Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp sức cho các mô hình kinh tế tập thể

06:04, 15/04/2022

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tích cực triển khai đa dạng các hình thức hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó tiếp sức từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) là đòn bẩy quan trọng giúp nhiều hộ nông dân có điều kiện để triển khai hiệu quả những mô hình kinh tế tập thể, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Hợp tác xã nông nghiệp và thủy sản Hải Hậu, xã Hải Lý (Hải Hậu) tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Hợp tác xã nông nghiệp và thủy sản Hải Hậu, xã Hải Lý (Hải Hậu) tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Thực hiện Đề án số 01, ngày 19-3-2019 của Ban Thường vụ HND tỉnh về việc “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND tỉnh Nam Định, giai đoạn 2019-2023”, các cấp Hội thường xuyên triển khai công tác vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực đóng góp, ủng hộ xây dựng Quỹ HTND theo chỉ tiêu giao, có sự tăng trưởng rõ nét hàng năm. Đến nay, tổng nguồn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lý là 29 tỷ 427,2 triệu đồng cho 1.315 hộ hội viên, nông dân vay để phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh. Có 6 huyện gồm Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thuỷ, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản có nguồn Quỹ HTND (gồm cả cấp huyện và xã vận động được) đạt mức trên 1 tỷ đồng. Riêng năm 2021, UBND tỉnh đã cấp bổ sung từ nguồn ngân sách 2 tỷ đồng cho Quỹ HTND tỉnh, giúp hội viên nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh đã hướng dẫn HND các huyện tổ chức lựa chọn các mô hình tiêu biểu để giải ngân nguồn vốn. Theo đó, 5 mô hình được Quỹ cho vay vốn với mức vay 400 triệu đồng/mô hình, bao gồm: tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Xuân Thành (Xuân Trường); tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Kim Thái (Vụ Bản); tổ hợp tác trồng cây dây thìa canh xã Hải Lộc (Hải Hậu); tổ hợp tác nuôi cá vược xã Giao An (Giao Thủy). Trong 3 năm qua, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã hỗ trợ 1.883 lượt hộ vay với tổng số vốn 46 tỷ 380 triệu đồng thông qua 361 dự án. Các dự án từ nguồn vốn Quỹ HTND tập trung chủ yếu vào phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển ngành nghề truyền thống. Các dự án cho vay theo mô hình đối với các hộ phải cùng sản xuất một loại ngành nghề, tập trung vào các tổ hợp tác, HTX, chi hội, tổ hội nghề nghiệp, góp phần đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế tập thể. Nhờ đó, trong 3 năm qua đã thành lập mới 75 tổ hợp tác, 5 HTX, ra mắt 42 mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, nâng tổng số mô hình tổ hợp tác, HTX toàn tỉnh lên 146 mô hình với trên 2.500 thành viên; 74 chi hội, tổ hội nghề nghiệp với 911 thành viên. Trong đó 83 tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp, 2 HTX đã được vay vốn Quỹ HTND (bình quân 1 tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp được vay 500 triệu đồng). Qua đó góp phần giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động nông thôn.

Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ HTND được triển khai thông qua các mô hình kinh tế tập thể không chỉ giúp nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, mà còn thay đổi tập quán, phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sự liên kết giữa các nông dân cùng sở thích, cùng ngành nghề. Các mô hình, dự án vay vốn cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu của nông dân. Từ nguồn Quỹ HTND đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả ở khu vực nông thôn. Nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành, góp phần tạo ra các sản phẩm chủ lực có chất lượng, thương hiệu, giá trị kinh tế cao, xây dựng phát triển các sản phẩm OCOP… Tại các địa phương trong tỉnh, hầu hết các dự án được hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ HTND sản xuất hiệu quả, nhiều tổ hợp tác ra đời giúp cho các hộ tham gia dự án cùng phát triển sản xuất, góp phần chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp, tiếp cận thị trường, từng bước giải quyết có hiệu quả đầu ra của sản phẩm, giải quyết việc làm cho lao động, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân, từ đó có tác động tích cực đến chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Nhiều mô hình vay, sử dụng vốn hiệu quả cao như tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Bạch Long, chi hội nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt xã Giao Hải (Giao Thủy); tổ hợp tác nuôi cá xã Hải Giang (Hải Hậu); tổ hợp tác trồng đào, quất cảnh thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng); tổ hợp tác trồng cây cảnh xã Điền Xá (Nam Trực)… Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) có gần 7km bờ biển và vùng bãi triều rộng lớn, có nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy, hải sản, đặc biệt thích hợp cho sự sinh trưởng của cá bống bớp. Từ tháng 10-2015, HND thị trấn đã thành lập tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cá bống bớp với 17 thành viên tham gia nhằm liên kết cùng nhau sản xuất, mang lại khối lượng sản phẩm lớn với chất lượng cao, đồng đều; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định. Trung bình mỗi thành viên có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Từ chỗ không chủ động được nguồn con giống, người dân phải tự khai thác, đánh bắt ngoài biển hoặc thu mua lại của những hộ dân ven biển các huyện Giao Thủy, Hải Hậu... về nuôi vỗ thành thương phẩm, đến nay đã có 2 thành viên tổ hợp tác đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất giống cá bống bớp, giúp các hộ nuôi giảm chi phí sản xuất. Tại huyện Vụ Bản, từ nguồn hỗ trợ của Quỹ HTND đã có nhiều mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, liên kết phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung. Tiêu biểu như mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất lúa sạch theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại xã Liên Bảo với Công ty TNHH Toản Xuân quy mô 20ha, cho thu nhập mỗi vụ trên 200 triệu đồng; mô hình HTX nuôi trồng thủy sản Huy Bình tại xã Đại An… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục lựa chọn những mô hình sản xuất có tính khả thi, đặc biệt là ưu tiên các hội viên tham gia vào các tổ hợp tác, HTX, tổ hội nghề nghiệp để triển khai thực hiện, qua đó đẩy mạnh quá trình liên kết sản xuất quy mô lớn theo hướng kinh tế nông nghiệp bền vững, góp phần tích cực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com