Thực hiện Luật Người khuyết tật (có hiệu lực từ ngày 1-1-2011), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ; chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, lồng ghép công tác người khuyết tật (NKT) vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đảm bảo điều kiện để NKT thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; hỗ trợ cho hoạt động của Hội NKT và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ NKT; tạo cơ hội bình đẳng, động viên để NKT phát huy năng lực, vươn lên hoà nhập cộng đồng, đóng góp cho xã hội.
Lớp học văn hóa cho các học viên khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cơ sở 2, xã Lộc An (thành phố Nam Định). |
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp NKT
Toàn tỉnh hiện có hơn 43 nghìn NKT (bao gồm cả NKT là thương binh, bệnh binh, nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin); trong đó, 24.302 người từ 16 đến dưới 60 tuổi, 13.757 người trên 60 tuổi; 6.602 hộ gia đình có NKT, 29.814 NKT nặng, 19.027 NKT vận động. Đồng chí Vũ Kim Danh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH cho biết: Thực hiện Luật NKT và Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành 10 văn bản quy phạm pháp luật, 30 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện các quy định của Luật NKT. Biên soạn, in, phát hành gần 4.000 ấn phẩm “Luật NKT và một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành” đến trưởng thôn, xóm, tổ dân phố; UBND cấp xã; phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố; 20 nghìn tờ rơi về chính sách, quy trình thực hiện chính sách bảo trợ xã hội (BTXH) đối với NKT; 25 nghìn tờ rơi tuyên truyền một số quy định về NKT, xác định mức độ khuyết tật; 28.300 tờ rơi truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác xác định mức độ khuyết tật và thực hiện chính sách BTXH cho 100% cán bộ LĐ-TB và XH các huyện, thành phố; trên 1.600 lượt cán bộ là thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã; trên 3.600 chủ hộ gia đình, thành viên hộ gia đình có người khuyết tật về kỹ năng chăm sóc và phục hồi chức năng... Công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến Luật NKT và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được triển khai rộng rãi nhằm từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của chính bản thân NKT về việc thực hiện các hoạt động trợ giúp NKT, tạo điều kiện cho NKT tiếp cận với các chính sách trợ giúp của Nhà nước, được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, sống độc lập và hòa nhập với cộng đồng.
Thơi gian qua, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch, đề án thực hiện trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ NKT phát huy khả năng của bản thân, tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong đó, thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác rà soát, phân tích thực trạng NKT, lồng ghép công tác NKT vào kế hoạch, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa công tác BTXH, trong đó có việc chăm sóc, hỗ trợ NKT; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về NKT; các hoạt động chăm sóc hỗ trợ về đời sống vật chất, tinh thần, y tế, giáo dục, văn nghệ, thể dục, thể thao NKT ngày càng được đẩy mạnh, giúp cho NKT bớt đi những mặc cảm, tự ti về những khiếm khuyết của bản thân, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đến tháng 4-2022 tất cả 226 xã, phường, thị trấn đã thành lập, kiện toàn Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, thực hiện xác định mức độ khuyết tật cho đối tượng theo quy định. Trong công tác chăm sóc sức khỏe NKT, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế từ tuyến huyện đến các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NKT tại nơi cư trú, ưu tiên trong khám, chữa bệnh cho NKT và các diện đối tượng yếu thế trong xã hội. Các trạm y tế lập sổ theo dõi tập luyện phục hồi chức năng, NKT vận động được hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng theo phác đồ cho 43.802 NKT được theo dõi, quản lý tại địa phương. Toàn tỉnh có 36.849 NKT được cấp thẻ BHYT, có 2.972 NKT được cung cấp các dụng cụ hỗ trợ phù hợp, hơn 10 nghìn trẻ bị các dạng tật được khám sàng lọc miễn phí. Trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, đã hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 1.094 người khuyết tật, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo là 85%. Các cấp Hội NKT, Hội Người mù của tỉnh, thông qua hoạt động của các dự án hỗ trợ tạo việc làm dành cho NKT, tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 250 hội viên. Các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 200 NKT; có 570 hộ gia đình có NKT được hỗ trợ cho vay vốn giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi, nhiều lao động là thanh niên khuyết tật được vay vốn đã tạo được việc làm và thu nhập ổn định. Đến nay, toàn tỉnh có 32.822 NKT đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, với tổng số tiền trợ cấp trên 187.234 triệu đồng/năm, đảm bảo trợ cấp kịp thời, đúng đối tượng, đúng mức trợ cấp theo quy định.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Luật NKT hiện cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Vũ Kim Danh, hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe cho NKT chưa có quy định cụ thể để NKT có thể tiếp cận dịch vụ hỗ trợ tại nhà, khu vực sinh sống và cộng đồng. Đa số NKT sống ở vùng nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn, không đảm bảo được chi phí cho việc điều trị dài ngày tại các cơ sở y tế. Chưa nhận được sự quan tâm phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NKT; NKT còn mặc cảm, tự ti, hòa nhập cộng đồng còn hạn chế. Ở tuyến cơ sở, cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác khám sàng lọc và chăm sóc sức khỏe NKT; thiếu cán bộ có chuyên môn và kinh nghiệm khám, chữa bệnh cho NKT. Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập cấp tỉnh theo quy định của Nghị định 46/2017/NĐ-CP và Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD và ĐT quy định về giáo dục hòa nhập đối với NKT. Công tác tuyển sinh đào tạo nghề cho NKT gặp nhiều khó khăn do trình độ nhận thức, sức khỏe của NKT; cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số cơ sở dạy nghề cho NKT trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, thiếu trang thiết bị dạy nghề dành riêng cho NKT; đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng nhu cầu; sự gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề có nơi còn thiếu chặt chẽ. Do vậy, NKT tham gia học nghề còn ít và tỷ lệ sau đào tạo tìm được việc làm thấp.
Để chăm lo tốt hơn cho NKT, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu lực, hiệu quả Luật NKT, Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT. Trước hết, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 23/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Huy động sự tham gia của toàn xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng, tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho các đối tượng theo Quyết định số 1929/QĐ-TTg. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp NKT; nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo, giúp đỡ NKT và các tổ chức của NKT; có cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài Nhà nước đầu tư cho các mô hình phi lợi nhuận chăm sóc NKT, nhất là NKT nặng, đặc biệt nặng, phụ nữ, trẻ em khuyết tật, NKT cao tuổi. Trợ giúp NKT về giáo dục, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp; tăng cường công tác dạy nghề, hỗ trợ vốn vay, giải quyết việc làm phù hợp, tạo thu nhập ổn định để NKT có điều kiện từng bước tự đảm bảo cuộc sống./.
Bài và ảnh: Việt Thắng