Trước giờ họp, mọi người trò chuyện rôm rả, hỏi thăm nhau sau thời gian dài không họp tập trung được vì COVID. Cũng như nhiều lần trước, chị V lại được hỏi: thế nào, làm thằng cu nữa chứ? Rồi ai đó rỉ rả thông tin, con bé N ấy (sinh hai con gái) có thằng cu rồi đấy. Thôi chịu phạt 1 năm, sau này có đứa chống gậy (?!). Sinh hai con gái, chị V đã quá quen với những “sự quan tâm” kiểu này, khi thì là câu đùa “dép một đôi”, khi thì câu lời “khuyên”: cứ đẻ đi, sau này con gái lấy chồng “tòng phu”, rồi ai hương khói… Thế mới biết thay đổi quan điểm, tư tưởng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đối với một bộ phận người dân Việt Nam quả không đơn giản?!
Dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) năm nay, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Đại sứ quán Na Uy phối hợp tổ chức Tọa đàm “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại tại châu Á” do Chương trình Hợp tác và Phát triển Na Uy tài trợ trong giai đoạn 2020-2022.
Theo kết quả của Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam là 111,5 bé trai/100 bé gái trong khi đó tỷ số này ở mức tự nhiên là từ 103-106 bé trai/100 bé gái. Dự báo, đến năm 2034, Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới lứa tuổi từ 15-49 và đến năm 2059, con số này là 2,5 triệu nam giới (bằng 9,5% dân số nam) nếu tỷ số giới tính khi sinh không giảm. Mặc dù đã triển khai nhiều chương trình đề án và đạt được khá nhiều kết quả tích cực song tỷ lệ mất cân bằng giới tính của Việt Nam vẫn còn cao, hiện cao thứ ba tại châu Á. Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Tọa đàm, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam kéo dài, không được kiểm soát, có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị… ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Tại Việt Nam đã có những khung pháp lý, chính sách, chương trình về thúc đẩy bình đẳng giới và đề án quốc gia về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong việc thực thi chính sách như chưa tập trung vào yếu tố văn hóa xã hội. Chính vì vậy, tăng cường cơ chế điều phối liên ngành giữa các bộ, ngành và sự tham gia của tất cả các bên có liên quan là hết sức cần thiết kết hợp với các kinh nghiệm quốc tế tốt nhất nhằm thực hiện hiệu quả việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh do lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Kinh nghiệm là không chỉ dừng lại việc truyền thông mà cần thay đổi hành vi, đặc biệt cho nam giới và nam thanh niên.
Giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan và trọng tâm của các chính sách, chương trình can thiệp cần đẩy mạnh hơn về thúc đẩy bình đẳng giới, xác định vai trò của nam giới trong môi trường gia đình và xã hội, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Các chương trình truyền thông cần tập trung hơn nữa vào vấn đề xã hội và định kiến giới về vấn đề tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông, truyền thông kỹ thuật số, các nền tảng xã hội cùng với các hình thức truyền thống để đảm bảo các thông điệp đến được với mọi đối tượng xã hội liên quan.
Là một tỉnh đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng, nhiều thế hệ người dân Nam Định, đặc biệt là ở vùng nông thôn, đến nay vẫn mang đậm tư tưởng “cổ xưa” thích sinh con trai để “có người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên”; có người làm các công việc nặng nhọc như đi biển, làm ruộng... Gia tộc, cha mẹ thúc ép, bạn bè khích bác… khiến việc sinh con trai hay gái đôi khi không còn là việc riêng của gia đình dẫn đến những suy nghĩ dằn vặt về trách nhiệm đã khiến nhiều gia đình tìm mọi cách để sinh được con trai. Sự bất bình đẳng giới ngay trong tư tưởng từ lúc sinh con cứ thế nhân lên, đi theo trong suốt quá trình nuôi dạy đứa trẻ trưởng thành, trở thành định kiến khiến vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội bị hạn chế; giá trị của phụ nữ, trẻ em gái không thực sự được đề cao. Đó là lý do tỷ số giới tính khi sinh ở tỉnh ta luôn cao hơn rất nhiều so với mức trung bình cả nước mặc dù tỉnh rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nỗ lực triển khai các giải pháp hành động đồng bộ. 6 tháng đầu năm 2021, tỷ số này vẫn còn là 115,5 bé trai/100 bé gái.
Do vậy, để thực sự kiểm soát mất cân bằng giới tinh khi sinh, chúng ta cần phải hành động mạnh mẽ hơn như kiến nghị của Trưởng Đại diện UNFPA tại Tọa đàm; chú trọng các biện pháp liên quan đến mức sinh của mỗi cá nhân và mỗi cặp vợ chồng trong việc lựa chọn số con, thời gian và khoảng cách mỗi lần sinh phù hợp với nguyên tắc của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển. Các bên liên quan cần hợp tác để chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới; trong đó sự thấu hiểu và hỗ trợ của nam giới có thể tạo nhiều thay đổi./.
Vân Thi