Nạn buôn bán người, đặc biệt là nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em đang là thực trạng nhức nhối ở nước ta hiện nay, với phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Các đối tượng phạm tội hình thành các đường dây mua bán người từ Việt Nam sang các nước láng giềng với mục đích chính là bán nạn nhân vào các ổ mại dâm và các dịch vụ vui chơi, giải trí và bóc lột sức lao động.
Cán bộ Đồn Biên phòng Quất Lâm (Giao Thủy) tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua bán người cho người dân xã Giao Long. |
Trước tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, Công an tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa. Theo đó đã tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức thủ đoạn hoạt động, nhất là những thủ đoạn mới; vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tố giác tội phạm, nâng cao tinh thần cảnh giác, phát hiện, cung cấp thông tin nhằm đấu tranh chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội. Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh xây dựng, duy trì các chuyên trang, chuyên mục, tin bài, phim phóng sự, phim tài liệu, đăng phát các thông điệp phòng, chống mua bán người và tăng thời lượng phát sóng, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để công tác tuyên truyền đến từng địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Duy trì phát thanh 2 lần/tháng tại 25 xã trọng điểm trên địa bàn tỉnh nhằm tạo ra sự lan tỏa trong xã hội và người dân; qua đó nâng cao nhận thức, kỹ năng xử lý tình huống liên quan đến dấu hiệu mua bán người để chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Công an các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện; chú trọng rà soát về số phụ nữ, trẻ em vắng mặt tại địa phương bị mua bán, nghi bị mua bán và số đối tượng có biểu hiện hoạt động mua bán người để có biện pháp giải cứu, phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, Công an tỉnh tổ chức sơ kết những chuyên án đã đấu tranh triệt phá tại địa bàn Nam Định và thảo luận các chuyên án, vụ án, tổ chức tội phạm mua bán người phức tạp có nhiều đối tượng tham gia do Bộ Công an và các tỉnh đấu tranh triệt phá để rút kinh nghiệm và vận dụng có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người để nâng cao tính răn đe, phòng ngừa.
Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông đăng tải hơn 280 tin, bài, phóng sự, tuyên truyền hành trình phá án, cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng trên trang mạng xã hội Facebook, Zalo như: Phong trào Nam Định, Người thành Nam, An ninh Nam Định, Hình sự Nam Định. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN tỉnh đăng phát hơn 4.000 tin, bài tuyên truyền trên loa truyền thanh; 280 tin, bài trên website của Hội, thu hút trên 1,3 triệu lượt truy cập, 226/626 cơ sở Hội thành lập nhóm zalo; 167/226 cơ sở Hội và 10/10 huyện, thành phố thành lập fanpage để tuyên truyền. Duy trì hoạt động của 2.046 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”, 188 CLB “Phụ nữ với pháp luật”, 47 CLB “phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”, 19 CLB “Phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển”, trên 3.000 mô hình “Chi hội 5 không 3 sạch xây dựng NTM”. Đồng thời phối hợp với Sở LĐ-TB và XH, Hội LHPN huyện Vụ Bản tổ chức 4 hội nghị truyền thông, nói chuyện chuyên đề cho 500 đại biểu là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện; biên soạn, đăng phát 12 tin, bài, cấp phát 4.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng chống mua bán người. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Công an tỉnh còn mở rộng điều tra, đấu tranh với nhiều băng nhóm tội phạm. Qua rà soát, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15 trường hợp phụ nữ xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc (trong đó có 3 trường hợp xuất cảnh trái phép, 12 trường hợp bị phía Trung Quốc trao trả). Ngoài ra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh tiếp nhận 5 đơn trình báo về việc các đối tượng thông qua mạng xã hội rủ người sang Căm-pu-chia làm ăn, khi sang tới nơi thì họ được thông báo là bị bán, sau đó bị ép buộc làm việc liên quan đến đánh bạc trực tuyến và chứng khoán (trong đó có 3 người trở về khai báo, 2 người gia đình không liên lạc được).
Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng, chính quyền cơ sở nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, chủ động phòng ngừa xã hội nhằm giải quyết các nguyên nhân, điều kiện không để phát sinh tội phạm mua bán người, nhất là phát hiện, xử lý nghiêm các trung tâm, cơ sở môi giới trái phép về hôn nhân, cho nhận con nuôi, có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động, du lịch nước ngoài bất hợp pháp, vi phạm pháp luật. Mở các đợt cao điểm, huy động các lực lượng, các ngành, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân ra quân tấn công trấn áp, đấu tranh triệt phá các băng nhóm, đường dây tội phạm mua bán người, đưa người vượt biên, xuất cảnh, di cư trái phép, truy bắt đối tượng, giải cứu và bảo vệ nạn nhân. Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người, đảm bảo không để lọt tội phạm. Thường xuyên phổ biến các phương thức thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm mua bán người để quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tự phòng ngừa; kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm mua bán người./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh