Trong 2 ngày 11 và 12-5, Sở GD và ĐT tổ chức Hội thi Kể chuyện “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” năm 2022. 129 thí sinh với các tiết mục xuất sắc được chọn trong hàng nghìn thí sinh tham dự vòng thi cấp trường, cấp huyện về dự thi cấp tỉnh, mang đến Hội thi những câu chuyện giản dị mà đầy xúc động về Bác Hồ. Đây hứa hẹn là những tư liệu quý giá, những học liệu sinh động, góp phần nâng cao chất lượng rèn luyện tu dưỡng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các nhà trường.
Tiết mục kể chuyện “Tình yêu Bác Hồ dành cho những khúc dân ca” của Trường THPT Trực Ninh B tại hội thi. Ảnh: Việt Thắng |
Những tiết mục xuất sắc tại Hội thi...
Tại hội thi, bằng những câu chuyện kể giản dị, đầy xúc động về tấm gương đạo đức, thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác cùng các hình ảnh minh họa phong phú, giàu sáng tạo, các thí sinh đã khắc họa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách sáng ngời của Bác. Tiêu biểu như em Trần Bảo Ngọc, lớp 2D, Trường Tiểu học thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) mang đến hội thi câu chuyện kể “Bác chỉ muốn các cháu được học hành” in trong tập tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”. Câu chuyện với nội dung thể hiện tình cảm sâu nặng của Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng và mong muốn lớn nhất của Người là: “các cháu được học hành, được sống trong hoà bình, trong tự do độc lập”. Chuyện kể rằng: thời điểm sau khi giặc Pháp rút quân khỏi Hà Nội, trên đường đi công tác, Bác vào thăm một thôn nhỏ từng nằm trong vùng du kích những ngày kháng chiến. Hay tin Bác đến, nhân dân trong thôn mừng vui chạy tới quanh Người. Bác hỏi thăm các cụ già, các cháu thanh niên, dạy bảo việc xây dựng lại làng xóm. Rồi Bác chia kẹo cho các cháu thiếu nhi. Các cháu rất sung sướng, vừa bóc ăn, vừa nhìn Người. Có một cháu gái chừng năm, sáu tuổi tên là Chiến, tay cầm kẹo nhìn Bác không chớp mắt. Thấy vậy, Bác nhắc cháu bé ăn kẹo nhưng cháu trả lời để phần cho mẹ. Rồi một cụ già trong thôn kể cho Bác nghe về hoàn cảnh của gia đình cháu. Ông cháu bị giặc bắt đi phu không trở về, bố thì bị giặc giết khi cháu vừa ra đời. Mẹ cháu vừa sản xuất, vừa chiến đấu, một mình nuôi con, vì vậy cháu rất quý mẹ và căm thù giặc. Nghe chuyện, Bác rất cảm động. Người khuyên bà con quan tâm chăm sóc các cháu, các gia đình thương binh, liệt sĩ. Khi Bác Hồ lên xe đi, bé Chiến níu tay Bác hỏi: Bác ơi! Cháu lớn lên còn giặc để đánh không? Nghe thế, Bác cúi xuống thơm lên trán em rồi nhẹ nhàng bảo: “Bác chỉ muốn các cháu được học hành, lớn lên xây dựng đất nước…”. Câu chuyện được cô bé Trần Bảo Ngọc - cùng lứa tuổi với nhân vật bé Chiến trong truyện, thể hiện thành công cùng hoạt cảnh minh họa đã khiến cả hội thi lặng người vì xúc động. Cô giáo Vũ Thị Tươi, người hướng dẫn em Ngọc chia sẻ: Để giúp em cảm nhận được câu chuyện trên, trước tiên tôi cùng các cháu đọc chia sẻ nhiều câu chuyện, xem những thước phim về Bác, giúp bé cảm nhận tình yêu thương bao la, cử chỉ, lời nói ân cần của Bác dành cho các cháu, những mong muốn, tin tưởng, hy vọng của Bác ở học sinh - thế hệ tương lai của đất nước. Những tình cảm đó dần thấm vào tâm hồn của bé Ngọc, trở thành niềm yêu thương, kính trọng, biết ơn Bác, muốn vâng lời, học và làm theo lời Bác và chia sẻ cảm xúc đó của mình với mọi người... Đặc biệt, bé Ngọc có giọng hát rất hay. Câu chuyện giúp bé thể hiện rất hay một đoạn ca khúc trong bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng” và cũng làm cho tiết mục thành công, gây ấn tượng mạnh hơn.
