Trực Ninh thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững

08:06, 06/06/2022

Triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu gắn với giảm nghèo bền vững thời kỳ mới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trực Ninh (khóa XXV) xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề; chương trình hành động trọng tâm toàn khóa 2020-2025, hướng tới mục tiêu: “xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng; nông dân giàu có; nông thôn văn minh, hiện đại”. Đồng thời, huyện phát động các phong trào thi đua đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; đổi mới cơ chế, chính sách và huy động các nguồn lực tham gia phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn thời kỳ 4.0.

Một góc thị trấn Cổ Lễ.
Một góc thị trấn Cổ Lễ.

Sau 2 năm triển khai nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Huyện ủy, UBND huyện phát động và triển khai hiệu quả nhiều phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, “Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”; “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xây dựng cánh đồng lớn”, “Gia đình nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu”, gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Trong đó, Chương trình số 05-CTr/HU ngày 17-12-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 về “khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP huyện Trực Ninh, giai đoạn 2020-2025” từng bước đi vào cuộc sống, tạo bước chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đã huy động có hiệu quả các nguồn lực về vốn, lao động, đất đai cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nông dân vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã áp dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa; chuyển từ coi trọng số lượng, sản lượng sang chất lượng, giá trị; phát triển theo hướng liên kết tích tụ, tập trung ruộng đất, tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Hình thành các mô hình sản xuất tập trung công nghệ cao, sản xuất hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao; như: Sản xuất giống lúa của Công ty TNHH Cường Tân (350ha), liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa sạch của Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh (150ha), của Công ty Cổ phần Giống Cây trồng Việt Nam (8ha), của HTX dược thảo Hoàng Thành (15ha), mô hình sản xuất trồng rau, củ, quả theo công nghệ thuỷ sinh và hữu cơ của Công ty Cổ phần Sản xuất rau, củ quả sạch Ngọc Anh, nuôi trồng nấm của HTX nấm Nhật Bằng. Các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho thu nhập từ 200 đến 220 triệu đồng/ha/năm. Năm 2021, giá trị trên 1ha canh tác đạt 125 triệu đồng; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp - thủy sản đạt 2.157 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 3,45%.

Nhằm tạo đột phá trong phát triển “tam nông” thời kỳ mới, tạo đà cho sự phát triển bền vững, huyện tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng trong toàn huyện được tập trung đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hơn 73km quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn huyện được làm mới, cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp 3, cấp 4 đồng bằng; 13,9km đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp 5 đồng bằng, hơn 221km đường trục xã đạt cấp 5 đồng bằng, 790km đường thôn xóm, 182km đường nội đồng. Xây mới, cải tạo 1.974 phòng học, nhà đa năng. Cải tạo, nâng cấp 43,2km đê và các công trình thuỷ lợi; khắc phục, xoá dần các trọng điểm xung yếu. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có bước phát triển, tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực với các dự án quy mô lớn đã được thu hút về đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn, như: Công ty Phát triển và Đầu tư Duy Minh, Công ty Giày Hiệp Tân, Công ty May 9, Công ty May 1 Nam Định, Công ty TNHH Minh Tiến, Công ty VLXD Ninh Cường, Đức Thiện, Việt Hùng,… Công ty TNHH Giày AMARA Việt Nam tại thị trấn Cổ Lễ; Công ty Sản xuất đồ chơi trẻ em Dream Plastic tại xã Trực Thái; Công ty TNHH Shin Myung First Vina tại xã Trung Đông, Công ty TNHH Sung Won Vina và Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam tại thị trấn Cát Thành. Tổng vốn đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn trong 5 năm (2017-2021) đạt 12.437 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 46 triệu USD, tương đương 1.100 tỷ đồng. Huyện có 3 cụm công nghiệp, 15 làng nghề, hơn 500 doanh nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 40 nghìn lao động. 

Thời gian qua, MTTQ và các đoàn thể trong huyện tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, gắn với công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được triển khai sâu rộng với nhiều hoạt động thiết thực. Các cấp Công đoàn triển khai và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, tặng 16.315 suất quà trị giá trên 2,9 tỷ đồng cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Các cấp Hội Phụ nữ vận động cán bộ, hội viên phụ nữ giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; vận động xây dựng quỹ học bổng Hoàng Ngân và Quỹ mái ấm tình thương năm 2021 với tổng số tiền 143 triệu đồng; trao tặng 125 suất học bổng trị giá 62 triệu đồng và 13 xe đạp trị giá 14 triệu đồng cho con cán bộ, hội viên có thành tích xuất sắc trong học tập. Hội Nông dân huyện với phong trào thi đua “Sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giầu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng NTM”...

gắn với công tác tuyên truyền nhân rộng mô hình tiên tiến tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh và xây dựng NTM. Quản lý và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân; nhận ủy thác vốn vay Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số dư nợ trên 1.356 tỷ đồng, cho 9.988 hộ vay... Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả quan trọng, số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm qua các năm; tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2021 là 0,32%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 61 triệu đồng/năm. Toàn huyện có 100% thôn, xóm, tổ dân phố, 100% cơ quan, 100% trạm y tế, 88,6% trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa; 83,6% đơn vị được công nhận đơn vị giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hóa, nhiều năm liên tục; 95% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Có 10 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã, thị trấn còn lại đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh thẩm định, công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 30 thôn (xóm), tổ dân phố thuộc 20 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đồng chí Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết: Xác định giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành huyện Trực Ninh. Trong thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo triển khai lồng ghép giảm nghèo bền vững với đảm bảo an sinh xã hội; động viên sự tham gia tích cực của người dân; đảm bảo thực hiện và hoàn thành mục tiêu giảm nghèo cũng như mục tiêu kế hoạch xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo duy trì mức giảm hàng năm từ 0,05-0,1%; đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025). Xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất; xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh. Hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực. Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội. Lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và Chương trình giảm nghèo, đảm bảo các hộ nông dân nghèo đều được hỗ trợ, tạo điều kiện trong các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com