Những năm qua, TAND huyện Xuân Trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác xét xử, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Lãnh đạo TAND và Viện KSND huyện Xuân Trường trao đổi về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. |
Bám sát Nghị quyết số 08-NQ/TW về “Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp” của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của ngành về cải cách tư pháp, TAND huyện Xuân Trường đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng xét xử các loại án. Trong đó, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; khuyến khích giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng và hoạt động hòa giải; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp; thực hiện công khai hóa các bản án, quyết định và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Trong xét xử các vụ án hình sự, TAND huyện đổi mới thủ tục xét hỏi, bảo đảm cho bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng được thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ trước tòa. Các phán quyết của hội đồng xét xử bảo đảm hợp pháp, có căn cứ, tính thuyết phục cao. Đối với những vụ án trọng điểm, phức tạp được dư luận quan tâm như mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; trộm cắp; buôn bán hàng cấm..., TAND huyện chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra xét xử lưu động tại các xã, thị trấn, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân; giáo dục, răn đe và giảm thiểu các hành vi phạm tội. Đặc biệt, thời gian gần đây, các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất tiếp tục gia tăng và phức tạp. Nguyên nhân do mâu thuẫn giữa các đương sự gay gắt; ý thức, hiểu biết pháp luật của đương sự hạn chế; công tác quản lý của chính quyền cơ sở còn nhiều thiếu sót, lỏng lẻo và do giá đất thị trường ngày càng tăng cao nên việc giải quyết gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế trên, TAND huyện đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng giải quyết án dân sự. Trong đó, TAND huyện yêu cầu các thẩm phán, thư ký được phân công giải quyết vụ án dân sự nâng cao trách nhiệm đối với từng vụ cụ thể. Trong quá trình giải quyết vụ án, thu thập chứng cứ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; phối hợp chặt chẽ với Phòng Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thẩm định, định giá, giám định để thu thập được chứng cứ có độ chính xác cao phục vụ cho việc giải quyết án. Thường xuyên nghiên cứu, trau dồi kiến thức, tiếp cận kịp thời các văn bản pháp luật, nghiên cứu kỹ các vụ án trước khi đưa ra xét xử và phải lường trước các tình huống có thể xảy ra đối với từng vụ án. Bên cạnh đó, TAND huyện kiến nghị rà soát lại các trường hợp đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để kịp thời khắc phục những sai sót nếu có; đồng thời xem xét làm rõ nguồn gốc đất đai, tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục chuyển quyền sử dụng đất trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tránh những sai sót không đáng có... Vì vậy, những vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai được giải quyết đúng thời hạn luật định, đảm bảo quyền lợi cho hợp pháp các đương sự.
Với việc tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, công tác thụ lý, giải quyết các loại án đều đảm bảo đúng trình tự của pháp luật, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việc xét xử và các hình phạt mà TAND huyện áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo đúng pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo, đảm bảo xử đúng người, đúng tội, không xử oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm... Từ năm 2016 đến nay, TAND huyện Xuân Trường đã thụ lý tổng số 1.600 vụ, việc các loại; tỷ lệ giải quyết xong các vụ, việc, đạt trên 97%.
Đồng chí Phạm Ngọc Quỳnh, Chánh án TAND huyện Xuân Trường cho biết: “Để đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp đồng thời phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương, thời gian tới, TAND huyện làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử của thẩm phán, cán bộ công chức trong ngành. Chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương để giải quyết nhanh, trong thời hạn luật định các loại án phát sinh. Đảm bảo giải quyết và xét xử án hình sự đạt 100%; án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, việc dân sự đạt 90% trở lên; án kinh doanh thương mại đạt 100%. Án hành chính đạt 87% trở lên, tỷ lệ hòa giải thành từ 60% trở lên, áp dụng biện pháp hành chính tại tòa án đạt 100%. Không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, hạn chế đến mức thấp nhất các bản án hoặc quyết định bị huỷ hoặc bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán; phấn đấu không có án hủy do lỗi chủ quan. Tăng cường xét xử lưu động, không để án tồn đọng quá hạn luật định. Đảm bảo 100% số bị cáo phải thi hành án được ra quyết định thi hành án đúng pháp luật”./.
Bài và ảnh: Văn Trọng