học hỏi, tìm hiểu các tài liệu hướng dẫn nuôi chạch sụn sinh sản, tự sản xuất ra con giống để giảm chi phí đầu vào. Với thành công này, từ năm 2020, anh đã mở rộng toàn bộ diện tích các ao để nuôi chạch bố mẹ, chạch bột, chạch hương và chạch thương phẩm, trung bình mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng.
Ở huyện Hải Hậu, từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, các hộ nông dân nhiều năm qua đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nổi bật như hơn 10 năm trở lại đây, nông dân xã Hải Lộc đã chuyển đổi vùng chân ruộng cao, khó canh tác, cho thu nhập thấp sang trồng cây dây thìa canh. Đến nay, toàn xã có khoảng 30ha trồng cây dây thìa canh, tập trung chủ yếu ở xóm 3 và trồng xen canh trong làng. Nông dân xã Hải Tân chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả và trồng cải dầu khó khăn về đầu ra sản phẩm sang mô hình trồng cây ổi lê Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện với môi trường. Đến nay, diện tích trồng ổi lê Đài Loan của xã đã lên đến hơn 11ha với 120 hộ trồng. Nhờ tích cực làm giàu từ vùng chuyển đổi, nhiều nông dân đã trở thành điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Tiêu biểu như ông Phạm Văn Khấn, xã Hải Phúc. Năm 2003, khi UBND huyện Hải Hậu có chính sách chuyển đổi những diện tích đất sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp kém hiệu quả trở thành vùng sản xuất có tiềm năng giá trị kinh tế cao hơn, ông mạnh dạn nhận thầu ruộng trũng để đào ao nuôi thủy sản. Với những kiến thức học được từ các lớp hướng dẫn chăn nuôi thủy sản, ông xây dựng các ao nuôi tôm thẻ chân trắng đảm bảo tiêu chuẩn, trang bị đầy đủ hệ thống xử lý nước, máy sục khí, mái che. Trung bình mỗi năm, ông xuất ra thị trường từ 25-30 tấn tôm, sau khi trừ chi phí có thu nhập hàng tỷ đồng, ngoài ra còn tạo việc làm cho 7 công nhân với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Tại xã Hải Đông, khi UBND xã có chủ trương chuyển đổi vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Văn Luật ở xóm Tây Cát đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng, từng bước xây dựng chuồng trại, kè ao, quy hoạch khu vực ao nuôi tôm, cá, gà, lợn. Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2003, đến nay, ông đã sở hữu trang trại tổng hợp rộng 4,5ha với 4 ao nuôi cá, 1 ao nuôi tôm, xuất bán hàng trăm con lợn, hơn 4 vạn con gà thịt mỗi năm.
Thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã quy hoạch vùng chuyển đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, trồng hoa cây cảnh, cây dược liệu, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, giúp nông dân đưa cơ giới hóa và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu như: xã Nam Mỹ (Nam Trực) có 103ha diện tích chuyển đổi trồng hoa đào, cây cảnh, riêng diện tích trồng đào chiếm trên 85ha. Xã Nam Thắng phát huy lợi thế của vùng bãi bồi màu mỡ ven sông Hồng, nhiều hộ nông dân đã chuyển từ trồng dâu sang trồng cỏ Nhật và các loại cây cảnh cho thu nhập cao. Hiện toàn xã có trên 400 hộ trồng cỏ Nhật tập trung tại 10 xóm vùng bãi HTX Đại An với quy mô 100ha, giá trị canh tác đạt 300 triệu đồng/ha. Xã Nam Phong (thành phố Nam Định) từ những năm 2002-2003, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng quất. Đến nay, diện tích chuyển đổi của xã tăng lên 139,9ha, thu nhập bình quân từ 350-400 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, cây quất cảnh đã trở thành cây làm giàu của nhiều hộ nông dân, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó, làng hoa Phù Long có trên 90% hộ dân trồng hoa, trung bình từ vài sào đến hàng mẫu. Thu nhập từ trồng quất và hoa của người dân xã Nam Phong chiếm tới 70% tổng thu nhập. Xã đã thành lập được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tập thể như “Tổ hợp tác trồng hoa, cây cảnh Mỹ Tiến”, “HTX sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh Nam Phong”, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà đầu tư, người sản xuất, nhà khoa học và thị trường, nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân… Đến nay, các cấp HND toàn tỉnh đã xây dựng được 458 mô hình “Cánh đồng lớn” với tổng diện tích 21.844ha; tham gia hình thành trên 30 mô hình liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho hiệu quả kinh tế cao.
Từ chủ trương của tỉnh khuyến khích các địa phương dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng những giống cây, con cho năng suất, chất lượng cao, thời gian tới, với sự năng động, sáng tạo, hội viên nông dân trong tỉnh tiếp tục xây dựng các mô hình chuyển đổi hiệu quả, góp phần khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Lam Hồng