Lan tỏa trào lưu đọc sách điện tử

04:03, 11/03/2022

Ngày nay, chỉ bằng những thao tác đơn giản trên thiết bị điện tử như máy tính, laptop, điện thoại thông minh, người đọc có thể dễ dàng tiếp cận với rất nhiều cuốn sách và cập nhật thông tin nhanh nhạy, mọi lúc mọi nơi. Sự tiện ích này đã mở ra xu hướng mới và lan tỏa rộng khắp hơn phong trào đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt là với giới trẻ trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp.

Nhiều học sinh trên địa bàn thành phố Nam Định kết hợp sách truyền thống và mạng internet để phục vụ cho việc học.
Nhiều học sinh trên địa bàn thành phố Nam Định kết hợp sách truyền thống và mạng internet để phục vụ cho việc học.

Thực tế cho thấy, sách điện tử ngày càng được nhiều người ưa thích. Sách điện tử cho phép người dùng có thể đọc trực tuyến hoặc tải xuống các thiết bị điện tử. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hoặc một chiếc máy tính bảng, người đọc đã có thể lưu chứa cả cuốn sách điện tử, tùy vào dung lượng bộ nhớ của thiết bị. Thay vì cầm theo sách để đọc khi rảnh rỗi, nhiều người đã chuyển sang đọc trực tuyến trên internet. Sự tiện ích này đã mở ra xu hướng mới và lan tỏa phong trào đọc sách. Những lúc rảnh rỗi, anh Trần Văn Trung, nhân viên bảo vệ tại thành phố Nam Định thường mở điện thoại đọc những truyện ngắn hoặc tin tức báo chí trong ngày. Việc đọc sách không chỉ giúp anh cập nhật thêm nhiều kiến thức mới trong cuộc sống mà còn khiến công việc bảo vệ bớt nhàm chán, buồn tẻ. Tối về nhà, anh vẫn duy trì việc đọc sách cùng con. Anh cho biết: “Ngoài cho con đọc, học các bài trên mạng internet thì tôi vẫn mua sách truyền thống cho con để con có thể kết hợp giữa sách truyền thống và internet để việc tìm kiếm thông tin phục vụ cho việc học đạt hiệu quả tốt nhất”. Bên cạnh duy trì thư viện truyền thống, nhiều nhà trường cũng thường xuyên đăng tải các kiến thức, bài học bổ ích lên trang web của trường để học sinh có thể vận dụng vào việc học một cách tốt nhất và tránh nhàm chán. Em Nguyễn Phương Anh hiện đang là học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) cho biết: “Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Kết thúc việc học ở trường em chỉ học tại nhà, hạn chế đi ra ngoài nên việc sử dụng mạng internet để đọc, tìm tòi tài liệu hỗ trợ em rất nhiều”. Một điểm đặc biệt khác của việc đọc sách điện tử đó là độc giả có thể nêu ý kiến, nhận xét, bình luận, nêu cảm nhận về cuốn sách mình đã đọc và có thể chia sẻ những cuốn sách mình yêu thích lên các trang mạng xã hội như zalo, facebook... Chính điều đó đã lan tỏa tích cực hơn phong trào đọc sách điện tử trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nếu không tính giá thành của thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại...) và cả những bản sách điện tử cho phép người đọc tải về miễn phí thì chi phí cho việc mua sách điện tử thông thường chỉ bằng khoảng 15-30% so với sách in. Đây được xem là một lợi thế rất lớn. Sách điện tử còn có thể phóng to cỡ chữ; sử dụng phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói phù hợp với người già, người khiếm thị. Ngoài việc đọc sách điện tử, người đọc có thể tìm đọc tài liệu trên các trang mạng internet, các trang thông tin điện tử một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Tuy nhiên, so với thư viện truyền thống thì các thông tin tìm kiếm trên internet cũng còn nhiều hạn chế. Những thông tin, tài liệu có giá trị, quý hiếm không phải lúc nào cũng được hiện hữu và cung cấp miễn phí trên internet. Hơn nữa, những thông tin trên internet thường không được chọn lọc, thiếu độ tin cậy và chính xác. Thậm chí có những thông tin trên internet đã lỗi thời, không được cập nhật; thông tin phần lớn chỉ được lưu trữ dưới 15 năm. Chính vì vậy, người đọc cần lựa chọn đọc sách, thông tin ở những trang mạng uy tín, có độ tin cậy cao. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng đọc sách điện tử không có sự tập trung cao khi bị làm phiền bởi các thông báo, tin nhắn, email… hay việc đọc sách trên điện thoại trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến thị lực. Tuy vậy, không thể phủ nhận việc đọc sách online ngày càng được nhiều người lựa chọn bởi sự nhanh nhạy và sự tiện dụng.

Thực tế cho thấy, đọc sách điện tử hay sách giấy truyền thống đều là những phương tiện không thể thiếu để cung cấp thông tin, kiến thức trong cuộc sống cho người đọc. Với những bạn đọc trẻ không có nhiều thời gian và điều kiện để đọc sách giấy thì có thể tìm đến các trang thông tin điện tử, sách điện tử... Ngược lại, có những người lại cảm thấy thú vị hơn khi đọc sách in truyền thống, để được tận hưởng cảm giác thú vị khi lật từng trang sách thơm mùi giấy, mực. Do đó, sách điện tử và sách giấy sẽ cùng song hành phát triển, hướng tới mục tiêu đưa nhiều cuốn sách hay, nhiều thông tin bổ ích đến với bạn đọc và góp phần nâng cao văn hóa đọc trong xã hội./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com