Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp giúp hội viên, đặc biệt là phụ nữ nông thôn tiếp cận với công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, từ đó góp phần giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Hội viên phụ nữ xã Nam Phong (thành phố Nam Định) phát triển nghề trồng quất truyền thống đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định. |
Mặc dù có kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm nay, nhưng mỗi khi được Hội Phụ nữ xã thông báo tổ chức lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi là chị Nguyễn Thị Hoa, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) đều tích cực tham gia. Theo chị Hoa, tham gia các lớp tập huấn chị được cung cấp nhiều kiến thức mới cần thiết và bổ ích, bởi nếu chỉ rút kinh nghiệm trong quá trình tự làm không thôi thì chưa đủ. Những kiến thức học được đã giúp chị thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, tăng hiệu quả sản xuất. Theo tính toán, năm 2021, nhờ áp dụng nhiều phương pháp nuôi trồng mới, trang trại VAC của gia đình chị đã cho năng suất gấp 1,5 lần so với năm trước, sau khi trừ chi phí có thu nhập trên 300 triệu đồng. Tham gia lớp học may công nghiệp do Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh tổ chức, chị Trần Thị Hằng, xóm Xuân An, xã Hải Hòa (Hải Hậu) được các giáo viên tận tình hướng dẫn từ các bước cơ bản như sử dụng máy may, xỏ chỉ, đánh suốt… cho đến các công đoạn nâng cao, ráp hoàn chỉnh các loại quần áo thời trang. Sau khóa học, chị Hằng mạnh dạn mở xưởng may quần áo, tạo việc làm thường xuyên cho 35-40 lao động với mức lương từ 4,5-7 triệu đồng/người/tháng. “Việc tham gia lớp học nghề may của Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh đã thực sự làm “thay đổi” cuộc sống, kinh tế của gia đình tôi”, chị Hằng chia sẻ.
Chị Hoa, chị Hằng chỉ là 2 trong số hàng nghìn hội viên phụ nữ nông thôn được các cấp Hội tạo điều kiện cho tham gia các lớp học nghề, bồi dưỡng kiến thức sản xuất, kinh doanh và áp dụng thành công vào thực tế sản xuất của gia đình trong thời gian qua. Xác định giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, hàng năm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, vận động lao động nữ tham gia học nghề; chỉ đạo Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh, các cơ sở Hội khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch, mở lớp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng; phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ nông thôn thông qua tập huấn, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Trong năm 2021, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp, liên kết với các ngành, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh mở 75 lớp học các nghề: may công nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, thêu ren, dệt thủ công, thu hút 2.204 lao động, trong đó có 1.895 phụ nữ có việc làm sau đào tạo, đạt 86%. Qua các lớp dạy nghề, học viên được tiếp cận với những kiến thức khoa học, kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, nắm vững các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cách tổ chức mô hình kinh tế hợp lý, từ đó phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Cùng với dạy nghề, các cấp Hội Phụ nữ còn phối hợp với ngành chức năng thành lập nhiều mô hình HTX, tổ phụ nữ liên kết phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho hội viên phụ nữ nông thôn như: Tổ phụ nữ liên kết sản xuất lúa chất lượng cao trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Giao Hà (Giao Thủy); sản xuất hàng cói xã Nghĩa Đồng, nuôi trồng thủy sản và rau màu sạch xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); sản xuất rau an toàn tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường)…; các HTX: Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Minh, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng); Thủ công mỹ nghệ tại xã Trực Thanh (Trực Ninh), Hoa và rau Long Hải, xã Nam Cường (Nam Trực); Nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản Hải Đăng, xã Hải Lý (Hải Hậu)… Thông qua hoạt động của các tổ liên kết, tổ hợp tác, HTX đã góp phần giới thiệu, quảng bá, kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nữ khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các cấp còn chú trọng khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay để phát triển kinh tế và tạo việc làm. Đến nay, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã đứng ra tín chấp, nhận ủy thác từ các kênh ngân hàng trên 2.900 tỷ đồng, hỗ trợ cho 386.928 hộ vay tại 7.709 tổ tiết kiệm và vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ các hoạt động hỗ trợ vay vốn, tư vấn, giới thiệu việc làm, nhiều hội viên phụ nữ nông thôn đã vươn lên thoát nghèo, trở thành chủ các xưởng sản xuất, giám đốc các doanh nghiệp... tạo việc làm cho nhiều hội viên, phụ nữ tại địa phương. Tiêu biểu là chị Trần Thị Hiền, xóm 1, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc), tận dụng nguồn vải thừa từ khu công nghiệp, mở xưởng may các sản phẩm quần áo trẻ con, gối… tạo việc làm cho 30 lao động nữ với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Chị Hoàng Thị Oanh, xóm 2, xã Xuân Phương (Xuân Trường), khởi nghiệp từ cây cói với các sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường xuất đi các nước châu Âu, tạo việc làm cho gần 300 phụ nữ; hàng năm, trừ chi phí thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Chị Lưu Liên Phương, xóm Giáp Nội, xã Hải Bắc (Hải Hậu) mở xưởng làm bánh nhãn, phát triển thương hiệu “Bánh nhãn tết Vua” được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020, tạo việc làm cho 10 lao động nữ địa phương với thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Phạm Thị Hoa, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định) tạo việc làm cho 30-40 lao động. Chị Đặng Thị Hương, xóm Tạo, xã Nam Hùng (Nam Trực) mạnh dạn khởi nghiệp từ sản phẩm mầm đậu đen rang tốt cho sức khỏe được thị trường tin dùng, tạo việc làm cho 15 lao động nữ với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng…
Với sự quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ của Hội LHPN tỉnh đã tạo cơ hội cho nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn có việc làm ổn định, nâng cao đời sống, giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, việc làm, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời kỳ mới./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên