Sức khỏe học đường là vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm, bởi hiện nay, học sinh gặp phải không ít áp lực tâm lý từ học hành, bạo lực học đường, sức khỏe sinh sản... Hàng năm, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vẫn đề cập tới một tỷ lệ không nhỏ trẻ em lứa tuổi học đường mắc các bệnh, tật học đường như cận thị, cong vẹo cột sống và một số bệnh do gánh nặng học tập, điều kiện xã hội, kinh tế phát triển như tình trạng thừa cân, béo phì ở học sinh, rối loạn tâm thần học sinh, bệnh răng miệng... Đặc biệt, gần đây nổi lên vấn nạn bạo lực học đường.
Hoạt động chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ tại Trường Mầm non Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) được thực hiện đúng theo quy định phòng, chống dịch COVID-19. |
Trước xu thế chung của các nước trong khu vực và trên thế giới, đó là trường học không chỉ là nơi để học văn hóa, mà còn là nơi tập trung rèn luyện nâng cao sức khỏe, thay đổi hành vi lối sống cho học sinh thông qua việc chăm sóc sức khỏe học đường, rèn luyện kỹ năng sống, cải thiện môi trường học tập nhằm tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh, đẩy lùi “ô nhiễm” môi trường học đường.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai các nhiệm vụ về y tế trường học, nhằm từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe học sinh. Hàng năm, Ban Chỉ đạo Chương trình y tế trường học từ tỉnh đến cơ sở được thành lập, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ học sinh. Ngành GD và ĐT và ngành Y tế đã phối hợp để đưa công tác y tế trường học trở thành hoạt động thường xuyên trong các nhà trường. Các chương trình: Phòng, chống bệnh mắt hột học đường, nha học đường, vệ sinh trường học (với các công tác: vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng học và các phòng chức năng, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý và chăm sóc sức khỏe học sinh) đã có tiến bộ vượt bậc. Hàng năm, các nhà trường tổ chức khám sức khỏe toàn diện cho học sinh đạt tỷ lệ 97-99%; trong đó, một số đơn vị nhiều năm liền giữ vững đơn vị “điểm sáng” trong công tác y tế học đường như: Thành phố Nam Định, Nam Trực, Hải Hậu.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác y tế học đường vẫn còn các tồn tại: Phòng Y tế một số nhà trường xuống cấp; tài liệu tuyên truyền chưa được cập nhật mới, thiếu chủng loại; công tác đào tạo đội ngũ cán bộ y tế trường học chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều cán bộ y tế xã, y tế trường học chưa thực hiện được các kỹ thuật chữa trị cơ bản như khoan, hàn răng. Số học sinh THCS bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) chiếm tỷ lệ cao (trên 30%). Các bệnh, tật khác như cong vẹo cột sống, tim mạch, rối loạn tâm thần lứa tuổi học đường... chủ yếu còn dựa vào y tế cơ sở (y tế xã và y tế trường học) nên việc quản lý bệnh còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện toàn tỉnh có 727 cơ sở giáo dục, trong đó có 497 cơ sở giáo dục phổ thông và 230 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 450 nghìn học sinh. Để công tác chăm sóc sức khỏe học sinh ngày càng tốt hơn và phòng chống hiệu quả một số bệnh, tật phổ biến ở lứa tuổi học đường, ngành GD và ĐT và ngành Y tế đã phối hợp triển khai một số chương trình, dự án chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho học sinh như phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, vệ sinh thực phẩm..., đặc biệt là triển khai các hoạt động như: Nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học; truyền thông nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh, tật học đường; giám sát đánh giá thực hiện công tác y tế học đường. Để nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học, ngành GD và ĐT và ngành Y tế đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế làm công tác y tế trường học tại các tuyến về công tác y tế trường học, kỹ thuật giám sát yếu tố vệ sinh trường học; khám, phân loại và quản lý sức khỏe học sinh; phòng chống bệnh tật và nâng cao sức khỏe học sinh; tập huấn cho cán bộ theo dõi y tế trường học tại các trạm y tế xã; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ theo dõi y tế trường học của các phòng GD và ĐT về nghiệp vụ công tác y tế trường học, phòng chống bệnh tật và nâng cao sức khỏe học sinh. Để truyền thông nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật học đường, 2 ngành Y tế, GD và ĐT đã phối hợp xây dựng mô hình điểm truyền thông giáo dục sức khỏe và phòng chống bệnh tật học đường ở cả 4 cấp học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT theo hướng tiếp cận nâng cao sức khỏe (xây dựng môi trường học tập lành mạnh, truyền thông phòng chống các loại bệnh tật học đường, hỗ trợ cải thiện điều kiện vệ sinh trường học, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe học sinh...), xây dựng tài liệu truyền thông, tổ chức thi tìm hiểu về kiến thức phòng chống bệnh tật học đường..., từ đó nhân rộng mô hình tại các CSGD. Để giám sát đánh giá thực hiện công tác y tế học đường, cả 2 ngành Y tế, GD và ĐT đã phối hợp thực hiện giám sát các yếu tố vệ sinh trường học theo quy định và giám sát thanh tra, kiểm tra hoạt động y tế trường học từ bậc tiểu học đến THPT trong tỉnh định kỳ mỗi năm học.
Tuy nhiên, sức khỏe học đường vẫn đang là vấn đề rất cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho các em, trong đó bao gồm dinh dưỡng và bữa ăn học đường, nước sạch và vệ sinh trường học, bệnh học đường, giáo dục thể chất và thể thao trường học. Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD và ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Ngày 2-10-2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh trong các CSGD mầm non và phổ thông. Mục tiêu Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 hướng đến là duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các CSGD mầm non và phổ thông, nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh. Chương trình đề ra 5 nhóm nội dung quan trọng, tương ứng với đó là các chỉ tiêu cụ thể và 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp tích cực nhằm mở ra hướng đi mới cho công tác chăm sóc sức khỏe học đường. Chương trình cũng được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho trường học, để chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ trẻ em khoẻ mạnh, năng động, trưởng thành đúng như mục tiêu của giáo dục phổ thông được quy định trong Luật Giáo dục 2019 là: nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo cho người học.
Mới đây, Sở GD và ĐT đã xây dựng dự thảo Kế hoạch Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Để Chương trình được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh, ngành GD và ĐT và ngành Y tế cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong thực hiện. Gia đình và nhà trường cần liên hệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, có trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, coi sức khỏe học sinh là “đối tượng” phục vụ đặc biệt và coi việc chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang với sức khỏe thể chất, đặc biệt là các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 để có các giải pháp phù hợp. Đặc biệt, ngành GD và ĐT cần chú trọng phát triển hơn nữa các hoạt động rèn luyện thể chất trong nhà trường; tăng cường rèn luyện kỹ năng sinh tồn, kỹ năng sống cho học sinh; tập trung cải thiện điều kiện cơ sở vật chất trường học, quy hoạch các điểm trường đảm bảo hiệu quả, khoa học, hợp lý; cải thiện hệ thống nhà vệ sinh trường học, cơ sở vật chất để có môi trường rèn luyện thể chất. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và của Bộ GD và ĐT. Mở cửa trường học nhưng phải thích ứng an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh COVID-19. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác y tế trường học, tăng hiệu quả nguồn kinh phí dành cho hoạt động y tế trường học, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe cho học sinh, gia đình và cộng đồng, góp phần thực hiện thành công Chương trình Sức khỏe học đường./.
Bài và ảnh: Minh Thuận