Toàn tỉnh hiện có 27.678 học sinh lớp 9 thuộc 226 trường THCS, 17.204 học sinh lớp 12 thuộc 57 trường THPT và 2.318 học sinh cấp THPT khối GDTX. Mặc dù dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục tác động đến các hoạt động giáo dục nhưng với tinh thần chủ động, các trường đang tích cực triển khai dạy học, ôn tập kiến thức cho học sinh cuối cấp lớp 9, lớp 12 để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới.
Cô và trò Trường THPT Nguyễn Bính (Vụ Bản) trong một giờ ôn tập môn Tiếng Anh. |
Thầy Lê Phúc Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) cho biết: Trong bối cảnh vừa học tập, vừa phòng chống dịch COVID-19, nhà trường đã tăng cường chỉ đạo công tác phòng dịch và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bằng các kế hoạch, phương án, kịch bản cụ thể; cập nhật, phổ biến các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo của tỉnh, của Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT về nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ phòng, chống dịch tới 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn trường, qua đó thống nhất tư tưởng, tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Nhà trường cũng chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn căn cứ hướng dẫn của cấp trên để điều chỉnh phù hợp; từng nhóm chuyên môn giáo viên bàn, thống nhất nội dung chương trình cốt lõi, trọng tâm để dạy, tận dụng “giờ vàng” khi học sinh được tranh thủ học trực tiếp theo kế hoạch dạy học từng môn, từng khối; tận dụng thật hiệu quả những giờ được dạy và học trực tiếp để dạy kiến thức cốt lõi mà khi học trực tuyến khó hướng dẫn được hết cho học sinh. Riêng đối với khối lớp 9, nhà trường đảm bảo theo đúng quy định, hướng dẫn nhiệm vụ năm học đã xây dựng, không cắt xén chương trình. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch ôn tập hoàn thành tốt nghiệp THCS và thi vào THPT. Chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch ôn tập, định hướng, phân luồng, hướng nghiệp nghề cho học sinh. Các em vừa học bài mới, vừa ôn tập rèn kiến thức, kỹ năng cốt lõi để hoàn thành chương trình kiểm tra cuối năm học lớp 9 đạt kết quả tốt, đủ điều kiện xét tốt nghiệp THCS, sau đó tập trung ôn thi các môn thi vào THPT theo kế hoạch. Dự kiến nhà trường bố trí cho học sinh thi thử vòng 1 vào ngày 15-5; vòng 2 vào 10-6. Qua mỗi lần thi thử sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể cho học sinh để các em được cọ sát rút ra bài học và tâm lý thi cử vững vàng.
Tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định), cô giáo Lê Thị Phương Dung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, nhà trường điều chỉnh kế hoạch giáo dục đảm bảo ưu tiên thời gian dạy học trực tiếp những kiến thức cơ bản, cốt lõi, những nội dung yêu cầu thực hành hoặc đòi hỏi có sự tương tác cao. Thực hiện dạy học trực tuyến cùng với dạy học trực tiếp để hoàn thành mục tiêu chương trình và chất lượng giáo dục. Để thực hiện tốt mục tiêu trên, nhà trường chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất: mỗi lớp đều có tài khoản Zoom, 2 đường dây mạng internet, ti vi thông minh, camera; giáo viên, học sinh chuẩn bị laptop, điện thoại để thích ứng tổ chức mô hình lớp học mới bình thường thông suốt với tất cả các tình huống. Ban giám hiệu và Ban nề nếp nhà trường thường xuyên đi kiểm tra, dự giờ online kịp thời hỗ trợ và quản lý chất lượng giờ học trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo nội dung, tiến độ thực hiện chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục. Nhà trường liên kết với cha mẹ học sinh, cựu học sinh, doanh nghiệp, các trường đại học để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh toàn trường, đặc biệt là học sinh khối 12 giúp các em có góc nhìn “mở”, định hướng lựa chọn nghề nghiệp, khối thi và trường thi tốt hơn cho năm cuối cấp, từ đó nâng cao chất lượng hỗ trợ học tập cho học sinh. Riêng đối với khối 12, nhà trường đã xây dựng phương án, kịch bản linh hoạt, chủ động, phù hợp với điều kiện của nhà trường, đảm bảo hoàn thành tiến độ chương trình theo khung kế hoạch thời gian năm học tại Quyết định số 1727/QĐ-UBND ngày 13-8-2021 của UBND tỉnh. Nhà trường lên kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp điều kiện thực tiễn, trong