Thí sinh Lê Ngọc Phương, lớp 8A, Trường THCS Nam Giang (Nam Trực) mang đến Hội thi câu chuyện “Ít địch nhiều, yếu đánh mạnh” Với chất giọng trong sáng, phân vai tốt và truyền cảm, cùng hình ảnh tốp múa phụ họa trên nhạc nền và video tư liệu hình ảnh Bác Hồ tập thể thao, Lê Ngọc Phương đã chuyển tải thành công tư tưởng của Bác trong vận dụng tư tưởng quân sự truyền thống của dân tộc để dạy cho bộ đội. Câu chuyện lấy bối cảnh trong một đêm mùa thu năm 1948, thời kỳ Bác lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến ở Chiến khu Việt Bắc. Phương cho biết: “Từ bài học Bác dạy trong câu chuyện, chúng em rút ra cho mình là trong học tập và cuộc sống cần biết nhìn nhận toàn diện những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Từ đó biết phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, rèn luyện phẩm chất tự tin, khiêm tốn, không ngừng học hỏi vươn lên”.
Với câu chuyện “Chiếc đồng hồ” (trích trong cuốn “Bác Hồ và đạo đức lối sống” dành cho học sinh lớp 10) bằng giọng kể ấm áp, xúc động, thí sinh Vương Đức Kiên, lớp 10A3, Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) thể hiện thì kể về cuộc gặp của Bác với cán bộ trong một hội nghị tại Hiệp Hòa (Hà Bắc). Qua câu chuyện về chiếc đồng hồ, Bác đã chuyển tải đến cán bộ, nhân dân thông điệp: Công việc nào, nhiệm vụ nào cũng quan trọng, cũng đáng quý và đoàn kết mới thực sự tạo nên sức mạnh. Kiên cho biết: trong câu chuyện “Chiếc đồng hồ” em thấm thía và tâm đắc, khắc ghi lời căn dặn của Bác: Trong cuộc sống, mỗi người có một vai trò, một giá trị riêng đóng vai trò là một mắt xích để có thể xây dựng một tập thể vững chắc, bền lâu. Thế hệ trẻ trong thời đại 4.0 ngày nay có thể đề cao, yêu cầu tôn trọng sự khác biệt của mỗi bản thể độc lập song chúng ta phải biết phát huy tinh thần đoàn kết để cộng hưởng sức mạnh của từng cá nhân vào bản hòa ca chung của tập thể, có như vậy chúng ta mới xây dựng được một tập thể vững chắc, một tinh thần Việt Nam rộng lớn. Đúng như lời dạy của Bác, đoàn kết chính là sức mạnh, là yếu tố quan trọng để làm nên sự thành công. Thực hiện lời căn dặn của Bác, thế hệ trẻ Trường THPT Trần Hưng Đạo chúng em luôn cố gắng, nỗ lực học tập và rèn luyện để có thể xây dựng một ngôi nhà chung đoàn kết vững mạnh, xứng danh ngôi trường mang tên vị Anh hùng dân tộc - niềm tự hào của quê hương Thiên Trường - Nam Định.
