Đảm nhiệm Chủ tịch Hội Người khuyết tật (NKT) tỉnh, chị Nguyễn Thị Xuân luôn thấu hiểu được nỗi niềm, ước muốn của mỗi hội viên. Vì thế, chị đã cùng với BCH Hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc sức khỏe, trợ giúp NKT và triển khai thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội, đáp ứng nguyện vọng và những nhu cầu cơ bản của NKT, giúp họ từng bước hòa nhập cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Xuân (đứng thứ ba từ phải sang) trong một hoạt động nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4). Ảnh: Do nhân vật cung cấp |
Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là giáo viên tiểu học ở xã Giao Xuân (Giao Thủy), trong một đợt sốt cao, chị Xuân bị co giật và bị teo cơ bên chân trái. Đang là cô bé nhanh nhẹn, chạy nhảy tung tăng, bỗng chốc trở thành người tàn tật, Xuân rất buồn. Nỗi buồn cứ đeo đẳng mỗi ngày cho đến khi Xuân chợt nhận ra, chỉ có nỗ lực của bản thân mới có thể thay đổi được số phận. Năm 17 tuổi, Xuân xin bố mẹ cho đi học nghề may. Bằng sự nỗ lực không ngừng, cuối cùng Xuân cũng có trong tay tấm bằng trung cấp và trở về làm việc tại địa phương. Với tay nghề tốt, cùng với sự khéo léo, chân thành, tiếng lành đồn xa, chị được nhiều người yêu quý và tìm đến đặt may. Năm 26 tuổi, chị gặp và kết hôn với người chồng cùng xã, sinh được 2 người con khỏe mạnh. Trải qua bao khó khăn của bản thân, hiểu rõ những vấn đề mà NKT gặp phải, chị đã tham gia Hội NKT huyện Giao Thủy với mong muốn giúp những người cùng cảnh tự tin hòa nhập cộng đồng; sau đó được bầu làm chủ nhiệm CLB phụ nữ khuyết tật tỉnh. Năm 2017, chị tiếp tục được hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội NKT tỉnh với mong muốn đóng góp công sức góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách đối với NKT; tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NKT, giúp họ có thêm những cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng và tự lực trong cuộc sống. Chị Xuân đã không ngừng học hỏi hoàn thành các khóa tập huấn, hội thảo như: Giảng viên nguồn bộ tài liệu giám sát và thực thi Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của NKT, phụ nữ nói không với bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với trẻ em trong trường học và cộng đồng, sử dụng mạng xã hội thông minh làm đòn bẩy phát triển, xây dựng chương trình trên cơ sở quyền trẻ em, truyền thông hiệu quả cho tổ chức phi chính phủ, khởi nghiệp dựa vào nội lực, giảng viên nguồn về giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức lĩnh vực trẻ em… Ngoài tham gia BCH Liên hiệp hội về NKT Việt Nam, chị còn là trưởng ban dự án COVD về nâng cao năng lực và phát triển tổ chức Hội NKT tại Việt Nam, thành viên của mạng lưới phụ nữ khuyết tật phía Bắc, thành viên quản trị quyền trẻ em miền Bắc. Bận rộn với công việc, nhưng chị chưa bao giờ nghĩ mình chỉ làm công việc của “người vác tù và hàng tổng” bởi 2.148 hội viên, đa số NKT đều có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu sống dựa vào người thân, gia đình và cộng đồng xã hội đang rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Chị đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội tổ chức thường xuyên các hoạt động như: chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; trẻ khuyết tật được hỗ trợ phẫu thuật tim, mắt, sứt môi, hở hàm ếch; cấp thẻ BHYT; cấp xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình, dạy nghề miễn phí, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí… cho NKT. Đồng thời, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần tương thân tương ái, góp công sức tiền của, ngày công để hỗ trợ NKT ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan để tổ chức các hoạt động tùy theo chức năng nhiệm vụ; chú trọng tổ chức các lễ kỷ niệm nhân ngày NKT, các buổi nói chuyện chuyên đề về kiến thức, kỹ năng và chính sách liên quan đến NKT. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 100 NKT có việc làm mới ổn định, hòa nhập cộng đồng. Năm 2021, Hội NKT tỉnh đã tiến hành khảo sát về tình trạng việc làm của NKT tại cộng đồng theo Đề án 1190 với 100 NKT từ đó đã đề xuất các chính sách nhằm phát triển việc làm cho NKT. Trước mắt đã thực hiện thí điểm mô hình sinh kế, đảm bảo an sinh xã hội cho NKT tại huyện Giao Thuỷ với 30 hội viên được hưởng lợi do Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam tài trợ, tổng kinh phí 150 triệu đồng; thực hiện mô hình khởi nghiệp do Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam tài trợ với kinh phí 20 triệu đồng.
Nhiệt tình, trách nhiệm với công tác Hội, chị Nguyễn Thị Xuân luôn mong muốn giúp các hội viên có việc làm, được chăm sóc sức khoẻ và đảm bảo các chính sách bảo trợ xã hội, giúp họ từng bước hoà nhập cộng đồng./.
Hồng Minh