Xác định kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn, thời gian qua Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Điều lệ Công đoàn; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp đoàn viên; xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.
Công đoàn Công ty TNHH May Việt Thuận, Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định) kiểm tra hoạt động sản xuất của công nhân, lao động. |
Kiểm tra, giám sát là một trong những quyền quan trọng của tổ chức công đoàn nhằm thực hiện chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Qua các hoạt động kiểm tra, giám sát, các cấp Công đoàn nắm được tình hình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế dân chủ ở cơ sở, nắm thực tế đời sống, lao động, việc làm; việc thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động đối với người lao động. Xác định được tầm quan trọng đó, các cấp Công đoàn trong tỉnh thường xuyên khảo sát, nắm tình hình đời sống, việc làm; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đến công nhân, viên chức, lao động và phản biện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp với thực tiễn, từ đó kiến nghị những nội dung thiết thực, phù hợp với pháp luật và đời sống xã hội. Để thực hiện tốt công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo cho người lao động, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã ban hành và niêm yết công khai nội quy tiếp đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Các tổ chức công đoàn cơ sở đã chủ động bố trí thời gian tiếp công nhân, viên chức, lao động khi có yêu cầu. LĐLĐ duy trì lịch tiếp cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động vào ngày thứ 3, thứ 5 hàng tuần; Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tiếp công nhân, viên chức, lao động vào ngày thứ 3 và ngày thứ 5 của tuần cuối tháng. Năm 2021, Ủy ban Kiểm tra công đoàn các cấp đã tiếp 37 lượt công nhân lao động đến kiến nghị, phản ánh, đã tiếp nhận 10 đơn; trong đó LĐLĐ tỉnh tiếp nhận 6 đơn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tiếp nhận 3 đơn. Nội dung đơn kiến nghị, phản ánh các vấn đề có liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp khi thực hiện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng lao động… Đến nay, 8 đơn đã có kết quả giải quyết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho 72 người lao động. Trong đó 30 người lao động thuộc Công ty TNHH Maxport Limted (chi nhánh Nam Định) thuộc LĐLĐ thành phố Nam Định đã được xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp; 3 lao động thuộc Công ty cổ phần Nam Âu, 34 lao động thuộc Công ty cổ phần May thêu Việt Phát được chốt sổ BHXH khi chấm dứt hợp đồng lao động; 1 lao động Công ty cổ phần May Duy Minh được công ty hỗ trợ 2 tháng lương và trả đủ lương cho những ngày công ty cho nghỉ khi chấm dứt hợp đồng lao động. Năm 2021, Ủy ban Kiểm tra Công đoàn các cấp đã kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đối với 8 doanh nghiệp. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh của đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khá ổn định, bảo đảm việc làm cho 100% người lao động và một số doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động; nhìn chung, các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương, BHXH đối với người lao động. Các cấp Công đoàn tích cực chỉ đạo cơ sở phối hợp thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc đảm bảo đúng, đủ nội dung và thời gian theo quy định với 99,74% các đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, 78,84% khối doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động. Thông qua thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, có 234 bản thỏa ước lao động được ký kết và thực hiện theo quy định, 63,5% Ban Thanh tra nhân dân hoạt động tốt. Đa số các đơn vị thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh về tổ chức hội nghị đối thoại tại nơi làm việc, trong đó có 118 doanh nghiệp tổ chức đối thoại với 209 cuộc đối thoại định kỳ và 9 cuộc đối thoại đột xuất. Bên cạnh công tác kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ tỉnh tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo ủy ban kiểm tra công đoàn cấp dưới thực hiện công tác giám sát. Năm 2021, Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ tỉnh thực hiện giám sát chuyên đề 9 cuộc đối với tập thể và cá nhân qua đó đã phát huy ưu điểm; phát hiện hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm và nguyên nhân để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, khắc phục; cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức và cán bộ công đoàn. Qua giám sát, không có tập thể, cá nhân nào vi phạm phải chuyển cơ quan có thẩm quyền kiểm tra theo quy định. Đặc biệt, năm 2021, Ủy ban Kiểm tra Công đoàn các cấp đã thực hiện giám sát việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 giúp hạn chế đến mức thấp nhất việc chi trả sai chế độ, chi không đúng đối tượng, không đảm bảo quy trình, thủ tục và công khai minh bạch đến với đoàn viên và người lao động với trên 1,82 tỷ đồng.
Đồng chí Vũ Văn Nghĩa, TUV, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Công tác kiểm tra, giám sát của Công đoàn năm 2021 đã giúp Ban chấp hành, Ban thường vụ công đoàn các cấp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ công tác trọng tâm đề ra, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; phát hiện ngăn ngừa kịp thời các biểu hiện vi phạm điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Công đoàn. Thực hiện việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn từng bước đi vào nền nếp. Việc tiếp đoàn viên, người lao động, tiếp nhận đơn thư, giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nền nếp. Qua đây ngày càng thể hiện rõ nét vai trò Công đoàn tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, góp phần quan trọng trong việc xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh”. Thời gian tới, các cấp Công đoàn trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; kịp thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn, nhất là vi phạm các quy định về nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác quản lý, điều hành. Tham mưu thực hiện kịp thời việc xem xét đề nghị xử lý kỷ luật hoặc xem xét xử lý kỷ luật thuộc thẩm quyền xử lý của công đoàn cấp mình đối với tập thể, cá nhân khi có vi phạm, đảm bảo kịp thời, khách quan, đúng quy định./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh