Trong điều kiện dịch COVID-19 phức tạp, thời gian qua việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh luộn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể; sự ủng hộ tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Các hoạt động hiếu, hỷ đều bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch, đồng thời vẫn giữ đầy đủ các nghi lễ cần thiết theo phong tục.
Cô dâu, chú rể thắp hương trước tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (thành phố Nam Định). Ảnh: Viết Dư |
Đầu tháng 2 vừa qua, gia đình chị PhạmThị Hương ở đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) tổ chức lễ cưới cho con gái. Vì để bảo đảm quy định phòng chống dịch nên đám cưới của đôi bạn trẻ chỉ có anh em, họ hàng thân thuộc tham dự. Với bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm của gia đình, chị Hương có thông báo nhưng xin phép thông cảm, hẹn sẽ báo hỷ vào thời gian tới khi dịch đã được khống chế hoàn toàn. Mọi người đều vui vẻ chúc phúc cho đôi trẻ, chúc mừng gia đình. Đám cưới tuy ít người tham dự nhưng vẫn đầy đủ các thủ tục, lễ nghi theo truyền thống, cô dâu chú rể hạnh phúc trọn vẹn trong ngày vui. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài hai năm nay, để bảo đảm an toàn, cũng giống như chị Hương, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đám cưới gọn nhẹ. Thậm chí, một số cặp đôi đã tạm gác niềm vui riêng bằng việc hoãn đám cưới hay chỉ đăng ký kết hôn mà không tổ chức tiệc ăn uống để góp phần chống dịch, vì lợi ích chung của cộng đồng. Quyết định này của các gia đình đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của họ hàng, bạn bè và cộng đồng dân cư. Với các gia đình không may có người thân mất trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc tổ chức các đám hiếu theo lễ nghi truyền thống ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn vì nhiều thủ tục với quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”. Tuy nhiên, các tang chủ đều chọn hình thức tổ chức phù hợp, vừa bảo đảm lễ nghi truyền thống, đồng thời chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Có gia đình có người thân mất trong giai đoạn địa phương đang thực hiện giãn cách, đám hiếu được tổ chức với chỉ con, cháu tham gia. Sau khi tự thực hiện các nghi lễ truyền thống, gia đình đưa người mất đi hỏa táng và hết thời gian giãn cách mới tổ chức lễ tang, họ hàng, hàng xóm đến phúng viếng chia buồn. Thời điểm hiện tại, dù quy định phòng chống dịch đã được nới lỏng theo tình hình mới nhưng trong các lễ tang vẫn hạn chế tập trung đông người để tránh dịch bệnh lây lan. Qua tìm hiểu thực tế, khi các gia đình có đám hiếu, hỷ, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đều đến từng nhà nhắc nhở thực hiện các quy định phòng dịch, ký cam kết không tổ chức đông người quá phạm vi quy định. Hầu hết các gia đình cũng đều chấp hành nghiêm túc quy định của địa phương nhằm đảm bảo an toàn cho gia đình và xã hội.
Để kịp thời hướng dẫn người dân tổ chức các hoạt động hiếu, hỷ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có hướng dẫn việc tổ chức tang lễ, đám cưới trên địa bàn tỉnh trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Trong đó, đối với việc cưới chưa ấn định ngày tổ chức, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân cân nhắc hoãn, lùi thời gian phù hợp để tổ chức đám cưới, hỏi vào thời điểm thích hợp. Khuyến khích sử dụng hình thức báo hỷ. Đối với đám cưới đã ấn định ngày tổ chức, vận động gia đình chỉ tổ chức đám cưới trong một ngày; hạn chế tối đa quy mô, số lượng khách mời tham dự đám cưới. Đối với việc tang, tuyên truyền, vận động người dân rút ngắn thời gian tổ chức lễ tang; hạn chế tối đa số người phục vụ, tham dự lễ tang, tránh tập trung đông người theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19. Gia đình có người tử vong phối hợp với Ban tổ chức lễ tang thông tin cho các cơ quan, đoàn thể, họ hàng, bạn bè hạn chế tối đa người đến viếng, cử người đại diện tham dự lễ tang để tránh tập trung đông người theo quy định về phòng, chống dịch. Nghiêm túc thực hiện văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành về phòng, chống dịch, các địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, đảm bảo thích ứng với diễn biến, tình hình dịch bệnh tại địa phương. Trong đó, phát huy vai trò, các thành viên của tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, tổ liên gia tự quản trực tiếp đến từng gia đình có việc hiếu, việc hỷ để tuyên truyền, hướng dẫn cách tổ chức hợp lý, đúng quy định. Đối với các cặp đôi đến đăng ký kết hôn, các xã, phường đã tăng cường tuyên truyền, vận động các cặp đôi tạm dừng hoặc lùi thời gian tổ chức tiệc cưới vào thời điểm thích hợp; khuyến khích dùng hình thức báo hỷ thay cho việc mời khách đến dự lễ cưới; tổ chức cưới gọn nhẹ, hạn chế thành phần, đảm bảo an toàn phòng dịch...
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của một số địa phương, người dân vẫn còn có những biểu hiện chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Vẫn có những đám cưới, đám tang tổ chức dài ngày với đông người tham dự, không đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp trong tuyên truyền tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát trong việc cưới, việc tang nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho cộng đồng và thiết thực xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh./.
Hồng Minh