Nghĩa Thái chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:02, 24/02/2022

Xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) có gần 9.800 nhân khẩu, trong đó khoảng 4.600 người trong độ tuổi lao động. Với mục tiêu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo đa dạng hoá các hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cơ sở sản xuất đồ mộc của gia đình ông Đàm Văn Xim, xóm 10, xã Nghĩa Thái tạo việc làm cho nhiều lao động.
Cơ sở sản xuất đồ mộc của gia đình ông Đàm Văn Xim, xóm 10, xã Nghĩa Thái tạo việc làm cho nhiều lao động.

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm xã tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đồng thời tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Trên cơ sở đó, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo nghề theo Đề án 1956, trong đó lĩnh vực nông nghiệp với các nghề: trồng rau màu, chăn nuôi gia súc, kỹ thuật gieo sạ. Bên cạnh đó, mỗi năm xã chỉ đạo các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ban Nông nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổ chức hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu cho nông dân. Trong quá trình đào tạo nghề, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo dạy và học thực chất, hiệu quả. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và sử dụng được kỹ năng nghề để tìm việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Người lao động học nghề nông nghiệp tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, hiệu quả sản phẩm cũng như tăng thu nhập. Để tăng hiệu quả sau đào tạo nghề nông nghiệp, Hội Nông dân xã hướng dẫn hội viên tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể theo hướng liên kết tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lúa chất lượng cao, có giá trị kinh tế. Hội Phụ nữ xã tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ lương giáo đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Với lĩnh vực phi nông nghiệp, từ năm 2018 đến nay, xã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức mở nhiều lớp dạy các nghề: May công nghiệp, mộc dân dụng, cơ khí… thu hút hàng trăm lượt lao động tham gia. Đến nay xã Nghĩa Thái đã phát triển mạnh các ngành nghề: sản xuất đồ mộc dân dụng, dệt chiếu, may công nghiệp… Nghề mộc dân dụng ở xã phát triển với nhiều cơ sở sản xuất tập trung; tiêu biểu như Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thuận Trường; tổ hợp sản xuất của các ông: Tô Văn Tĩnh ở xóm 4; Đàm Văn Xim xóm 10... thường xuyên nhận được các hợp đồng thi công phần gỗ cho các công trình xây dựng; sản xuất đồ gỗ nội thất, mỹ nghệ. Ngoài ra, xã Nghĩa Thái còn thu hút được 2 doanh nghiệp may công nghiệp về đầu tư là Công ty TNHH May Miseong TN và Công ty cổ phần May Sông Hồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động của xã với mức thu nhập bình quân từ 4-8 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh tạo việc làm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn xã còn tham gia đào tạo nghề cho người lao động. Chị Phạm Thị Hoài, quản lý xưởng 2 Công ty Miseong TN cho biết: Hiện nay xưởng có 20 công nhân, trong đó có 3 đối tượng bảo trợ xã hội. Mỗi năm, Công ty tổ chức đào tạo miễn phí từ 5-10 công nhân mới vào làm; mở lớp dạy nâng cao tay nghề cho hàng chục công nhân, đáp ứng nhu cầu sản xuất các mẫu hàng mới. Nhờ chủ động trong công tác đào tạo công nhân nên năng suất lao động, chất lượng sản phẩm của Công ty luôn đảm bảo và duy trì ổn định. Công ty cổ phần May Sông Hồng nằm trên địa bàn xã Nghĩa Thái cũng là điểm sáng về thực đào tạo nghề cho người lao động. Bên cạnh dạy kỹ thuật ngành may, công ty thường xuyên tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho toàn bộ cán bộ, công nhân. Với việc đào tạo nghề thường xuyên cho lao động, tập huấn kỹ năng an toàn vệ sinh lao động, nhiều năm liền Công ty cổ phần May Sông Hồng ổn định nguồn lao động, không có người bị tai nạn lao động.

Cùng với sự chung tay của các cấp các ngành, các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề, xã tạo thuận lợi cho người lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô. Quỹ TYM xã có 202 thành viên là hội viên phụ nữ được vay vốn 1,63 tỷ đồng phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội Nông dân xã đã nhận tín chấp tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, trong đó 369 hộ vay Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ gần 12,5 tỷ đồng; 267 hộ vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT với tổng dư nợ hơn 60,3 tỷ đồng.

Với các giải pháp đào tạo nghề đồng bộ, hiệu quả, đến nay xã Nghĩa Thái có tỷ lệ 72% người trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề. Đời sống người dân trong xã ngày càng nâng cao, xã không còn hộ nghèo. Thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền xã Nghĩa Thái tiếp tục huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân học nghề; tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo; gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com