đó tập trung củng cố cho học sinh nắm vững những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chương trình cấp THPT, tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12, nội dung kiến thức lớp 10, 11; tổ chức ôn tập, rà soát, hệ thống lại những nội dung chương trình cốt lõi, đặc biệt đối với những nội dung dạy trực tuyến; tăng cường hướng dẫn học sinh tự ôn tập; kiểm tra, đánh giá kết quả ôn tập của học sinh; khai thác và sử dụng các phần mềm, trang web dữ liệu ôn tập, kiểm tra đánh giá trực tuyến; chú ý phân loại các nhóm đối tượng học sinh để tổ chức ôn tập cho phù hợp, không gây quá tải. Tổ chức ôn tập cho học sinh đã hoàn thành chương trình. Rà soát các học sinh gặp khó khăn trong học tập, đặc biệt những em phải học trực tuyến trong thời gian dài, từ đó vận động giáo viên tạo điều kiện giúp đỡ các em bù đắp phần kiến thức bị hổng. Chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn của các đơn vị biên soạn, khai thác các nguồn tài liệu hỗ trợ ôn tập; cập nhật các đề thi tốt nghiệp các năm gần đây, phân tích để định hướng cho việc ôn tập; chia sẻ các nguồn tài liệu, đề ôn tập do Sở GD và ĐT tập huấn tới tất cả các cán bộ, giáo viên trong trường. Nhà trường duy trì page “Chuyện học của chúng mình” thường xuyên tạo những buổi workshop nhằm giao lưu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm học tập, phương pháp học tập hiệu quả hay tâm sự cùng nhau về những vấn đề mà các bạn gặp rắc rối trong quá trình học tập. Tại page “Chuyện học của chúng mình” cũng chia sẻ những video hỗ trợ học tập, giảm áp lực khi học tập và thi cử theo mô hình của các kênh youtube có tính giáo dục (dự án này đã tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và đạt giải Nhất).
Để tổ chức ôn tập hiệu quả cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 THPT và học sinh lớp 12 với kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, Sở GD và ĐT đã yêu cầu các nhà trường lập kế hoạch cho việc giảng dạy, ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và thi tuyển sinh vào 10 (bao gồm kế hoạch chung của trường, kế hoạch của các tổ chuyên môn) phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm thời lượng, nội dung cốt lõi, căn bản, khung thời gian năm học. Trên cơ sở đó, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo cán bộ, giáo viên linh hoạt chọn các hình thức dạy học sao cho đạt hiệu quả cao nhất và bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch bảo vệ sức khỏe cho học sinh, giáo viên theo quy định. Quá trình ôn tập chú trọng củng cố cho học sinh nắm vững những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chương trình và chú ý phân loại các nhóm đối tượng học sinh để tổ chức ôn tập cho phù hợp. Đối với cấp THCS, các trường đang nỗ lực hoàn thành chương trình kiểm tra cuối năm học lớp 9 đạt kết quả tốt, đủ điều kiện để học sinh được xét tốt nghiệp THCS, sau đó tập trung ôn các môn thi vào THPT cho các em theo kế hoạch. Đối với cấp THPT, ngoài tập trung dạy học theo nội dung chương trình tinh giản thì các trường dành nhiều thời gian cho ôn tập, củng cố kiến thức 3 môn thi chính (Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh); phân công giáo viên dạy khối 12 có chuyên môn vững và kinh nghiệm giảng dạy phụ trách ôn tập cho học sinh. Trong quá trình ôn tập, giáo viên đặc biệt quan tâm sự tiến bộ của từng em, đặc biệt là học sinh trung bình, yếu. Để việc ôn tập hiệu quả, thời gian tới, Sở GD và ĐT yêu cầu các trường thực hiện khảo sát, đánh giá năng lực học sinh, từ đó có kế hoạch dạy học và ôn tập cụ thể phù hợp với từng đối tượng học sinh; chú trọng luyện đề với học sinh khá, giỏi; tập trung củng cố kiến thức cơ bản, rèn kỹ năng cho học sinh có học lực yếu; hướng dẫn các em các kỹ năng làm bài thi từng bộ môn. Đồng thời, căn cứ vào sức học của từng học sinh để tư vấn, phân luồng, giúp các em có sự lựa chọn vào các trường THPT hoặc thi tuyển sinh cao đẳng, đại học phù hợp…
Với sự chủ động, tích cực trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch COVID-19, tin rằng, học sinh cuối cấp THCS, THPT trong tỉnh được đảm bảo về sức khỏe, trang bị đầy đủ kiến thức để sẵn sàng tham gia kỳ thi vào các kỳ thi đặc biệt quan trọng, lớp 10 và tốt nghiệp THPT 2022 đạt kết quả cao./.
Bài và ảnh: Minh Thuận