Hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2022-2023

06:07, 14/07/2022

Để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2022-2023 theo Kế hoạch của UBND tỉnh (kèm theo Quyết định số 438/QĐ-UBND ngày 1-3-2022), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã sớm giao chỉ tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục về các huyện, thành phố, các trường THPT; hướng dẫn công tác tuyển sinh với phương thức ổn định, đồng thời, đảm bảo các điều kiện về trường, lớp, đội ngũ giáo viên nhằm tiếp tục giữ vững, nâng cao hiệu quả giáo dục trong năm học mới.

Giờ học tô màu của các cháu Trường Mầm non Nam Hồng (Nam Trực).  Bài và ảnh: Minh Thuận
Giờ học tô màu của các cháu Trường Mầm non Nam Hồng (Nam Trực). 

Sở GD và ĐT đã giao chỉ tiêu phát triển giáo dục khối mầm non, tiểu học, THCS năm học 2022-2023 đến các huyện, thành phố. Với chỉ tiêu được giao, năm học 2022-2023, toàn tỉnh tuyển sinh hơn 34 nghìn học sinh lớp 1, hơn 25 nghìn học sinh lớp 6. Đối với cấp THPT, tuyển hơn 17.700 học sinh lớp 10, không quá 70% trong tổng số học sinh tốt nghiệp THCS; 30% còn lại sẽ theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường nghề. Sở GD và ĐT cũng hướng dẫn phương thức tuyển sinh năm học 2022-2023 vào lớp 1 và lớp 6 là xét tuyển. Riêng các trường THCS chất lượng cao sẽ kết hợp giữa xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực. Phương thức tuyển sinh vào THPT là thi tuyển. Học sinh đều phải dự thi tại một Hội đồng thi do trường THPT tổ chức để lấy kết quả thi xét tuyển sinh vào lớp 10. Những trường hợp học sinh trong diện ưu tiên được tuyển thẳng và xét tuyển vào THPT theo quy định.

Đến thời điểm hiện tại, các cấp học đã cơ bản hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp; trong đó, toàn tỉnh tuyển sinh hơn 34.600 học sinh lớp 1, trên 25 nghìn học sinh khối lớp 6, cấp THPT tuyển được trên 20.800 học sinh. Việc tổ chức tuyển sinh đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh. Ở các đơn vị giáo dục từ mầm non đến tiểu học, THCS, để thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo rộng rãi, công khai kế hoạch tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các Phòng GD và ĐT đã gửi văn bản đến các xã, phường, thị trấn để người dân nắm được chủ trương, kế hoạch, những thay đổi trong công tác tuyển sinh để thực hiện, kiểm tra, giám sát. Các Phòng GD và ĐT cũng có văn bản hướng dẫn các nhà trường thực hiện tuyển sinh đầu cấp về hình thức tuyển sinh, thời gian, đối tượng, điều kiện xét tuyển, cách thức tổ chức tuyển sinh, việc chia lớp, xếp lớp và phân công giáo viên; tiến hành điều tra chính xác số trẻ ở từng độ tuổi trên địa bàn, phân tuyến và giao chỉ tiêu hợp lý, đảm bảo đủ điều kiện cho học sinh học tập, tránh tình trạng quá tải. Tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, giảm số học sinh trên một lớp, bảo đảm chính xác, khách quan, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục. Ở các cơ sở giáo dục mầm non, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, với phương châm huy động 100% trẻ 5 tuổi diện phổ cập giáo dục trên địa bàn đến trường, các cơ sở giáo dục mầm non đã huy động trẻ dưới 5 tuổi đến các loại hình trường, lớp công lập, tư thục. Các trường tiểu học huy động 100% trẻ 6 tuổi diện phổ cập giáo dục, trong đó chú trọng huy động trẻ khuyết tật diện hòa nhập (chưa học lớp 1) trên địa bàn xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ phổ cập vào lớp 1. Các trường THCS đã hoàn thành việc huy động 100% học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học, trong độ tuổi quy định, có hồ sơ hợp lệ trên địa bàn xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ phổ cập giáo dục vào lớp 6; tạo điều kiện cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng được đi học, không để em nào bỏ học vì khó khăn kinh tế; chú trọng huy động trẻ khuyết tật diện hòa nhập đến trường học. Ở khối THPT, 57 trường THPT đã tuyển tổng số 20.895 học sinh lớp 10; trong đó, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tuyển 570 học sinh lớp 10 chia làm 16 lớp (gồm 14 lớp chuyên, 2 lớp không chuyên), 44 trường THPT khối công lập tuyển được 17.715 học sinh vào lớp 10, các trường dân lập tuyển 2.610 học sinh vào lớp 10. 

