Trường cấp 3 Nông nghiệp - Ngôi trường cấp 3 đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đang được thực hiện tại tỉnh ta với sự phối hợp thực hiện giữa Sở NN và PTNT, Sở GD và ĐT, Sở LĐ-TB và XH, UBND các huyện, thành phố, Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Nhật Bản tại Nam Định. Tại đây, ngoài việc được dạy văn hóa, được cấp bằng THPT, học sinh còn được dạy kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản, sau khi tốt nghiệp được cấp Bằng tốt nghiệp Trung cấp (đáp ứng chuẩn kỹ năng đặc định I) và chứng chỉ tiếng Nhật trình độ N4 (JLPT).
Học sinh nhà trường trong một buổi thực hành làm bánh. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Mô hình Trường cấp 3 Nông nghiệp đang được triển khai tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định thông qua việc thực hiện Dự án “Mô hình liên kết đào tạo nhân lực nông nghiệp kỹ thuật cao dành cho học sinh học hết THCS theo mô hình trường cấp 3 Nhật Bản”.
Đến trường vào một buổi sáng tháng 5 không hề liên hệ trước song ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là sự sạch sẽ ở từng khoảng sân, góc vườn, giảng đường hoàn toàn do học sinh nội trú chăm chút giữ gìn (trường không thuê lao công). Đối tượng đào tạo là học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh Nam Định. Mô hình nằm trong chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp giữa tỉnh Nam Định và tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao trình độ Trung cấp lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực khác cho học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh Nam Định, với mục tiêu cụ thể đặt ra là đào tạo 90-100 học sinh/khóa (từ 2021-2023) và 180-200 học sinh/khóa (từ 2024 trở đi) đảm bảo kiến thức về văn hóa, chuyên môn và ngoại ngữ. Về văn hóa: các em được cấp bằng THPT. Về chuyên môn: Được cấp Bằng tốt nghiệp Trung cấp (đáp ứng chuẩn kỹ năng đặc định I) để làm việc cho các doanh nghiệp tại Nhật Bản. Về ngoại ngữ: Được cấp chứng chỉ tiếng Nhật trình độ N4 (JLPT). Mô hình đào tạo sẽ được nhân rộng trong những năm tới với nhiều lĩnh vực nghề, học sinh tốt nghiệp đảm bảo kiến thức về văn hóa, có kỹ năng nghề và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thị trường lao động của Nhật Bản và Việt Nam; cung cấp lao động kỹ thuật chất lượng cao cho các doanh nghiệp tại Nhật Bản và doanh nghiệp của Nhật Bản đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện tại nhà trường đã khai giảng được khoá học đầu tiên với 60 em học sinh. Không chỉ có học sinh trong tỉnh, nhiều học sinh ngoại tỉnh từ Bình Thuận, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam... cũng về đây theo học. Tại trường, các em được học 8 môn văn hoá theo chương trình của Sở GD và ĐT quy định và một môn Ngoại ngữ (tiếng Nhật) để tốt nghiệp. Nội dung căn bản nhất là học kỹ thuật nông nghiệp. Để phù hợp với nhận thức của lứa tuổi 15-16, các tiết kỹ thuật nông nghiệp luôn chú trọng thực hành (thời gian dạy lý thuyết chỉ giới hạn từ 10-15 phút). Phần này do chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ. Họ là những giáo viên trường cấp 3 Nông nghiệp, rất có kinh nghiệm trong đào tạo chuyên ngành. Theo các kỹ sư nông nghiệp, muốn sản xuất nông nghiệp thì “nhất đất, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Vì vậy, trong thực hành kỹ thuật nông nghiệp, trước hết nhà trường và các giáo viên dạy học sinh cách ủ phân hữu cơ vi sinh từ phế, phụ phẩm nông nghiệp (phân bò, lợn, gà kết hợp với cám gạo, trấu và vỏ lạc) theo hướng dẫn của chuyên gia Miyazaki. Giáo trình dạy thực hành rất tỉ mỉ, hướng dẫn từ cách bố trí gian nhà ủ phân, phối trộn nguyên liệu theo tỷ lệ, cách đảo phân theo phương pháp sử dụng vi sinh vật hiếu khí, bổ sung nước trong quá trình đảo, dùng đồng hồ nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ đống phân ủ từ ngày thứ nhất đến khi phân chín, rồi phải kiểm tra chất lượng của phân qua các khâu rất kỹ lưỡng. Để bổ sung dinh dưỡng cho đất, phân hữu cơ sẽ được bón vào đất với tỷ lệ 2 tấn/1.000m2 (tương đương 2kg/m2 sau đó có thể gieo trồng các loại rau. Mô hình này hoàn toàn không sử dụng hoá chất trong quá trình chăm sóc cây trồng, học sinh phải bắt sâu bằng tay. Đặc biệt, sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ được đưa vào bếp ăn của nhà trường. Phần còn lại, học sinh sẽ tỏa đi khu dân cư lân cận để bán... Tương tự như vậy, nhà trường cũng dạy học sinh cách chế biến bánh mì, bánh gato, su kem, bánh cuốn... từ bột gạo (thay vì bột mì nhập khẩu như trước đây) theo kỹ thuật của người Nhật Bản. Sau khi có sản phẩm, nhà trường tiếp tục dạy cho các em kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn mác sao cho hấp dẫn để chào bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Dự kiến, mô hình đào tạo nông nghiệp này sẽ kéo dài 10-15 năm. Sau khi tốt nghiệp, học sinh sẽ được đưa sang Nhật Bản làm việc từ 3-5 năm tại các công ty nông nghiệp, công ty chế biến thực phẩm và có thu nhập để các em học tiếp 4 năm đại học tại Trường Minami Kyushu, tỉnh Miyazaki. Trường đại học này giảm một nửa học phí cho sinh viên Việt Nam, là trường chuyên đào tạo kỹ sư thực hành nông nghiệp.
