Ngay trước Tết Nguyên đán, Sở GD và ĐT đã tổ chức vòng chung kết Hội thi Hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh năm học 2021-2022. Đây là năm học có số lượng thí sinh dự thi cao nhất trong 10 năm tổ chức Hội thi với 434 thí sinh, trong đó có 145 thí sinh cấp tiểu học, 145 thí sinh cấp THCS và 144 thí sinh cấp THPT thuộc 10 phòng GD và ĐT và 47 trường THPT.
Cô và trò Trường THCS Liên Bảo (Vụ Bản) trong một giờ học tiếng Anh. |
Điểm mới của Hội thi năm nay là năm đầu tiên Sở GD và ĐT tổ chức theo hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 với 3 phòng thi tương ứng 3 cấp học (Tiểu học, THCS và THPT) diễn ra đồng thời. Nội dung của Hội thi cũng được điều chỉnh, gồm 2 vòng: Phỏng vấn - Sơ khảo và Hùng biện - Chung kết để đảm bảo khách quan, công bằng, đánh giá đúng năng lực các thí sinh. Vòng Chung kết Hội thi được phát trực tiếp trên kênh youtube của Sở GD và ĐT để cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh có thể theo dõi Hội thi một cách trực tiếp. Đây cũng là năm đầu tiên giám khảo chấm trực tuyến từ nhiều nước trên thế giới. Ban tổ chức đã mời 9 giám khảo đến từ các nước Anh, Mỹ, Ai-len, Đức, Slovakia, Ukraina chấm thi trực tuyến qua 2 vòng thi (3 giám khảo nước ngoài tại Việt Nam, 6 giám khảo tại châu Âu và châu Mỹ). 100% giám khảo là giáo viên tiếng Anh hoặc đã từng giảng dạy tiếng Anh nên chất lượng chuyên môn cao, thống nhất cao về các tiêu chí, biểu điểm và kết quả chấm. Để đảm bảo Hội thi diễn ra an toàn, khách quan, công bằng và minh bạch, các quy định của Hội thi được các đơn vị và thí sinh tham dự triển khai thực hiện nghiêm túc; thiết bị đường truyền ổn định; quy trình và hệ thống vận hành cuộc thi được thực hiện thống nhất, hiệu quả (từ phần mềm trực tuyến cho đến việc phát trực tiếp công khai trên kênh youtube, chuyển tiếp sang mạng xã hội facebook để cho toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh có thể theo dõi). Trong suốt thời gian diễn ra Hội thi không có sự cố lớn nào về kỹ thuật, đường truyền nên chất lượng các phần thi của thí sinh được đảm bảo.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của thí sinh trong tỉnh rất xuất sắc; các em có năng lực nghe hiểu và phản ứng nhanh, nhạy với các câu hỏi của giám khảo bằng việc đưa ra những câu trả lời thông minh, không chỉ thể hiện năng lực ngoại ngữ tốt mà còn thể hiện kiến thức sâu rộng về kỹ năng sống, gia đình, xã hội, sức khỏe, môi trường... Nhiều học sinh sử dụng được từ vựng và cấu trúc ở mức cao. Khối tiểu học chuẩn năng lực ngôn ngữ bậc 1, nhưng nhiều em đã sử dụng được từ vựng và cấu trúc ở bậc 2, bậc 3, thậm chí bậc 4, bậc 5. Một số học sinh khối THCS, THPT sử dụng ngôn ngữ và cấu trúc ở bậc 5, bậc 6 của năng lực ngôn ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc châu Âu... Phần lớn các em cũng rất tự tin, bản lĩnh trong những phần thi hùng biện, sử dụng ngôn ngữ một cách rất tự nhiên, có kỹ năng ứng xử, giao tiếp và làm chủ những phần hùng biện. Những điểm yếu trước đây như: Khả năng phát âm tiếng Anh, nói ngọng, ngữ âm ngữ điệu đã được cải thiện. Tại vòng thi sơ khảo, mỗi học sinh có 3-5 phút để trả lời các câu hỏi phỏng vấn của 3-4 giám khảo, nhiều em đã thể hiện rất tốt năng lực nghe nói, sức bật và sự sáng tạo, linh hoạt trước những câu hỏi của Ban giám khảo. Tiêu biểu như: Khối tiểu học có em Trịnh Hoàng Tùng, Tiểu học Giao Thiện (Giao Thủy) 19,67/20 điểm; em Lưu Ngọc Khánh Chi, Tiểu học Nam Hồng (Nam Trực) được 19,50/20 điểm; em Nguyễn Đinh Anh Minh, Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) được 19,17 điểm. Khối THCS: em Vũ Ngọc Thủy Tiên (20/20 điểm, cả 3 giám khảo cho điểm tối đa); em Phạm Quế Anh (19,50/20 điểm); em Phạm Thu Nguyên (19,17/20 điểm), cả 3 em đều là học sinh Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định). Khối THPT có em Vũ Hương Giang và em Đỗ Như Quỳnh, THPT chuyên Lê Hồng Phong (18,83/20 điểm); em Trịnh Tuấn Anh, THPT Trần Hưng Đạo (18,67/20 điểm). Tại vòng thi Chung kết, các em cũng đã thể hiện rất xuất sắc, bản lĩnh tự tin, năng lực nói tiếng Anh và hùng biện rất sôi nổi. Một số em có phát âm chuẩn, hùng biện bằng tiếng Anh trôi chảy được nhiều giám khảo khen ngợi, tiêu biểu như: Trịnh Hoàng Tùng học sinh lớp 3, Tiểu học Giao Thiện (Giao Thủy), giải Nhất, xếp thứ Nhất cấp Tiểu học với số điểm trung bình là 19,33 điểm; Vũ Ngọc Thủy Tiên, học sinh lớp 9, THCS Trần Đăng Ninh, giải Nhất, xếp thứ Nhất cấp THCS với số điểm trung bình là 19,08 điểm; Đoàn Văn Vinh, học sinh lớp 11 THPT Lý Tự Trọng, giải Nhất, xếp thứ Nhất cấp THPT với số điểm trung bình là 19,17 điểm. Một số đơn vị đạt thành tích cao như: Khối phòng GD và ĐT gồm: thành phố Nam Định, huyện Trực Ninh, huyện Giao Thủy, huyện Ý Yên, huyện Nam Trực; khối trường THPT gồm: Nguyễn Khuyến, A Hải Hậu, Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo, Xuân Trường B, C Hải Hậu, Giao Thủy, Lê Quý Đôn, Mỹ Lộc, Nam Trực.
Tuy nhiên, qua Hội thi còn bộc lộ một số hạn chế như: Hiện tượng giáo viên viết bài mẫu cho học sinh học thuộc lòng vẫn còn thể hiện ở việc một số học sinh cùng đơn vị dự thi có cách diễn đạt, trình bày, lập luận giống nhau nên không được các giám khảo đánh giá cao; một số học sinh còn giới thiệu quá nhiều về bản thân (không thuộc nội dung thi), chưa trình bày đúng trọng tâm của chủ đề; một số học sinh vẫn còn sử dụng văn phong viết trong khi nói; một số học sinh còn bị “áp lực” trong quá trình trả lời (run, thiếu tự tin); vẫn có số trường chưa chuẩn bị tốt trang thiết bị, đường truyền...
Kết thúc hội thi, 251 giải cá nhân (gồm 28 giải Nhất, 75 giải Nhì, 93 giải Ba và 55 giải Khuyến khích) đã được trao.
Hội thi đã cho thấy chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường ở tỉnh ngày càng được nâng lên, nhất là những đơn vị triển khai thực hiện Đề án 1965, 1792 của UBND tỉnh (đưa giáo viên nước ngoài dạy trong nhà trường); khả năng giao tiếp của học sinh tốt hơn, các em tự tin, phong cách đĩnh đạc, vốn từ phong phú, phản ứng nhanh với những câu hỏi từ giám khảo bản ngữ. Chất lượng thí sinh tham gia được nâng lên rõ rệt, không chỉ năng lực ngôn ngữ tốt mà còn vững về kiến thức xã hội và có nhiều cách câu trả lời xuất sắc, sáng tạo. Hội thi cũng cho thấy phong trào dạy và học tiếng Anh của tỉnh đang có những bước phát triển khởi sắc, không chỉ tập trung ở thành phố, khu vực đô thị mà còn lan rộng ra các khu vực nông thôn, góp phần tạo động lực, niềm say mê khích lệ các em yêu thích học tiếng Anh. Qua Hội thi, Sở GD và ĐT chỉ đạo các đơn vị rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức, việc bồi dưỡng học sinh cũng như việc điều chỉnh phương pháp dạy học tiếng Anh trong các nhà trường nhằm đạt kết quả tốt hơn trong những năm tiếp theo./.
Bài và ảnh: Minh Thuận