Một ngày đầu tháng 5-2022, chúng tôi có dịp gặp cựu chiến binh (CCB) Phan Trọng Điền, Giám đốc Công ty Đúc đồng Nam Thiên, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) và được ông kể cho nghe rất nhiều câu chuyện đời, chuyện nghề. Khởi nghiệp từ nghề đúc đồng, sau vài chục năm ông Điền đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, là tấm gương CCB sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện.
Cựu chiến binh Phan Trọng Điền, Giám đốc Công ty đúc đồng Nam Thiên, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của công ty. |
Năm 1987, sau 3 năm trực tiếp chiến đấu đánh phỉ ở mặt trận 379 Thượng Lào, Phan Trọng Điền xuất ngũ và chuyển ngành về công tác tại Công ty Bia ong Xuân Thủy. Quá trình tạo ra hoa văn trên các sản phẩm đồ đồng thì cần có sáp ong nên khi ông được tiếp cận với rất nhiều thợ đúc đồng đến mua sáp ong, tò mò muốn tìm hiểu và sau đó là yêu thích công việc đúc đồng. Ông Điền bỏ ngang công việc ổn định đang làm, tìm đến nghệ nhân đúc đồng có tiếng ở xã Xuân Tiến là cụ Lê Văn Việt để học nghề. Chăm chỉ học trong 5 năm, năm 1990 ông Điền “ra riêng” mở xưởng. “Nhà xưởng khi ấy rất nhỏ chỉ khoảng 200m2, vào những ngày mùa hè thì nóng nực và ồn vô cùng. Tuy nhiên tôi rất vui vì cuối cùng cũng đã thực hiện được đam mê và ước mơ của bản thân”, ông Điền kể lại kỷ niệm khó quên những ngày đầu thành lập xưởng. Lúc này, ông Điền chủ yếu đúc chuông, tượng và các loại pháp khí như đao, kiếm… Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế chung của đất nước thời điểm này còn rất nhiều khó khăn nên các sản phẩm do xưởng làm ra không bán được nhiều. Để tìm kiếm thị trường, thúc đẩy sản xuất, ông Điền trực tiếp mang sản phẩm đi chào hàng ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc vào cả miền Trung. Đi đến đâu, thấy có cửa hàng buôn bán đồ đồng ông cũng xin vào giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Dần dà, sản phẩm của xưởng đã tạo được niềm tin cho khách hàng, đơn đặt hàng nhiều, ổn định hơn. Sản xuất phát triển, năm 2010, ông Điền thành lập Công ty Đúc đồng Nam Thiên với diện tích nhà xưởng trên 1.000m2, thu hút vài chục lao động. Ngoài đúc các loại pháp khí, chuông, tượng, ông còn tìm cách đa dạng hóa các mặt hàng sản xuất, nhận đúc đồ thờ cúng, trang trí cho các công trình kiến trúc. Một số “tác phẩm”, công trình tiêu biểu của ông có thể kể đến như: Tượng Trần Nhân Tông ở Am Ngọa Vân tại chùa Yên Tử, Quốc mẫu Âu Cơ ở Hạ Hòa (Quảng Ninh); tượng Thích Ca ngồi cao 4m7, nặng 20 tấn đặt tại Chùa Phúc Long, Trâu Qùy, Gia Lâm (Hà Nội); tượng Phật Tổ ngồi cao 4m7, nặng 20 tấn đặt tại chùa Đại Bi (Thanh Hóa). Đặc biệt là chiếc trống đồng (đại pháp cổ) có kích thước mặt trống 1,73m, bụng trống 2,85m, chiều dài 2,95m, trọng lượng 6.800kg, giá trống nặng 1.780kg làm cho họ Đặng Việt Nam đã được công nhận là kỷ lục trống đồng lớn nhất Việt Nam năm 2019. Toàn bộ trống và giá được làm từ 100% đồng đỏ nguyên chất và thiếc Cao Bằng. Bên cạnh đó, ông Điền còn có tác phẩm bài ca họ Đặng Việt Nam thể hiện trên chất liệu đồng nguyên chất và gỗ quý cũng được giới nghề đánh giá cao về độ khó và tính thẩm mỹ. Nhân dịp Kỷ niệm 55 Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (1962-2017), Công ty Đúc đồng Nam Thiên còn được giao đúc Tháp Đồng cho nước bạn Lào. Đây là tác phẩm được đánh giá đẹp một cách “hoàn mỹ” của nghệ nhân Phan Trọng Điền, thể hiện tài hoa cũng như giá trị thẩm mỹ của người thợ có “bàn tay vàng”. Vài năm trở lại đây, bên cạnh nhận đúc các sản phẩm đơn lẻ, ông Điền còn nhận phục dựng, tu bổ các công trình văn hóa. Những công trình lớn ghi dấu ấn của người CCB tài hoa như: đền thờ gia tiên Hồ Chủ Tịch hoàn thiện trong 8 năm ở Nam Đàn (Nghệ An); tu bổ các hạng mục công trình ở chùa Quỳnh Lâm, chùa Hải Hà, chùa Xuân Lan, đền Xã Tắc (Quảng Ninh); đúc chuông và các đồ thờ ở chùa Cổ Lễ, chùa Hoàng Nguyên; đền thờ Đặng tộc ở miền Trung… Các sản phẩm đúc đồng của Nam Thiên được khách hàng khen ngợi và đánh giá cao về chất lượng, độ tinh xảo, lưu giữ được nguyên bản những giá trị văn hóa truyền thống… Đến nay, “tiếng lành đồn xa”, Công ty Đúc đồng Nam Thiên đã là địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng trong nước và quốc tế, mang lại lợi nhuận cao. Hàng năm, trừ chi phí, công ty thu lãi từ 300-400 triệu đồng/năm. Nghề đúc đồng không chỉ giúp ông Điền trở thành “triệu phú” mà còn mang lại cho ông nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2019, nghệ nhân Phan Trọng Điền được Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân tiêu biểu Đông Nam Á vì có nhiều sáng kiến, đóng góp cho sự phát triển làng nghề đúc đồng truyền thống tại tỉnh Nam Định và các công trình di tích lịch sử văn hóa khắp cả nước. Tài hoa, yêu nghề, ông Điền luôn mong muốn được truyền thụ nghề cho những người trẻ muốn gắn bó lâu dài với đúc đồng. Ông còn dồn hết tâm huyết để đào tạo nghề cho lớp thợ trẻ mà không giấu bất kể “bí quyết” nào. Công ty của ông hiện có hơn 30 lao động đều là những nghệ nhân có tay nghề cao. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, CCB Phan Trọng Điền còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện. Trong những năm qua, ông luôn dành một phần lợi nhuận của Công ty Đúc đồng Nam Thiên để ủng hộ, giúp đỡ cho những người đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, tạo công ăn việc làm cho con em CCB, cựu quân nhân; đóng góp trùng tu lại nghĩa trang liệt sĩ xã với số tiền hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, biết hoàn cảnh nào khó khăn cần sự giúp đỡ, ông đều đến động viên, tặng quà, ủng hộ sổ tiết kiệm… Trung bình hàng năm, công ty tặng hàng trăm suất quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên cả nước.
Trở về sau những năm tháng chiến đấu ngoài mặt trận, không cam chịu nghèo khó, CCB Phan Trọng Điền đã nỗ lực vươn lên trên mặt trận mới, phát triển kinh tế gia đình, trở thành doanh nhân tiêu biểu. Ông chính là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu học tập và noi theo, khẳng định phẩm chất, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ trong thời đại mới./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân