Trong phát triển kinh tế, huyện Xuân Trường chủ trương từng bước phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ, phù hợp tình hình mới, từ đó nâng cao đời sống nhân dân.
Dây chuyền lốc ống inox tự động của Công ty TNHH Hiền Hoa, Cụm công nghiệp Xuân Tiến. |
Ngay sau năm đầu tái lập, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về phát triển CN-TTCN. Triển khai các Nghị quyết, UBND huyện đã ban hành kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết thành chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện; đồng thời thường xuyên bổ sung, cập nhật các chủ trương nhiệm vụ mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; coi trọng công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ đánh giá kết quả triển khai thực hiện của huyện và các cơ quan, đơn vị, địa phương. Với những giải pháp và chính sách cụ thể, huyện đã tổ chức điều chỉnh quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm chất lượng hiệu quả và tiến độ làm cơ sở để triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung… trên địa bàn, tạo điều kiện phát triển CN-TTCN, thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Bên cạnh đó, để doanh nghiệp phát triển, huyện luôn tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất và cơ chế chính sách thu hút đầu tư. Trong đó, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của Trung ương, tỉnh, nhất là các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế… Cùng với đó, huyện nghiên cứu vận dụng các quy định pháp luật để xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư của huyện, nhất là về công tác quy hoạch, về mặt bằng sản xuất, kinh doanh; đồng thời tranh thủ quỹ khuyến công các cấp, sự phát triển của khoa học công nghệ để đầu tư, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp; các mô hình trình diễn kỹ thuật, các hoạt động chuyển giao công nghệ, vật liệu mới, nhất là trong ngành cơ khí, đóng tàu, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống… Bà Mai Thị Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Hiền Hoa, Cụm công nghiệp Xuân Tiến mở rộng cho biết: Được sự tạo điều kiện của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, từ một cơ sở sản xuất, kinh doanh hộ gia đình, năm 2021, bà đã mạnh dạn vay vốn đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Công ty đã thuê mặt bằng với diện tích hơn 4.600m2; đầu tư thiết bị công nghệ mở rộng quy mô sản xuất… Đến nay, Công ty đã đi vào sản xuất ổn định với các sản phẩm gia công chủ lực từ inox phục vụ xây dựng công trình, sản xuất đồ gia dụng và công nghiệp. Hiện công ty đang tạo việc làm cho gần 100 lao động với thu nhập bình quân từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng đối với thợ thủ công, và từ 8-10 triệu đồng/người/tháng đối với công nhân kỹ thuật. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện từ năm 2007, đến nay Công ty cổ phần Thương mại Xuân Hương, thị trấn Xuân Trường ngày càng phát triển mở rộng. Giám đốc Công ty Nguyễn Xuân Hương cho biết: “Từ năm 2017-2018, được sự tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, Công ty đã mở rộng lĩnh vực hoạt động về đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, Công ty đã được UBND huyện Xuân Trường cấp phép đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Xuân Tiến 2 mở rộng với quy mô 9,8ha, tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Đến nay, Cụm công nghiệp đã hoàn thành và thu hút hơn 20 doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất lấp đầy 70% diện tích”.
Với việc tạo điều kiện về cơ chế chính sách, sản xuất CN-TTCN từ chỗ nhỏ lẻ, phân tán đã được tập trung phát triển với các ngành chủ yếu là cơ khí, đóng tàu, dệt may, chế biến lâm sản… Từ một huyện thuần nông, huyện Xuân Trường đã trở thành điểm sáng của tỉnh Nam Định về phát triển CN-TTCN. Đến nay, toàn huyện có 4 cụm công nghiệp với diện tích 52ha, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề, các doanh nghiệp phát triển; các làng nghề thủ công truyền thống được duy trì và phát triển. Thời điểm tái lập, toàn huyện chỉ có 13 doanh nghiệp và trên 100 cơ sở, kinh doanh; đến nay đã có trên 2.700 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang hoạt động giải quyết việc làm cho trên 27 nghìn lao động với thu nhập ổn định. Giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2021 (theo giá so sánh 2010) đạt 6.726 tỷ đồng, tăng hơn 113 lần so với năm 1997 (59,2 tỷ đồng), cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 66,38% trong cơ cấu kinh tế của huyện. CN-TTCN phát triển đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ cũng như phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, năng động, tăng cả về số lượng, chất lượng; thị trường được mở rộng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nhân dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Năm 2021, giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 38,7 triệu USD, tăng 35,2 lần so với năm 1997; thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn đạt 266,95 tỷ đồng, gấp 12,6 lần so với năm 1997 (21,2 tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế có những bước chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng nông nghiệp đã giảm từ 47,3% xuống còn 10,33%; công nghiệp tăng từ 21,9% lên 66,38%; cơ cấu kinh tế của huyện năm 2021 là công nghiệp - xây dựng 66,38%, dịch vụ 23,29%, nông nghiệp 10,33%. Với đóng góp của CN-TTCN, thương mại, dịch vụ, tính đến hết năm 2021, quy mô nền kinh tế tăng gần 16 lần so với năm 1997; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm đạt trên 10%.
Xác định phát triển CN-TTCN, thương mại, dịch vụ là khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến 2025 và những năm tiếp theo, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; nâng cao đời sống nhân dân. Thời gian tới, huyện Xuân Trường tập trung cao độ sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự phối hợp hành động của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận tham gia của nhân dân; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện và các địa phương, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Huyện cũng xác định phát triển CN-TTCN, thương mại, dịch vụ phải tuân thủ và phát huy hiệu quả của các quy hoạch có liên quan; đảm bảo cân đối ngành nghề, vùng miền. Vừa khai thác tốt các địa bàn có lợi thế về vị trí địa lý, vừa quan tâm thu hút đầu tư vào những địa bàn khó khăn chậm phát triển; vừa chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống có lợi thế cạnh tranh, vừa ưu tiên phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ và thu hút những ngành nghề, dự án lớn có khả năng tạo ra chuỗi sản xuất và cung ứng, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn