Những năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn cho học sinh, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong công tác giáo dục ở mỗi trường học.
Học sinh Trường THCS Bình Hoà (Giao Thuỷ) chăm sóc vườn cây trong khuôn viên trường. |
Để nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh về bảo vệ môi trường, vào đầu mỗi năm học Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu) đều xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều chương trình có ý nghĩa và thiết thực về bảo vệ môi trường, tạo được sự hứng thú cho học sinh toàn trường có thể tham gia như hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, “Hãy làm sạch biển”, “Ngày môi trường thế giới”; quét dọn, vệ sinh sân trường, lớp học... Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp gắn liền với bảo vệ môi trường như quét dọn vệ sinh trường lớp, đường làng ngõ xóm; giữ gìn và sử dụng hiệu quả khu nhà vệ sinh công cộng, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh và viết bài, sưu tầm tranh ảnh, nói chuyện chuyên đề về bảo vệ môi trường qua các tiết học và sinh hoạt dưới cờ ... qua đó giúp học sinh có ý thức, hành vi và thói quen đúng đối với môi trường học đường, biết giữ gìn và bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn ở nơi học tập và sinh sống. Bên cạnh đó, nhiều năm nay Liên đội Trường THCS Hải Xuân đã xây dựng và duy trì hiệu quả những công trình măng non “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” nhằm giáo dục ý thức, hướng dẫn và hình thành thói quen phân loại rác thải cho học sinh trong trường học, góp phần bảo vệ môi trường. Ngôi nhà kế hoạch nhỏ được thiết kế có mái che, phân chia 2 ô nhỏ để đựng vỏ lon, chai và giấy vụn với thông điệp: “Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn” thu hút học sinh phân loại và thu gom rác thải hàng ngày tại lớp học, thu gom rác thải nhựa tại các địa điểm gần trường. Từ khi phát động, liên đội đã thu gom được hàng trăm kg vỏ lon, nhựa và giấy vụn. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán rác thải nhựa của học sinh được đưa vào quỹ của Liên đội để dành tặng những suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Phong trào không chỉ góp phần giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm, tình yêu lao động, trách nhiệm đối với cộng đồng về bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy các em học sinh tích cực tham gia các hoạt động, biết tương thân tương ái giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn khi đến trường. Năm 2019 nhà trường đã được công nhận trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, hàng năm, ngành GD và ĐT đã tích cực tham mưu với các địa phương đầu tư kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn trong các cơ sở giáo dục. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai tới tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh. Các trường học đã tổ chức quán triệt các hoạt động tuyên truyền về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng - chống thiên tai cho học sinh với các hình thức phong phú như thi văn nghệ, diễn kịch, viết bài về đề tài biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu, tổ chức cho học sinh tham gia lao động vệ sinh quét dọn, khơi thông cống rãnh thường xuyên theo lịch và những đợt chiến dịch; tăng cường việc hướng dẫn, sử dụng, bảo quản có hiệu quả các công trình nước sạch, công trình vệ sinh. Quan tâm rèn luyện kỹ năng bảo vệ nguồn nước và môi trường cho cán bộ, giáo viên, học sinh, đồng thời tích cực rèn luyện thói quen vệ sinh văn minh, kỹ năng sống bảo vệ môi trường; lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào các môn học chính khóa và hoạt động giáo dục. Đến nay, hầu hết giáo viên ở các bậc học đều tích hợp kiến thức giáo dục bảo vệ môi trường vào nội dung bài học. Ở bậc học mầm non, học sinh tham gia các hoạt động “học mà chơi” theo chuyên đề “Bé làm quen với môi trường xung quanh”; bậc tiểu học thông qua các môn Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Mỹ thuật. Học sinh vẽ tranh về môi trường, được tìm hiểu về các yếu tố môi trường tự nhiên và xã hội, các nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường, cũng như cách bảo vệ môi trường, vì sao phải bảo vệ môi trường… Học sinh ở bậc tiểu học, THCS và THPT được gắn giáo dục bảo vệ môi trường qua nhiều môn học liên quan. Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục môi trường còn được thực hiện thông qua hoạt động làm đồ dùng tái chế từ các vỏ đồ hộp, giấy bìa loại, vật dụng cũ..., tham gia hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”; chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”... Qua đó, học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản về vai trò của môi trường đối với con người và tác động của con người đối với môi trường, phát triển kỹ năng bảo vệ và gìn giữ môi trường. Cùng với lồng ghép vào nội dung giảng dạy là việc xây dựng hệ thống các nhà trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Sở GD và ĐT chỉ đạo các nhà trường quan tâm việc thiết kế khuôn viên cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ, khuyến khích các trường tiểu học xây dựng thư viện xanh ngoài trời theo mô hình Room to Read thân thiện… Đến nay, hầu hết các trường học trong tỉnh đã bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường, có tường bao, trồng cây xanh bóng mát, vườn hoa cây cảnh, sân chơi bãi tập, đồ chơi ngoài trời cho trẻ mầm non, công trình nước sạch, ánh sáng, nhà vệ sinh đúng quy chuẩn. Nhiều trường có khuôn viên xanh, sạch, đẹp đem lại môi trường giáo dục tốt, an toàn và hài hòa với thiên nhiên cho học sinh.
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là vô cùng cần thiết, nhất là với lứa tuổi học sinh. Học sinh được học tập, vui chơi trong một môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường xung quanh, yêu mến trường lớp hơn; đồng thời trở thành những tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền tới bạn bè, người thân có ý thức bảo vệ môi trường xung quanh./.
Bài và ảnh: Hồng Minh