Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Giao Thủy đã thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” quan tâm, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Giao Thủy thăm, tặng quà ông Phạm Văn Toại, thương binh 91%, ở thị trấn Quất Lâm nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Chúng tôi có dịp dự buổi khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa cho ông Phạm Văn Thành, xóm Tân Tiến, xã Giao Tân. Ngôi nhà mái bằng khang trang với diện tích 30m2 đã hoàn thành với tổng trị giá gần 154 triệu đồng. Trong đó Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho gia đình ông Thành 100 triệu đồng, số còn lại do anh em họ hàng và cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở xóm, các mạnh thường quân và của các chi hội, chi đoàn ủng hộ và người thân giúp đỡ hơn 20 ngày công lao động. Ông Phạm Văn Thành là con của liệt sĩ chống Pháp, năm nay đã ngoài 70 tuổi, bị bệnh thần kinh nên sức khỏe của ông yếu, không có khả năng lao động, sống phụ thuộc vào chế độ phụ cấp của Đảng, Nhà nước, chưa có nhà ở và thờ cúng bố mẹ. Để kịp thời động viên, quan tâm đến gia đình chính sách, khó khăn về nhà ở, Ban chỉ đạo xây dựng nhà tình nghĩa huyện Giao Thủy phối hợp với Hội Phụ nữ huyện, UBND xã Giao Tân vận động kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí xây dựng nhà ở cho gia đình ông Phạm Văn Thành. Đây là việc làm thể hiện, sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với gia đình thân nhân người có công với cách mạng.
Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, trên 24 nghìn người con của quê hương Giao Thủy đã lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường, lập nhiều chiến công xuất sắc. Hiện nay, huyện có 2.685 liệt sĩ; 2.820 thương, bệnh binh; 2.065 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 239 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và gần 6.000 người được hưởng chế độ, chính sách người có công với cách mạng.
Đồng chí Doãn Quang Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã tích cực thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân”. Hàng năm, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện Giao Thủy đã tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà các gia đình có công với cách mạng, các gia đình chính sách. Các cấp ủy Đảng, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị, cá nhân tích cực vận động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: tặng “nhà tình nghĩa”, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tổ thương binh tình nghĩa”, “Đi tìm đồng đội”, “xã, thị trấn làm tốt công tác chăm sóc người có công”... Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hàng năm đã huy động tăng trưởng từ 60-100 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ, toàn huyện đã xây dựng 204 căn nhà tình nghĩa tặng cho các gia đình chính sách; sửa chữa 52 nhà cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng với tổng trị giá gần 6 tỷ đồng. Trong những năm qua, huyện triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng như: cấp giấy chứng nhận ưu đãi cho 72 người là con đối tượng người có công với cách mạng; giới thiệu 2 trường hợp di chuyển hài cốt liệt sĩ. Năm 2021, toàn huyện đã đưa 40 người có công đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm điều dưỡng người có công Sầm Sơn (Thanh Hóa); thực hiện chi trả hỗ trợ mai tang phí cho 369 trường hợp. Thẩm định hồ sơ, lập danh sách bảo hiểm y tế cho 120 người được hưởng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách cho đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào sau 30-4-1975. Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện tích cực tham gia với những hoạt động cụ thể, thiết thực. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), UBND huyện phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trực thuộc trao tặng 23.572 suất quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng; tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với tổng giá trị trên 5 tỷ 643 triệu đồng. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nhiều gia đình chính sách đã phát huy truyền thống cách mạng nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương… Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã trở thành những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời nuôi dạy và giáo dục con cháu phát huy truyền thống cách mạng của gia đình phấn đấu vươn lên trong học tập và công tác.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp, các ngành huyện Giao Thủy tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công, gia đình chính sách. Quan tâm thực hiện tốt việc giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt cho thế hệ lớp trẻ. Tập trung giải quyết hồ sơ còn tồn đọng và đẩy mạnh tiến độ xác nhận, thẩm định đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp đối với các đối tượng chính sách. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ; xây dựng, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia, Đài tưởng niệm ghi công các anh hùng liệt sĩ. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, mở rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công”, động viên các gia đình chính sách tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao mức sống, chung tay xây dựng NTM nâng cao, bền vững./.
Hoàng Tuấn