Đại tá Vũ Xuân Trường
Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Những năm qua, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Nam Định luôn phát huy vai trò nòng cốt, cùng với các cấp, ngành đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội, quan tâm, chăm lo các gia đình thương binh - liệt sĩ, người có công với cách mạng. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng chính sách, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao Quyết định và Giấy chứng nhận thương binh cho các đồng chí đã tham gia và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Lực lượng vũ trang tỉnh luôn xác định công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Với truyền thống cách mạng, Nam Định đã có nhiều đóng góp to lớn cả sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; là một trong những tỉnh có số lượng lớn đối tượng chính sách, người có công với trên 33 nghìn liệt sĩ, hơn 25 nghìn thương binh, 16 nghìn người hưởng chế độ bệnh binh; 2.774 Mẹ Việt Nam Anh hùng và hơn 1.000 người nhiễm chất độc da cam. Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”của dân tộc, LLVT tỉnh luôn quan tâm chăm lo công tác chính sách hậu phương quân đội bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của gia đình chính sách và người có công. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương và cấp trên về công tác chính sách; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về công tác chính sách hậu phương quân đội, thương binh, liệt sĩ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, kế hoạch chỉ đạo thực hiện công tác chính sách hậu phương quân đội. Qua đó phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” chăm lo, giúp đỡ người có công, chăm lo đời sống và phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ neo đơn.
Trong từng đợt xét duyệt, giải quyết chế độ chính sách, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, thành phố phát huy vai trò tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở xét duyệt công khai, dân chủ. Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm chắc tiến độ, tình hình dư luận của nhân dân, các đối tượng chính sách… kịp thời phát hiện, điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Bằng những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, đồng bộ, nên việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách hậu phương quân đội trên địa bàn tỉnh được cơ quan quân sự các cấp triển khai thực hiện chặt chẽ, công bằng, dân chủ, khách quan, đúng đối tượng.
Đến nay, qua gần 10 năm triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức chi trả trợ cấp một lần theo Quyết định số 142 về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhập ngũ từ ngày 30-4-1975 trở về trước, có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương cho hơn 52 nghìn trường hợp; hơn 52 nghìn trường hợp được hưởng theo Quyết định số 62 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; gần 15 nghìn đối tượng theo Quyết định số 49 về chế độ trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng phí và cấp “Giấy chứng nhận” đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; bàn giao tổng số 590 hồ sơ hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142, 62 sang Sở LĐ-TB và XH để thực hiện chi trả và quản lý. Hoàn thành việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo Quyết định 515 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh đã thẩm định, báo cáo Quân khu 3 ra quyết định hưởng chế độ thương binh và bàn giao 432 hồ sơ sang Sở LĐ-TB và XH để thực hiện chi trả, quản lý; tiếp nhận và đề nghị cấp trên báo tử 16 trường hợp liệt sĩ; cung cấp thông tin ban đầu 1.352 trường hợp cho thân nhân của liệt sĩ, quân nhân từ trần, mất tin. Ngoài ra, trong hơn 10 năm, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã tham gia đóng góp vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 1 tỷ đồng; xây dựng 31 “Nhà tình nghĩa” tặng gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với tổng số tiền gần 1,9 tỷ đồng. Đề nghị cấp trên xét duyệt và tuyển dụng, giải quyết việc làm cho 8 trường hợp là con đẻ của thương binh nặng đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng thương binh theo Chỉ thị số 97/CT-BQP của Bộ Quốc phòng. Các hoạt động gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu qua các thời kỳ; thăm, tặng quà gia đình cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo, địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm triển khai thực hiện chu đáo. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), với nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng và sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, LLVT tỉnh đã tổ chức xây dựng 8 nhà tình nghĩa với tổng trị giá 640 triệu đồng; tặng sổ tiết kiệm cho 13 đối tượng với tổng số tiền 115 triệu đồng cho gia đình đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
Những việc làm thiết thực của LLVT tỉnh Nam Định trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội đã thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kịp thời chia sẻ những khó khăn với đồng chí, đồng đội, góp phần tô thắm thêm bản chất truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, LLVT tỉnh tiếp tục làm nòng cốt, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thực hiện tốt hơn nữa công tác chính sách hậu phương quân đội, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.