Học sinh nhà trường trong một buổi thực hành làm bánh. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Đồng chí Đinh Văn Hoản, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Giai đoạn 2021-2023 trường đào tạo hệ Trung cấp nông nghiệp chất lượng cao cho học sinh sau THCS; quy mô đào tạo 90-100 học sinh/1 khóa với các ngành nghề: trồng trọt và bảo vệ thực vật; công nghệ chế biến và bảo quản nông sản; công nghệ sinh học. Giai đoạn 2024 trở đi: đào tạo hệ Trung cấp nông nghiệp và các ngành nghề khác đảm bảo chất lượng cao cho học sinh sau THCS; quy mô đào tạo 180-200 học sinh/1 khóa. Đối tượng tuyển sinh là học sinh sau tốt nghiệp THCS. Hình thức tuyển sinh: Xét tuyển. Mô hình dự kiến được triển khai thực hiện tại Cơ sở 4, xã Nam Phong (thành phố Nam Định). Tại đây hiện có 9 phòng học lý thuyết đang được sử dụng trong hoạt động đào tạo, các phòng đều có máy tính, máy chiếu; 6 phòng học thực hành, thí nghiệm (tổng diện tích 909m2) đang được sử dụng trong hoạt động đào tạo; nhà hiệu bộ với diện tích 893m2; ký túc xá với 20 phòng (tổng diện tích 780m2); vườn trường: có 3 khu vườn (tổng diện tích 9.000m2) hiện đang trồng một số loại cây ăn quả như bưởi, xoài, ổi, táo... phục vụ hoạt động thực hành thực tập của học sinh ngành trồng trọt; 3 phòng học thực hành, thực nghiệm; vườn trồng rau màu: 3 khu vườn (tổng diện tích 9.000m2) trồng lạc, khoai tây, đậu tương...; ruộng trồng lúa: thuê ruộng của các hộ dân không có nhu cầu trồng lúa xung quanh trường. Các nghề đang được đào tạo là: nuôi trồng thuỷ sản; trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi - thú y; quản lý đất đai; công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản nông sản; công nghệ sinh học. Học sinh sẽ được học 3 năm tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định. Trong thời gian học, có các chương trình giao lưu ngoại khóa với học sinh, sinh viên các trường cấp 3 nông nghiệp Nhật Bản. Trong đó, thời gian học thực hiện theo khung kế hoạch thời gian năm học của UBND tỉnh ban hành (3 năm học); đảm bảo đủ thời lượng, nội dung và tiến độ theo quy định. Học sinh được đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng như học sinh học tại các trung tâm GDTX. Thời gian học chuyên môn theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Chuẩn đầu ra đạt trình độ trung cấp theo khung trình độ quốc gia Việt Nam. Học sinh tốt nghiệp có kỹ năng nghề, đủ điều kiện tham gia lao động kỹ thuật tại các công ty, doanh nghiệp tại Nhật Bản. Thời gian học ngoại ngữ: Học trong 3 năm thực hiện song song với học văn hóa và học chuyên môn (thời lượng khoảng 630 tiết học). Học sinh sau khi tốt nghiệp được làm việc 3-5 năm tại các doanh nghiệp Nhật Bản. Sau đó học sinh có thể tiếp tục học đại học tại Nhật Bản. Sau thời gian làm việc tại Nhật Bản, học sinh trở về nước sẽ là lao động, chuyên gia chất lượng cao có thể làm việc tại các doanh nghiệp của Việt Nam hoặc các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Sự ra đời của mô hình góp thêm một hướng đi cho học sinh sau THCS lựa chọn phù hợp năng lực, sở trường bản thân và nhu cầu lao động của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Sau khi xây dựng thành công mô hình tại Nam Định, mô hình sẽ được mở rộng ra các địa phương khác, nhằm góp phần bổ sung nhân lực nông nghiệp có kỹ thuật và kỹ sư nông nghiệp lành nghề cho tỉnh ta, nước ta./.
Minh Thuận