Mặt trận Tổ quốc tăng cường giám sát, phản biện xã hội

08:06, 28/06/2022

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về “Ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh thường xuyên nắm bắt tình hình, nguyện vọng của nhân dân, lựa chọn những vấn đề dư luận xã hội quan tâm để tập trung giám sát và phản biện xã hội với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả.

Ban công tác Mặt trận xóm Đồng Lực, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) triển khai kế hoạch xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu.
Ban công tác Mặt trận xóm Đồng Lực, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) triển khai kế hoạch xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu.

Hàng năm, MTTQ các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, tích cực phối hợp với HĐND, UBND các cấp và các ngành chức năng tham gia các hoạt động giám sát theo chuyên đề, chủ động lựa chọn những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Nổi bật như trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh, MTTQ các cấp đã chủ trì, phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch xây dựng NTM, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; việc xét công nhận đối với địa phương đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn do nhân dân đóng góp xây dựng NTM; giám sát nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM; việc bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, bảo đảm an toàn thực phẩm… Các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng xây dựng chương trình phối hợp giám sát một số lĩnh vực như: thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, pháp luật về bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, quy chế dân chủ tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, MTTQ xã, phường, thị trấn và các tổ chức thành viên chủ động phối hợp với chính quyền xây dựng quy chế phối hợp trong việc thực hiện quy chế dân chủ; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 226 ban thanh tra nhân dân, 222 ban giám sát đầu tư cộng đồng với 1.968 thành viên. Các ban thanh tra nhân dân đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động. Đặc biệt là sau khi được tập huấn về kỹ năng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đội ngũ ban thanh tra nhân dân đã tích cực thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ, giúp chính quyền cơ sở khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương. Trong 6 năm qua, cấp xã đã tiến hành giám sát 5.122 cuộc thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực: giám sát công tác thi công và chất lượng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội xây dựng NTM; việc huy động nguồn lực, đóng góp của nhân dân; các khoản thu, chi của các nhà trường; kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc thu hồi đất, giải tỏa, đền bù, tái định cư. Ngoài ra, MTTQ các cấp trong tỉnh còn phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong bình xét các danh hiệu thi đua ở cơ sở; việc triển khai thực hiện các vấn đề an sinh xã hội có liên quan trực tiếp đến người dân như chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập thấp; chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19… Việc giám sát các nguồn quỹ vận động từ sự đóng góp ủng hộ của nhân dân như Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ cứu trợ cũng được MTTQ các cấp chú trọng, qua đó các nguồn quỹ được quản lý, sử dụng đúng mục đích, chi đúng đối tượng, đảm bảo đúng nguyên tắc theo quy định và hướng dẫn của cấp trên.

Cùng với công tác giám sát, công tác phản biện xã hội được MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp quan tâm triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng các đề án, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với một số dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh; dự thảo đề án chính sách hỗ trợ, đề án phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh; tổ chức tham gia đóng góp ý kiến bằng hình thức gửi văn bản đối với hàng trăm dự thảo. Những ý kiến phản biện của MTTQ các cấp được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung chỉnh sửa hoàn thiện nội dung báo cáo, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, góp phần nâng cao chất lượng các văn bản được ban hành, đảm bảo tính khả thi của các chương trình, kế hoạch, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội vừa khẳng định vai trò của tổ chức, vừa phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực sự đại diện cho tiếng nói, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân, từ đó tăng cường đồng thuận xã hội, đoàn kết đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật, trong quá trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đã huy động được trên 40 nghìn tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Trong đó đã cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 8.959km đường giao thông, 3.752 nhà văn hóa, khu thể thao, sân thể thao cấp xã, thôn xóm; đầu tư xây dựng 112 lò đốt, 106 khu xử lý rác thải nông thôn… Cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Trong 6 năm qua, tổng Quỹ “Vì người nghèo” các cấp vận động được trên 36,9 tỷ đồng; từ đó hỗ trợ xây mới 763 nhà “Đại đoàn kết” trị giá trên 15,5 tỷ đồng; sửa chữa 367 nhà trị giá 1,75 tỷ đồng; giúp người dân phát triển sản xuất 329,5 triệu đồng; giúp học sinh nghèo 687 triệu đồng. Thực hiện vận động ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, toàn tỉnh đã vận động được 62 tỷ 177 triệu đồng và nhiều trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm. 

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, thời gian tới, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội để lựa chọn nội dung giám sát, phản biện phù hợp; chú trọng giám sát kết quả tiếp thu, giải quyết của cơ quan chức năng đối với các nội dung mà Mặt trận kiến nghị, đề xuất, phát huy vai trò quan trọng là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com