Sau 25 năm tái lập huyện, từ một huyện thuần nông, xuất phát điểm nền kinh tế thấp, đến nay huyện Giao Thủy đã xây dựng được cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở khai thác và phát huy những lợi thế về lao động và tiềm năng tự nhiên của một huyện ven biển.
Trung tâm thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ). |
Đồng chí Doãn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhằm đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, huyện Giao Thủy đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể; trong đó ưu tiên phát triển giao thông nông thôn, các tuyến đường trục huyết mạch kết nối các miền của huyện. Công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng được thực hiện theo đúng quy định, đặc biệt là quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở từng xã, thị trấn và quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những phân khu chức năng và các định hướng phát triển. Huyện đã lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch đô thị thị trấn Quất Lâm đến năm 2030, Quy hoạch chung xây dựng đô thị Đại Đồng; tham gia, góp ý các Quy hoạch chung của tỉnh như: Quy hoạch liên vùng Giao Thủy - Hải Hậu; Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Kết cấu hạ tầng nông thôn của huyện được quan tâm đầu tư, phát triển nhanh, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, chợ… Nhiều công trình, dự án quan trọng đã hoàn thành như tỉnh lộ 489, Quốc lộ 37B, nhất là dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển có đoạn qua địa bàn huyện; dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (đang triển khai các bước thủ tục đầu tư) đã không chỉ khắc phục địa thế “cụt” về giao thông mà còn mở ra cơ hội lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Có thể nói, sau khi hạ tầng giao thông được đột phá đầu tư, cơ hội kết nối giữa huyện Giao Thủy với các vùng kinh tế lớn, trọng điểm năng động như Quảng Ninh, Hải Phòng được mở ra, tạo cơ hội rất lớn để huyện nhà bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Huyện đã chủ động tuyên truyền, quảng bá về những lợi thế mới và các tiềm năng đang đợi được đánh thức cùng những cam kết của huyện tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đón đầu cơ hội lớn khi hàng loạt công trình giao thông huyết mạch được triển khai. Huyện Giao Thủy đã hoàn thành và đưa vào khai thác hàng loạt công trình, dự án nâng cấp, cải tạo giao thông nông thôn, trọng điểm; hệ thống cung cấp điện đảm bảo 100% hộ gia đình và các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong huyện được sử dụng điện lưới quốc gia với chất lượng ổn định. Hệ thống cấp nước cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Những công trình xây dựng cơ bản đã phát huy hiệu quả, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, diện mạo nông thôn từng bước thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh. Nền kinh tế phát triển với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đến năm 2021, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 57,95%; nông - lâm - thủy sản chiếm 42,05%. So với thời điểm mới tái lập huyện năm 1997, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 6.250 tỷ đồng năm, tăng 148 lần; thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 770 tỷ đồng, tăng gần 74 lần; thu nhập bình quân đầu người thực tế đạt 70 triệu đồng, tăng 28,4 lần.
Thời gian tới, huyện Giao Thuỷ chủ trương tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh sớm hoàn thành các đồ án quy hoạch trọng tâm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như Quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070; Quy hoạch 2 bên tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện; Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch,… Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của huyện, đảm bảo tiến độ kế hoạch năm 2022, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm; các CCN Giao Thiện, Giao Yến 1 và khu dân cư tập trung tại các xã, thị trấn... Triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 sẽ đầu tư xây dựng 2 Khu công nghiệp là Hải Long diện tích khoảng 1.100ha và Tân Thịnh khoảng 400ha. Đồng thời quy hoạch phát triển 11 cụm công nghiệp (CCN). Trong đó CCN Thịnh Lâm (đã hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 1); CCN Giao Thiện (đã được UBND tỉnh Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư); các CCN Giao Yến 1, Giao Xuân đang triển khai các bước đầu tư. Tập trung phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn theo quy hoạch đã được duyệt. Ngoài 2 đô thị hiện hữu là các thị trấn Ngô Đồng, Quất Lâm, huyện đang lập quy hoạch đô thị Đại Đồng. Phấn đấu đến năm 2025, đô thị Quất Lâm trở thành đô thị loại IV, Đô thị Đại Đồng thành đô thị loại V; đến năm 2030 mở rộng thị trấn Ngô Đồng (bao gồm thị trấn Ngô Đồng và xã Hoành Sơn) và phát triển thêm 8 đô thị loại V để phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại 3. Tích cực triển khai, xây dựng các tuyến đường trục chính, có tính kết nối, liên thông giữa các xã, thị trấn trong huyện với tuyến đường bộ ven biển và tuyến đường trục mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; 4 tuyến đường huyết mạch của huyện, gồm: Tuyến đường Cồn Nhì - Giao Thiện (ven sông Hồng); tuyến đường Lạc - Lâm; tuyến đường Cồn Nhất - Chợ Vọng và tuyến đường Giao Tiến - Giao Tân - Giao Thịnh (ven sông Sò); kè các tuyến sông chính, đồng thời nâng cấp, mở rộng các tuyến đường liên xã, phấn đấu cơ bản hoàn thành đồng bộ hệ thống giao thông của huyện đến năm 2025 theo hướng hiện đại. Chú trọng phát triển du lịch sinh thái, đảm bảo hài hòa giữa khai thác và bảo tồn Vườn quốc gia Xuân Thủy; xây dựng trung tâm du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng trên địa bàn đô thị Quất Lâm (thuộc địa bàn thị trấn Quất Lâm và các xã Giao Phong, Giao Thịnh).
Phát huy truyền thống quê hương anh hùng và thành tựu sau 25 năm tái lập huyện, đón đầu cơ hội lớn để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo, huyện Giao Thuỷ đang nỗ lực để có bước đột phá mạnh về phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phấn đấu đưa huyện Giao Thủy ngày càng đổi mới, phát triển, giàu đẹp và văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo./.
Bài và ảnh: Thành Trung