Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, tin tức một số vụ trẻ em tự tử đầy thương tâm liên tục ập đến, gây bàng hoàng, xót xa cho gia đình và xã hội. Các vụ việc xảy ra liên tiếp khiến các phụ huynh vô cùng lo lắng, bất an, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con đang ở độ tuổi thay đổi tâm sinh lý, các cháu chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng.
Không thể phủ nhận lứa tuổi học sinh hiện nay bị tác động nhiều bởi mạng xã hội và dễ có những hành động nông nổi. Mặt khác, tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động của môi trường xung quanh. Các em dễ bị ảnh hưởng bởi những áp lực, suy nghĩ, lối sống tiêu cực dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản, thậm chí là ý nghĩ tự sát. Và một nguyên nhân không kém phần quan trọng là thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh phải học trực tuyến, phải ở nhà trong một thời gian khá dài, một bộ phận trong số đó đã bị tác động tâm lý không nhỏ và những hệ lụy từ các nguyên nhân trên nên có những biểu hiện trầm cảm với nhiều mức độ khác nhau. Chị Thu Mai, ở đường Lương Thế Vinh (thành phố Nam Định) cho biết: Con gái chị đang học lớp 9. Suốt từ tháng 10-2021 đến thời điểm tháng 2-2022, sau một thời gian học trực tuyến kéo dài, con chị có biểu hiện “sức ỳ tâm lý”, không muốn đi học trở lại, ngại giao tiếp, ngại dậy sớm, hay cáu gắt, dễ nổi nóng... Chị đã phải tìm đến bác sĩ tâm lý để điều trị cho con. Theo một số giáo viên làm công tác chủ nhiệm lâu năm, một số khu vực trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, học sinh phải học trực tuyến quá lâu dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, tác động tới tâm lý, thể chất của các em, tác động tới cả chất lượng dạy và học. Nhiều học sinh còn gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, thể chất bị ảnh hưởng như dễ lo âu trầm cảm, rối loạn cảm xúc, dễ tổn thương, hay bực bội cáu gắt, chưa kể nhiều em có nguy cơ mắc các bệnh như cận thị, béo phì, cong vẹo cột sống, thiếu can-xi, “nghiện” thiết bị công nghệ… Theo các nhà chuyên môn khi trẻ đã trải qua một giai đoạn dài trầm cảm, đặc biệt ở nhóm tuổi vị thành niên nhưng chưa được phát hiện và được can thiệp sớm rất dễ hành động bộc phát, nông nổi khi bị kích động hay tác động rất nhỏ. Do vậy, áp lực dẫn đến trầm cảm là một “sát nhân” vô hình và cực nguy hiểm, nhất là với thanh thiếu niên, đây là thực tế đáng báo động hiện nay. Trẻ bị rối loạn trầm cảm thường có triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với suy nhược như mất ngủ, mệt mỏi, giảm năng lượng, khó tập trung, thậm chí có thể nghĩ đến và tìm đến cái chết nhưng bố mẹ do mải làm ăn nên không nhận ra kịp thời.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Nghĩa, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh thì có những dấu hiệu đơn giản đầu tiên để cha mẹ nhận ra con mình có dấu hiệu bị trầm cảm hay không. Đầu tiên là rối loạn giấc ngủ, trẻ có thể ngủ ít hoặc ngủ nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, đa số các trường hợp trẻ trầm cảm sinh mất ngủ. Trẻ sẽ ngại giao tiếp, thu mình ít tham gia vào các hoạt động trong gia đình. Một số trẻ có thể trên lớp bình thường nhưng về nhà thì lại cáu gắt, hay cãi bố mẹ. Có trẻ ăn uống kém, mệt mỏi không có sức lực, buồn chán, mất phương hướng; kết quả học tập sa sút, khó tập trung trong học hành. Một số trẻ có chứng rối loạn dạ dày - ruột, một số trẻ có triệu chứng cơ thể như đau lưng, đau vai gáy… Ở mức độ nặng hơn, trẻ sẽ có những suy nghĩ bất mãn, tiêu cực, tự trách bản thân và thường có ý định tự sát. Đa phần khi bố mẹ đưa trẻ đi khám đều đã ở mức nghiêm trọng nên việc điều trị kéo dài, khó khăn. Rối loạn trầm cảm luôn tồn tại trong cuộc sống, thường dễ khởi phát vào thời điểm có những áp lực. Bởi vậy, trước tiên, gia đình và nhà trường cần có các biện pháp phối hợp can thiệp kịp thời. Ngoài chương trình học chính khóa, các nhà trường cần dành một thời gian phù hợp tổ chức các hoạt động tạo hứng thú và thoải mái cho học sinh, giúp học sinh được thay đổi môi trường học tập, góp phần đảm bảo cân bằng về tâm lý, sức khỏe; hướng dẫn học sinh kiến thức phòng, chống tai, tệ nạn xã hội để bảo vệ bản thân; tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh, tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong một lớp học để học sinh nhanh chóng hòa nhập môi trường học tập; tuyệt đối không để xảy ra sự kỳ thị đối với những học sinh có biểu hiện trầm cảm. Các bậc phụ huynh cần phải thường xuyên quan tâm con em mình để có những biện pháp can thiệp kịp thời, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Cũng theo bác sĩ Nghĩa, điều trị trầm cảm ở lứa tuổi thanh, thiếu niên nổi bật nhất vẫn là điều trị tâm lý. Bởi vậy, các gia đình cần phải để ý những dấu hiệu bất thường để có thể phát hiện ra trẻ nhỏ có ý định hoặc hành vi bất thường từ sớm. Rối loạn giấc ngủ, không có nhu cầu giao tiếp, khó học tập trung, thấy buồn chán… là những dấu hiệu rất đơn giản để nhận ra con mình đang đối mặt với trầm cảm. Bố mẹ cần chú ý những dấu hiệu đơn giản để cùng con vượt qua giai đoạn này vì trầm cảm kéo dài sẽ có những hành vi tiêu cực. Đặc biệt, sự thấu hiểu, bao dung của cha mẹ rất quan trọng. Bố mẹ nên cân nhắc và tìm những từ ngữ phù hợp để dạy bảo cho con đúng sai, không nên quá kỳ vọng gây ra những áp lực tâm lý không đáng có cho con. Nhà văn Hoàng Anh Tú, chuyên gia tư vấn tâm lý tuổi học đường chia sẻ: “Giải pháp tốt nhất là cha mẹ có thể xây dựng suy nghĩ tích cực cho con, cha mẹ có suy nghĩ tích cực thì đứa trẻ nhìn nhận vấn đề nhẹ nhàng hơn. Cùng với đó, giúp con xem trọng giá trị bản thân, giúp con có giá trị trong cuộc sống và luôn biết tự tin với bản thân mình, giúp con ứng phó với những tồi tệ bên ngoài; và đặc biệt, hãy giữ kết nối với trẻ, đừng để trẻ bị cô độc”./.
Minh Thuận