Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) là một hoạt động quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước. Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Đồn Biên phòng Văn Lý (Hải Hậu) phát tài liệu tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. |
Đồng chí Cù Đức Thuận, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý VPHC. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, nhân dân đối với quy định của Luật Xử lý VPHC và các văn bản hướng dẫn. Hình thức tuyên truyền thực hiện đa dạng, phong phú, lồng ghép phổ biến, quán triệt các quy định về xử lý VPHC trong các hội nghị, cuộc họp, buổi nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền trên chuyên trang, chuyên mục của Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã; in ấn, phát hành tài liệu, tờ rơi, tờ gấp; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật... Từ năm 2021 đến nay, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức hơn 5.341 hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề cho 311.293 lượt người; tổ chức để cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút 15.325 lượt dự thi. Biên soạn, phát hành hơn 310.914 tài liệu thông tin, tuyên truyền pháp luật các loại gồm tin bài đăng, phát trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, xe thông tin lưu động, trên thông tin đại chúng, internet; tờ rơi, tờ gấp, hỏi đáp tìm hiểu pháp luật.
Việc xử lý VPHC được các ngành chức năng của tỉnh thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền; trình tự xử phạt được thực hiện đúng quy định, đảm bảo đúng người, đúng hành vi vi phạm, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước. Năm 2021, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử phạt theo thẩm quyền 34.587 vụ việc, đối với 37.940 đối tượng, chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự 46 vụ, áp dụng biện pháp thay thế nhắc nhở đối với người chưa thành niên 55 vụ. Trong đó, lực lượng Công an đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 26.664 vụ việc đối với 29.530 đối tượng; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 57 vụ việc, 116 đối tượng; các sở, ngành và UBND cấp huyện đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 7.866 vụ việc, 8.294 đối tượng; việc tổ chức thi hành các quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức 4 đợt kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý VPHC với các nội dung trọng điểm như: Áp dụng các quy định của pháp luật về xử lý VPHC trong lĩnh vực đê điều của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC tại các huyện Ý Yên, Vụ Bản và Trực Ninh. Qua kiểm tra UBND tỉnh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý VPHC của một số cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa cao, chưa đầy đủ và đồng bộ; việc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý các hành vi VPHC về lĩnh vực đê điều của cơ quan, người có thẩm quyền còn ít, chưa thường xuyên; chế độ báo cáo, thống kê việc thi hành pháp luật của một số cơ quan, đơn vị còn chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định; việc áp dụng pháp luật về xử lý VPHC còn nhiều khó khăn… Từ đó UBND tỉnh đã kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện công tác xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh cũng còn có không ít những khó khăn, bất cập như: Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật còn hạn chế chưa đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ công tác thực thi pháp luật xử lý VPHC trong tình hình mới: lực lượng làm công tác quản lý xử lý VPHC và công tác xử lý VPHC chuyên trách còn mỏng, một số lĩnh vực phức tạp còn thiếu lực lượng. Đặc biệt, ở cấp xã phần lớn đội ngũ công chức xử lý VPHC hoạt động kiêm nhiệm, trình độ năng lực còn chưa đáp ứng công việc được giao. Các ngành, cơ quan chức năng thực hiện công tác xử lý VPHC theo chức năng, thẩm quyền riêng, thiếu sự phối hợp trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm. Việc tổng hợp số liệu báo cáo thống kê công tác xử lý VPHC chưa kịp thời; việc áp dụng các biện pháp xử lý VPHC còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; thủ tục áp dụng biện pháp xử lý qua nhiều bước, mất rất nhiều thời gian; cơ chế, biện pháp quản lý đối tượng chờ áp dụng biện pháp xử lý chưa đồng bộ. Mặt khác, quy định của pháp luật về xử lý VPHC nhiều, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước nên việc nghiên cứu, áp dụng các quy định pháp luật về xử lý VPHC chưa toàn diện…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xử lý VPHC trên địa bàn trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Xử lý VPHC và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Kiện toàn tổ chức bộ máy cho các cơ quan chức năng, tăng cường đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu về công tác thi hành pháp luật xử lý VPHC đủ về số lượng và có năng lực nghề nghiệp, trình độ chuyên môn vững vàng. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ tham mưu quản lý Nhà nước và những người có thẩm quyền xử lý VPHC, góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật, hạn chế những sai sót trong quá trình thực thi công vụ về xử lý VPHC. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra và xử lý các quyết định xử phạt VPHC; đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi VPHC bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo luật định; quan tâm việc thi hành các quyết định xử phạt VPHC./.
Bài và ảnh: Văn Trọng