Phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù

08:02, 23/02/2022

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho các đối tượng đặc thù như người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người lao động trong các doanh nghiệp; người khuyết tật… được các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh thường xuyên quan tâm thực hiện với nhiều nhiều nội dung và hình thức phù hợp. Qua đó, giúp đối tượng đặc thù hiểu rõ các quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, tuân thủ pháp luật và giảm thiểu các hành vi vi phạm.

Cán bộ Trại tạm giam (Công an tỉnh) tuyên truyền pháp luật về Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho người bị tạm giam.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Cán bộ Trại tạm giam (Công an tỉnh) tuyên truyền pháp luật về Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho người bị tạm giam.

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Bám sát các quy định của pháp luật, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã chỉ đạo các thành viên chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Hình thức tuyên truyền đa dạng, linh hoạt, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngoài các hình thức tuyên truyền, PBGDPL truyền thống, các ngành, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, PBGDPL; qua đó, giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật ở từng đối tượng. Đối với đối tượng là người lao động trong các doanh nghiệp được các cơ quan chủ trì Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp quan tâm thực hiện tốt. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhân Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động hàng năm; phối hợp với các huyện, thành phố và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh tăng cường biện pháp để ổn định quan hệ lao động, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp lao động và đình công tại các doanh nghiệp. Ngành cũng tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn và đối thoại ba bên giữa Cơ quan quản lý Nhà nước, chủ sử dụng lao động và người lao động về thực hiện chế độ chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội; củng cố, kiện toàn, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện, cấp xã; kỹ năng về tư vấn, giải quyết hòa giải các vụ tranh chấp lao động cho đội ngũ hòa giải viên lao động cấp huyện. Bên cạnh tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật lao động cấp phát đến các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; Sở còn hướng dẫn tư vấn trực tiếp và gián tiếp qua điện thoại cho các doanh nghiệp, công dân về thực hiện chế độ chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội… Đối với đối tượng là ngư dân, nhân dân vùng biên giới biển, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp, trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương, lưu động và lồng ghép trong các hội nghị cho cán bộ, nhân dân các xã, thị trấn biên giới biển. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; về công tác biên phòng, xây dựng và quản lý bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển; các hiệp định, nghị định thư, hiệp ước, quy chế biên giới, các công ước và luật quốc tế có liên quan đến biên giới, biển đảo; các văn bản về công tác quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới, cảng biển, các quy định về khai thác hải sản hợp pháp... Công an tỉnh đã chỉ đạo cải tiến các nội dung, chương trình PBGDPL cho các đối tượng bị thi hành án phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc trường giáo dưỡng. Theo đó, tất cả các đối tượng bị giam giữ, tạm giam và phạm nhân đều được phổ biến, học tập nội quy, quy chế giam, giữ, chính sách pháp luật về giáo dục, cải tạo; tạo điều kiện cho phạm nhân được tiếp cận với sách, báo, tờ rơi, nội dung cần tuyên truyền, phổ biến. Trung bình 2 tháng/lần, Trại tạm giam Công an tỉnh tổ chức một lớp giáo dục pháp luật, giáo dục công dân cho phạm nhân, nhất là phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù; đồng thời tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu việc làm, góp phần giúp phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, lực lượng Công an chủ động phối hợp với các cấp, các ngành chức năng quản lý chặt chẽ và tuyên truyền, PBGDPL cho người được đặc xá, tha tù về địa phương; đối tượng hình sự; cảm hóa, giáo dục đối với các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, qua đó đã tác động chuyển đổi tư tưởng để các đối tượng dần từ bỏ hoạt động chống phá Nhà nước...

Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền, PBGDPL được 1.500 hội nghị, trên 1.000 buổi tuyên truyền lưu động, cấp phát 65 nghìn tờ gấp, 2.500 cuốn tài liệu, gần 10 nghìn buổi phát thanh trên loa xã, phường, thị trấn; gần 500 tin, bài đăng, phát trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, xe thông tin lưu động, trên thông tin đại chúng, internet; thực hiện sửa đổi, bổ sung và tổ chức ký kết 239 bản thỏa ước lao động tập thể, 303 doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, 138 doanh nghiệp tổ chức đối thoại với 251 cuộc đối thoại; hướng dẫn tư vấn (trực tiếp, gián tiếp qua điện thoại) cho 114 doanh nghiệp, công dân về thực hiện chế độ chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội… Qua đó, giúp 100% đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh được phổ biến về các quy định của pháp luật có liên quan. Để thực hiện tốt hơn công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù trong thời gian tới, Hội đồng PBGDPL tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương duy trì thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án PBGDPL phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19 và xu thế phát triển của xã hội, hội nhập quốc tế./.

Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com