Chiều 26-2 vừa qua, tại khu vực biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ tai nạn đường thủy thương tâm, chiếc ca-nô du lịch bị chìm khiến 17 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em! Nguyên nhân vụ việc đang được tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Ngay sau khi thông tin về vụ việc được đăng tải trên báo chí và mạng xã hội, bên cạnh các tin nhắn, bình luận chia buồn với các gia đình nạn nhân cũng có nhiều ý kiến liên quan đến công tác quản lý phương tiện thủy hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Nhiều người làm trong lĩnh vực du lịch đã bình luận chỉ ra điểm bất cập trong quản lý loại phương tiện này. Tài khoản facebook Ho Quang Hieu nêu ý kiến: khi cấm ca nô bạt trên các tuyến như này khiến người dân và doanh nghiệp phải hoán cải những chiếc ca-nô mui bạt thành ca-nô mui sắt kín, rồi tăng số ghế; việc áp đặt cứng nhắc, thiếu thực tế khi ngồi trong ca nô kín vừa nóng bức ngột ngạt vẫn phải mặc áo phao đã dẫn tới việc khi gặp nạn chìm tàu thì nhiều người do vướng áo phao không thể lặn xuống để đập kính thoát qua cửa sổ được. Một số người có kinh nghiệm đi du lịch thì nhắc đến trách nhiệm của đơn vị kinh doanh du lịch bán tua, biết rõ khu vực này nguy hiểm, mùa này sóng lớn nhưng vẫn tư vấn bán tua cho khách mà không cảnh báo rõ dẫn tới xảy ra tai nạn nghiêm trọng(!).
Liên quan đến ý kiến về thiết kế tàu, trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 1-3, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, hiện trên toàn quốc có hơn 200 phương tiện từ bờ ra đảo tương tự phương tiện vừa bị chìm tại Hội An. Phóng viên báo Tin tức dẫn lời ông Nguyễn Vũ Hải cho biết, thiết kế tàu biển cao tốc chở khách không chỉ ở Việt Nam mà các nước đều phải tuân thủ đó là thiết kế mui kín theo tiêu chuẩn của quốc tế (theo quy định của Bộ luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc do Tổ chức Hàng hải quốc tế - IMO ban hành) và được cụ thể hóa tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển cao tốc. Vì thế, việc nói mui hở, khách dễ thoát khi xảy ra sự cố là không đúng. Tàu được đóng mui kín trước tiên sẽ bảo vệ cho hành khách và nước không tràn vào khoang khách. Tàu cao tốc thường tạo ra sóng lớn, nếu mui hở nước sẽ tràn vào khoang tàu gây mất thăng bằng và chìm tàu. Nếu tàu mui hở thì sẽ bị hạn chế tốc độ (ngoại trừ tàu được thiết kế riêng cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ). Ngoài ra, các loại phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí như du thuyền đi với tốc độ chậm không bắt buộc phải thiết kế mui kín.
Bài báo cũng cho biết về các giải pháp quản lý đối với các phương tiện này, ngày 1-3, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có công văn gửi các chủ tàu biển và phương tiện thủy nội địa VR-SB (sông pha biển), các đơn vị đăng kiểm tàu thủy yêu cầu tăng cường kiểm tra đối với loại phương tiện cao tốc chở khách từ bờ ra đảo, phục vụ lễ hội; qua kiểm tra kiên quyết yêu cầu chủ tàu khắc phục các khuyết điểm ảnh hưởng tới an toàn của tàu biển, phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB. Đặc biệt, cương quyết thu hồi hoặc không cấp giấy tờ đăng kiểm cho tàu biển, phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB hoạt động nếu không khắc phục thỏa đáng.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT sẽ họp với các đơn vị trong ngành để tìm các giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc đảm bảo an toàn phương tiện, ATGT đối với tàu biển cao tốc chở khách và phương tiện thủy nội địa VR-SB cao tốc chở khách.
Tại tỉnh ta hoạt động đường thủy nội địa chủ yếu là bến khách ngang sông và hoạt động tham quan Vườn quốc gia Xuân Thủy. Hàng năm, công tác bảo đảm an toàn giao thông sông nước của các bến thủy nội địa, các điểm vượt sông luôn được Ban ATGT tỉnh chú trọng chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm thực hiện. Nhiều năm tỉnh không để xảy ra tai nạn đường thủy. Tuy nhiên, trong xu hướng thích ứng an toàn, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt là ngành du lịch, các hoạt động đi lại, trong đó có giao thông đường thủy, nhất là hoạt động du lịch sinh thái sông nước sẽ nhanh chóng sôi động trở lại. Vụ việc cũng là lời cảnh tỉnh, nhắc nhở các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc xem xét thấu đáo các quy định để chấn chỉnh, sửa đổi đảm bảo hoạt động giao thông đường thủy, nhất là du lịch sông nước được an toàn./.
Vân Thi