Lãnh đạo Sở GD và ĐT, Công đoàn ngành Giáo dục và nhà tài trợ trao Giấy khen và phần thưởng cho các thí sinh đoạt giải Nhất tại Hội thi. Ảnh: Minh Thuận |
“Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”
Sau 2 ngày đầy ắp cảm xúc, hội thi đã kết thúc và để lại dư âm tốt đẹp qua sự đóng góp của 129 học sinh đến từ 10 Phòng GD và ĐT và 49 trường THPT trong toàn tỉnh. Hầu hết các thí sinh đã thể hiện tấm lòng, tình cảm yêu thương, kính trọng sâu sắc với Bác Hồ qua sự chuẩn bị tiết mục dự thi chu đáo, thực hiện tốt các nội dung thi, thể hiện sự tự tin, bản lĩnh, kiến thức mở rộng. Đa số thí sinh đã lựa chọn những câu chuyện phù hợp với lứa tuổi, sở trường của bản thân; thể hiện được lòng kính yêu vô hạn đối với Bác; cách kể chuyện hấp dẫn, tự tin, diễn cảm, dễ hiểu, lưu loát, vận dụng những bài học về đạo đức, lối sống của Bác vào thực tiễn hoạt động của bản thân. Em Lê Ngọc Phương, học sinh Trường THCS Nam Giang (Nam Trực) xúc động cho biết: “Em rất vinh dự được tham gia Hội thi. Qua câu chuyện trình bày và qua các tiết mục của các thí sinh khác tại Hội thi, em thấy càng thêm cảm phục Bác Hồ - một tấm gương sáng về đạo đức, trí tuệ, nhân cách mà em luôn nguyện học tập, noi theo. Quá trình tìm hiểu các câu chuyện và chuẩn bị tham gia Hội thi khiến em càng quyết tâm và hứa sẽ cố gắng học tập chăm chỉ và làm theo những lời Bác dạy để trở thành con ngoan trò giỏi”... Nhiều tiết mục dự thi của học sinh còn thể hiện sự chuẩn bị công phu từ đạo cụ, trang thiết bị, phương tiện và tự tin, có kỹ năng ứng xử tình huống khi trả lời câu hỏi mở của Ban Giám khảo. Rất nhiều tiết mục được đánh giá cao, tiêu biểu như: Tiết mục kể chuyện “Bác Hồ thăm xóm núi” cấp Tiểu học của Phòng GD và ĐT huyện Giao Thủy; tiết mục “Bác chỉ muốn các cháu được học hành” cấp Tiểu học của Phòng GD và ĐT Trực Ninh; tiết mục “Hai bàn tay” cấp THCS của Phòng GD và ĐT thành phố Nam Định; tiết mục kể chuyện “Tôi sẽ làm việc xứng đáng với sự tin dùng của ông” cấp THCS của Phòng GD và ĐT huyện Vụ Bản; tiết mục kể chuyện “Ít địch nhiều, yếu thắng mạnh” cấp THCS của Phòng GD và ĐT Nam Trực; tiết mục “Chiếc đồng hồ”, tiết mục “Tình yêu Bác Hồ dành cho những khúc dân ca” của Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định); tiết mục “Bác Hồ học ngoại ngữ” của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; tiết mục “Giọt nước mắt cảm phục” của Trường THPT Nguyễn Bính (Vụ Bản)... Chia sẻ sau Hội thi, hầu hết các em đều học được và tự rút ra cho mình những bài học trong rèn luyện, phấn đấu, noi gương Bác. Tổng kết Hội thi, Sở GD và ĐT đã trao giải cho 60 cá nhân và 30 tập thể.
NGƯT Cao Xuân Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD và ĐT cho biết: Thời gian qua, ngành GD và ĐT đã có rất nhiều hoạt động để tổ chức thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, và Hội thi là một trong số các hoạt động đó. Hội thi còn là một đợt sinh hoạt tư tưởng, chuyên môn hữu ích đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, góp phần lan tỏa rộng rãi việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Mong rằng kết quả của Hội thi sẽ là những nhân tố, những cú hích, động lực để tiếp tục lan tỏa phong trào, ý chí, quyết tâm học tập và làm theo Bác trong toàn ngành GD và ĐT, nhất là trong các em học sinh - thế hệ công dân tương lai của đất nước, góp phần đào tạo các em trở thành những người có ý chí cách mạng, có khát vọng vươn lên khẳng định bản thân và xây dựng quê hương, đất nước. Đồng thời các cơ sở giáo dục tiếp tục sử dụng hiệu quả bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” trong giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh ở các nhà trường./.
Minh Thuận