Liên tiếp trong thời gian qua xảy ra các vụ việc học sinh nhiều lứa tuổi tự tìm đến cái chết để “giải thoát bản thân khỏi những áp lực từ trường lớp, cha mẹ…”. Những cái chết tức tưởi tác động mạnh mẽ đến cảm xúc cộng đồng, nó cho thấy một khía cạnh đáng buồn là trong khi đời sống kinh tế ngày càng khá lên thì dường như chỉ số hạnh phúc của con người lại giảm sút. Ngay sau những vụ việc ấy, trên mạng xã hội dậy sóng với những ý kiến truy tìm, phân tích nguyên nhân. Có cả học sinh, người làm cha mẹ, những người có trách nhiệm, các chuyên gia. Trong số các vụ việc, có trường hợp là hậu quả của sự dại dột, bồng bột vì những cảm xúc bột phát như vụ việc ba nữ sinh lớp 7 ở Nghệ An rủ nhau ăn lá ngón vì bị gia đình nói nặng lời, nhưng cũng có trường hợp là sự dồn nén ức chế tích tụ từ lâu mà gia đình hoặc thờ ơ thiếu quan tâm nên không biết, hoặc cố tình lờ đi, áp đặt quan điểm, tư duy của người lớn…
Vào Google gõ từ khóa “chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh”, chỉ trong vòng 0,46 giây có tới 55,4 nghìn kết quả. Rất nhiều bài báo, công trình nghiên cứu… về vấn đề này đã chỉ ra trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần học sinh đang gia tăng nhanh chóng như stress, lo âu, trầm cảm, tự tử, vấn đề “Hysteria tập thể”, các rối loạn dạng cơ thể... Trên thế giới có khoảng 10-20% trẻ em và thanh thiếu niên bị các rối loạn tâm thần. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15-29 trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông.
Thực tế tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều. Theo một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Các rối loạn tâm thần là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở thanh thiếu niên. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, học tập và sinh hoạt.
Một bài trên báo Sức khỏe và Đời sống mới đây cho biết: khảo sát của WHO ở 130 quốc gia cho thấy sự nghiêm trọng của việc chưa quan tâm đúng mức đến chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường và điều này cần phải thực hiện ngay, không thể trì hoãn. Trong khuôn khổ nội dung Hội thảo Thắp lửa cùng tiến lên 2022 của Mạng lưới các nhà quản lý giáo dục không biên giới tổ chức ngày 27 và 28-3 vừa qua, “Sức khỏe tâm thần học đường” là một trong những chủ đề quan trọng và nhận được sự quan tâm đặc biệt. Theo các chuyên gia, đại dịch COVID-19 không phải là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong trường học, nhưng khi đại dịch tràn qua trường học thì đã phơi bày với những vấn đề về sức khỏe học đường cần giải quyết ngay, không thể trì hoãn.
Các chuyên gia chỉ ra rằng lo lắng, căng thẳng hay chỉ đơn giản buồn chán là dấu hiệu chứng tỏ trẻ em đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, những dấu hiệu này đôi khi bị cha mẹ bỏ qua, không lưu tâm. Hoặc bố mẹ vì những áp lực với chính bản thân mình mà không kiểm soát được cảm xúc khi trách phạt, đánh giá con cái dẫn đến những cảm xúc tiêu cực ở trẻ con mà việc khắc phục, giải tỏa hay giải quyết hậu quả vô cùng khó khăn, thậm chí không thể sửa chữa!
Chỉ còn rất ít thời gian nữa là kết thúc năm học 2021-2022, các học sinh cuối cấp lại chuẩn bị bước vào các kỳ thi quan trọng của đời học sinh. Các em vừa trải qua một năm học vô cùng vất vả với nhiều vấn đề phức tạp và nhiều hệ lụy tâm lý do phải học online kéo dài. Đã có nhiều vụ việc đau lòng học sinh tự tử do không chịu được những áp lực từ gia đình, bạn bè vì kết quả thi không như kỳ vọng từ những năm học trước. Đặc biệt là những vụ việc xảy ra mới đây. Đó là lời cảnh tỉnh đau xót mà nóng sốt đối với những bậc làm cha mẹ trước kỳ thi tới đây. Cần làm gì, đồng hành cùng con như thế nào để con thực sự có được chỗ dựa tâm lý an toàn, tin cậy trong thời điểm quan trọng và hết sức nhạy cảm này? Không gây áp lực thêm cho con cái bằng những mục tiêu, kế hoạch được lập trình cứng nhắc của bố mẹ theo quan điểm “người lớn từng là trẻ con nhưng trẻ con thì chưa bao giờ là người lớn”. Con cái còn rất nhiều thời gian và cơ hội để có thể thực hiện các mục tiêu của cuộc đời./.
Vân Thi