Hải Hậu về đích nông thôn mới nâng cao - Hiệu quả từ các khâu "đột phá"

07:02, 09/02/2022

Năm 2021, Hải Hậu là địa phương chịu tác động nặng nề do dịch COVID-19. Tuy nhiên với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Hải Hậu đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, về đích nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra; tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”.

Đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc tham quan mô hình nông thôn mới nâng cao xã Hải Quang.
Đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc tham quan mô hình nông thôn mới nâng cao xã Hải Quang.

Ngay từ đầu năm 2021, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành 5 nghị quyết, 2 đề án, 2 kế hoạch về công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; 3 nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết 05) về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng huyện Hải Hậu NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. UBND huyện và các ngành, các địa phương đều xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện các nội dung xây dựng Đề án mô hình huyện Hải Hậu NTM kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững đến năm 2025. Thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ: Xây dựng nông thôn Hải Hậu trù phú, kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp” đảm bảo tính hiện đại và bền vững, gắn với đẩy mạnh đô thị hóa; phát triển nông thôn có hạ tầng kiên cố, đồng bộ, kết nối; có cơ cấu kinh tế hợp lý; có nền nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn phát triển; y tế, văn hóa, giáo dục phát triển toàn diện; có cảnh quan môi trường thường xuyên xanh - sạch - đẹp; có nếp sống văn minh, tiến bộ, giàu bản sắc truyền thống; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao. Hết năm 2021, Hải Hậu có 34/34 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 12 xã cơ bản đạt NTM kiểu mẫu; 331 đơn vị cấp xóm đạt NTM kiểu mẫu.

“Chìa khóa” để Hải Hậu về đích NTM nâng cao là huyện thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nhanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, huyện xác định các sản phẩm chủ lực, thế mạnh gồm: Lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, tôm, cây dược liệu và các sản phẩm thủy sản chế biến. Năm 2021, toàn huyện có 87 mô hình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng cộng đồng liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đạt 192 triệu đồng/ha canh tác. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 23.819 tấn (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2020); giá trị sản phẩm chăn nuôi đạt 1.081 tỷ đồng. Giá trị sản lượng thủy sản đạt 1.123 tỷ đồng (tăng 6,7% so với năm 2020). Thu ngân sách trên địa bàn hơn 503 tỷ đồng, đạt 112% dự toán tỉnh giao. Đến nay, toàn huyện có 103/103 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, trong đó, có 98 trường đạt chuẩn “Xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Việc cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính đã tạo nhiều thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của doanh nghiệp. Toàn huyện có trên 1.000 mô hình kiểu mẫu về cảnh quan, môi trường, văn hóa, an ninh trật tự và có 2,27km tuyến đê kiểu mẫu tại các xã Hải An, Hải Giang. Chương trình OCOP dẫn đầu tỉnh. Hiện nay toàn huyện có 534 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động, trong đó, doanh nghiệp đầu tư tại 3 cụm công nghiệp là 35 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, thu hút trên 8.000 lao động. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức phong trào tổng vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan, xây dựng, phát triển nhanh các mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình và tiếp tục hoàn thiện việc đầu tư, nâng cấp khu xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Đến nay cả 34/34 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã lắp đặt lò đốt rác thải sinh hoạt, trong đó có 22 xã đã nâng cấp hệ thống xử lý khói bụi thải theo quy chuẩn; có 34 xã, thị trấn triển khai mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình với tổng số trên 48 nghìn hộ dân tham gia. Thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025 giảm còn 3,36%. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 96,46%.

Đồng chí Đỗ Hải Điền, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: Năm 2022, huyện tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM kiểu mẫu”, “Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”. Hết năm 2022, toàn huyện phấn đấu có 75% số đơn vị cấp xóm đạt NTM kiểu mẫu; có ít nhất 20 đơn vị cấp xã đạt NTM kiểu mẫu. Hết năm 2023, có 100% số đơn vị cấp xóm đạt NTM kiểu mẫu; có ít nhất 30 đơn vị cấp xã đạt NTM kiểu mẫu. Hết năm 2024, có 100% số đơn vị cấp xã đạt NTM kiểu mẫu. Năm 2025: Hải Hậu được Trung ương công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”. Huyện xác định xây dựng NTM trước hết phải xuất phát từ việc khai thác nội lực, từ chính cộng đồng dân cư, với phương châm thực hiện nhất quán “Người dân nông thôn là chủ thể xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ; Nhà nước hỗ trợ”. Đề cao hơn nữa tính tích cực, chủ động trong xây dựng nhưng không nóng vội, chạy theo thành tích, không huy động quá sức dân.

Hải Hậu đề ra 7 nhóm giải pháp quan trọng, đồng bộ từ giải pháp về tư tưởng, công tác cán bộ, giải pháp kinh tế - xã hội... Trong đó, tiếp tục chuyển đổi nhanh, hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch. Xây dựng và nhân rộng nhanh mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, an toàn. Ứng dụng nhanh, đồng bộ cơ giới hóa vào các khâu sản xuất chủ yếu. Tổ chức lại các vùng nuôi ven biển theo quy hoạch, lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá song, cá vược; vùng nước ngọt chủ yếu nuôi cá diêu hồng, cá lóc bông và các loại cá truyền thống. Phát triển 1.000ha diện tích nuôi công nghiệp theo VietGAP. Lập quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ và Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định I. Đề xuất quy hoạch và triển khai xây dựng Khu công nghiệp ven biển Hải Lộc - Hải Đông - Hải Lý. Đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển. Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân, cụm công nghiệp Hải Xuân và vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư cải tạo môi trường làng nghề Hải Minh. Định hướng, đề xuất kêu gọi đầu tư FDI xây dựng mới một số khu, cụm công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp. Chủ động, sáng tạo lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp, lựa chọn khâu đột phá vào các tiêu chí khó; tiêu chí chủ đạo quyết định trong xây dựng NTM và trong phát triển kinh tế - xã hội vừa đáp ứng yêu cầu chung vừa phải phù hợp với phong tục tập quán để người dân đúng là chủ thể thực hiện. Làm tốt công tác xã hội hóa, khơi dậy, động viên sức mạnh của cả huyện, các chức sắc tôn giáo, con em xa quê quan tâm ủng hộ vật chất và tinh thần trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com