Trường Mầm non Hải Lý (Hải Hậu) có 2 khu với tổng số 55 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, 673 học sinh. Tính đến ngày 11-2, trường ghi nhận có 3 học sinh nhiễm COVID-19, 6 em và 1 giáo viên là F1. Thực hiện Công văn số 5969/BGDĐT-GDMN của Bộ GD và ĐT về việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), trường đã xây dựng kế hoạch về công tác phòng chống dịch COVID-19 chi tiết, rõ ràng, phân công cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó với từng tình huống dịch cụ thể: Khi chưa có dịch, khi nghi ngờ có dịch, khi dịch lây lan trong trường học, khi hết dịch; tổ chức tuyên truyền cho toàn thể giáo viên, học sinh và phụ huynh về tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng chống dịch bệnh hiệu quả; tích cực tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương tu bổ, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy và nuôi ăn tại trường, bổ sung các thiết bị thiết yếu cho Phòng Y tế trường để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch như thuốc men, dụng cụ đo thân nhiệt, nước sát khuẩn... Tổ chức tổng vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp hàng ngày, hàng tuần, vệ sinh đồ dùng dụng cụ, đồ chơi, đồ dùng cá nhân của trẻ, phun thuốc khử khuẩn... Tổ chức hướng dẫn trẻ các kỹ năng phòng chống dịch ở 100% các nhóm lớp như hướng dẫn trẻ rửa tay, rửa mặt, đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn... đúng cách, hắt hơi biết che miệng, không dụi tay lên mắt mũi miệng, giữ khoảng cách trong khi học, chơi, ăn, ngủ... Tổ chức đón trả trẻ ngoài cổng trường theo các khung giờ khác nhau phù hợp với từng độ tuổi như: trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi đón sớm nhất, lứa tuổi nhà trẻ đón muộn nhất và trả sớm nhất... 100% trẻ khi đến trường phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường, trẻ được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào cổng trường, có lối đi riêng cho từng khối lớp, đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các lớp học với nhau. Trong các hoạt động ở trường, giáo viên đảm bảo thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, bàn ghế được kê giãn cách, vui chơi ngoài trời được chia theo khu vực, thời gian cụ thể cho từng nhóm lớp, hạn chế tối đa học sinh các lớp tiếp xúc với nhau, giờ ăn, ngủ được bố trí phù hợp đảm bảo khoảng cách an toàn nhất có thể. Bên cạnh đó, một trong những biện pháp quan trọng là cải thiện chế độ dinh dưỡng, nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày góp phần tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho trẻ. Ngoài số tiền phụ huynh đóng góp, nhà trường tận dụng các nguồn rau, củ, quả sạch trồng tại vườn trường để bổ sung vào bữa ăn của trẻ, khuyến khích trẻ ăn nhiều rau củ để bổ sung vitamin, đặc biệt là vitamin C, bổ sung nước cam vắt vào thực đơn hàng ngày của trẻ. Trong thời gian trẻ nghỉ dịch, cũng như đến trường, giáo viên tích cực xây dựng các video clip có nội dung hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà, tập trung vào các nội dung cốt lõi của từng độ tuổi, hướng dẫn phụ huynh cách làm một số đồ dùng đồ chơi để dạy trẻ tại nhà; các trò chơi vận động, học tập, các bài hát, bài thơ câu chuyện... để duy trì hoạt động cho trẻ giống như khi ở trường. Riêng trong thời gian trẻ nghỉ ở nhà để phòng dịch, giáo viên đã xây dựng 159 video gửi qua zalo của các nhóm lớp; tích cực tương tác với phụ hunh và học sinh để lựa chọn nội dung làm video phù hợp.
Học sinh tại Trường Mầm non Hải Lý (Hải Hậu) thực hiện đầy đủ các nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19 trong các hoạt động trên lớp. |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT đã yêu cầu phòng GD và ĐT các huyện, thành phố, các cơ sở GDMN đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19, qua đó xác định đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ em, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; thực hiện vệ sinh trường, lớp, đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị… phục vụ công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở GDMN, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch COVID-19 lập kế hoạch chủ động báo cáo cấp quản lý để trẻ em trở lại trường học; đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để cha mẹ trẻ em nắm và hiểu rõ về tình hình dịch bệnh COVID-19, tạo sự đồng thuận, phối hợp của cha mẹ trẻ với nhà trường đảm bảo an toàn khi trẻ đi học trở lại. Ở các địa phương dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trẻ chưa thể đến trường, các cơ sở GDMN xây dựng kế hoạch giáo dục, lựa chọn nội dung, phối hợp, hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ em tại gia đình và nhà trường. Tại thành phố Nam Định, trong thời gian trẻ ở nhà để phòng dịch, các cơ sở GDMN đã xây dựng 1.202 video clip, audio và hàng trăm bài viết hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. Khi trẻ em trở lại trường học, các cơ sở GDMN điều chỉnh kế hoạch thực hiện chương trình GDMN; đồng thời, điều chỉnh kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh, chơi và học theo chế độ sinh hoạt phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch COVID-19. Sở GD và ĐT cũng hướng dẫn các cơ sở GDMN có kế hoạch chi tiết tổ chức các hoạt động đón, trả trẻ; ăn, ngủ, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cho trẻ... Theo đó, giáo viên đảm bảo thực hiện khai báo y tế, 5K theo quy định; cập nhật hàng ngày về lịch sử tiếp xúc của các thành viên trong gia đình mà trẻ em tiếp xúc khi ở nhà để thuận lợi rà soát, khoanh vùng nguy cơ. Hạn chế người ra vào trường; thực hiện giãn cách đúng quy định khi giao, nhận trẻ; vệ sinh, khử khuẩn bề mặt phòng học, khu vệ sinh, phòng chức năng, hành lang; đồ dùng, đồ chơi, thiết bị giáo dục; hàng ngày hạn chế sử dụng đồ chơi khó vệ sinh, khử khuẩn. Tăng cường lưu thông không khí tại lớp học bằng cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt; nếu bắt buộc phải sử dụng điều hòa trong lớp học thì cuối buổi học phải mở cửa phòng học thông khí.
Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng linh hoạt, đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, các cơ sở GDMN trong tỉnh đang tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn khi tổ chức chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ tại trường. Riêng thành phố Nam Định, hiện chưa cho trẻ mầm non đến trường đang tham mưu với thành phố báo cáo Sở GD và ĐT và UBND tỉnh để tổ chức cho trẻ mầm non trở lại trường trong thời gian sớm nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã huy động 15.546 cháu lứa tuổi nhà trẻ ra lớp (đạt 23,2%), 79.208 cháu lứa tuổi mẫu giáo ra lớp, đạt 87,39% (riêng mẫu giáo 5-6 tuổi đã huy động 29.290 trẻ ra lớp, đạt 97,7%)./.
Bài và ảnh: Minh Thuận