Từ thực tế công tác tuyển sinh đầu cấp năm nay cho thấy ở khối tiểu học và THCS, một số trường ở thành phố Nam Định trước đây gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh thì nay đã có nhiều cải thiện do thành phố đã chú ý nâng độ đồng đều về mọi mặt cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục, thực hiện điều chuyển cán bộ quản lý và giáo viên giữa các trường trên địa bàn; do vậy chất lượng giáo dục được nâng lên. Ở khối THPT, kết quả tuyển sinh các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố năm nay có nhiều khác biệt so với mọi năm. Nếu năm ngoái, điểm chuẩn các trường tốp trên tương đối đồng đều giữ vững “phong độ” như mọi năm, thì năm nay, một số trường tốp trên lại “tụt hạng” ở điểm chuẩn đầu vào, trong khi một số trường tốp dưới lại leo lên vị trí “quán quân” về điểm chuẩn đầu vào. Đơn cử, tại thành phố Nam Định, Trường THPT Nguyễn Huệ có số điểm chuẩn cao nhất, lên tới 35,2 điểm, THPT Ngô Quyền điểm chuẩn 30,50 điểm; trong khi THPT Trần Hưng Đạo điểm chuẩn là 26,80 điểm; THPT Nguyễn Khuyến điểm chuẩn chỉ có 22,50 điểm. Nguyên nhân do phần đông phụ huynh và giáo viên có tâm lý lo sợ học sinh phải học trực tuyến trong thời gian dài, nếu đăng ký thi vào các trường “tốp” trên như mọi năm sẽ khó có cơ hội đỗ để học tiếp lên THPT, nên phần lớn các bậc phụ huynh và giáo viên tư vấn cho các em đăng ký thi vào các trường thuộc diện trung bình hoặc tốp dưới để đảm bảo an toàn, dẫn đến tỷ lệ “chọi” khá cao ở các trường này. Chẳng hạn THPT Ngô Quyền (thành phố Nam Định) lấy 450 học sinh/885 học sinh dự thi; THPT Trần Văn Lan (Mỹ Lộc) lấy 336 học sinh/879 học sinh dự thi; THPT Nguyễn Huệ (thành phố Nam Định) lấy 360 học sinh/tổng số 507 học sinh dự thi... Tuy điểm chuẩn của các trường tốp trên năm nay không cao: THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) 26,80 điểm; THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) điểm chuẩn 22,50 điểm, nhưng điểm trung bình đầu vào của các trường này khá cao, chỉ một số ít học sinh có điểm dưới 35 điểm. Đơn cử THPT Trần Hưng Đạo điểm trung bình đầu vào là 40,7 điểm. Các trường THPT tốp đầu có điểm chuẩn cao năm nay gồm: Nguyễn Huệ (thành phố Nam Định) 35,20 điểm; Giao Thủy C (Giao Thủy) 34,40 điểm; A Hải Hậu (Hải Hậu) 33,90 điểm. Một số trường THPT công lập có điểm đầu vào thấp như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nghĩa Minh, Trần Nhân Tông (22,50 điểm)...

Sau khi hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp, chuẩn bị cho năm học 2022-2023, hiện tại các nhà trường đang tiến hành cải tạo cơ sở vật chất trường lớp, sắp xếp đội ngũ, đầu tư mua sắm thiết bị học tập; đặc biệt, bổ sung trang thiết bị cho việc dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa mới ở khối lớp 3, lớp 7, lớp 10; bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, để khắc phục thực trạng chất lượng cơ sở vật chất trường lớp, chất lượng giáo dục chưa đồng đều ở các nhà trường, các huyện, thành phố đang chú trọng nâng cao độ đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường học, bậc học bằng việc đẩy mạnh xã hội hoá; huy động các nguồn lực từ các cơ quan, doanh nghiệp và phụ huynh hỗ trợ kinh phí cải tạo cảnh quan trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện điều chuyển giáo viên từ trường có chất lượng tốt về trường khó khăn. Đối với các lớp đầu cấp, các trường lựa chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, nhiệt tình, có kinh nghiệm và uy tín với học sinh đảm nhiệm công tác chủ nhiệm, giảng dạy. Cân đối việc tuyển học sinh ở các trường chất lượng cao để các trường có thêm nguồn học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com