Thời gian qua, cộng đồng dân cư đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Tiêu biểu phải kể đến việc hình thành các mô hình cộng đồng tham gia BVMT hiệu quả; sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc thu thập, cung cấp thông tin về BVMT, trong đó có đánh giá kết quả BVMT của doanh nghiệp, lên tiếng phản đối, tạo sức ép, lên án các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, làm tổn hại đến tài nguyên nhiên nhiên.
Đoàn viên thanh niên thị trấn Lâm (Ý Yên) tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường. |
Trong quá trình thực hiện Đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng, xanh, sạch, đẹp để phát triển bền vững”, sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư với vai trò lực lượng chủ lực, nòng cốt đã giúp huyện Hải Hậu hoàn thành các mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao. Đặc biệt là mục tiêu hết năm 2021 toàn huyện có trên 1.000 mô hình kiểu mẫu về cảnh quan, môi trường, văn hóa, an ninh trật tự. Từ cấp xóm, huyện Hải Hậu chú trọng hướng dẫn huy động các gia đình trong xóm chỉnh trang nhà ở và khuôn viên gia đình sạch, đẹp theo tiêu chí có 100% các công trình xây dựng của gia đình gồm: cổng, tường rào, tường nhà, tường công trình phụ không bị rêu ố, hoen mốc, vườn quy hoạch theo từng ô, tạo lối đi bằng vật liệu cứng; thường xuyên làm cỏ, dọn sạch phế thải, cắt tỉa thông thoáng; hàng rào cây xanh hoặc các loại hàng rào khác nhưng có phủ cây xanh và thường xuyên được cắt tỉa gọn đẹp, không để vươn ra gây cản trở giao thông. Đặc biệt, cộng đồng dân cư các xóm còn thường xuyên tổ chức làm vệ sinh thôn xóm, từ 1-2 lần/tháng, đảm bảo đường giao thông, kênh mương, khu vực trung tâm và nơi công cộng của xóm luôn sạch sẽ, thông thoáng. Cộng đồng dân cư, nhất là các hội viên Hội Phụ nữ đã tích cực tham gia nhân nhanh mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; tham gia trồng, chăm sóc, duy trì các hàng cây bóng mát dọc 2 bên các tuyến đường giao thông trục chính; trồng hoa hoặc bồn hoa trên lề đường trục xóm, khu thể thao, nhà văn hóa. Trên toàn tỉnh, nhờ sự tích cực tham gia của cộng đồng dân cư nên các địa phương đã sớm vượt chỉ tiêu số lượng đơn vị cấp xã thực hiện phân loại, tái sử dụng rác thải tại nguồn theo đề án Quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 50% đơn vị cấp xã thực hiện phân loại, tái sử dụng rác thải tại nguồn nhưng đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã có 161/226 đơn vị cấp xã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả giai đoạn. Tại các xã, thị trấn đã phân loại, tái sử dụng, giảm được 30-40% lượng rác thải phải xử lý ngay tại nguồn, giúp các địa phương giảm nhiều áp lực trong bối cảnh phần lớn các bãi chôn lấp rác thải đã hết công suất và tỉnh chưa thể đầu tư đồng bộ hệ thống các nhà máy xử lý rác thải tập trung, quy mô liên vùng. Bên cạnh đó, sự tham gia thu thập, cung cấp thông tin về BVMT, trong đó có đánh giá kết quả BVMT của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đã thường xuyên trực tiếp phản ánh, kiến nghị các trường hợp doanh nghiệp chưa nghiêm túc chấp hành quy định về BVMT, gây ô nhiễm môi trường. Đáng kể, thông qua kênh giám sát, phản ánh của người dân cũng như căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ theo quy định, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 12/2017-UBND quy định trách nhiệm BVMT trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định rõ vai trò quản lý công tác BVMT trong doanh nghiệp của các đơn vị, địa phương liên quan gồm: Ban Quản lý các khu công nghiệp chịu trách nhiệm quản lý trong các khu công nghiệp, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm về công tác BVMT trên địa bàn huyện (kể cả các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn); UBND cấp xã phải thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định BVMT, quy ước thôn, làng, khu phố và vệ sinh môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân, các cơ sở sản xuất và làng nghề trên địa bàn. Thông qua giám sát, kiến nghị của cộng đồng dân cư giúp Sở Tài nguyên và Môi trường cùng lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tăng cường thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tại các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Để tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong BVMT, Luật BVMT năm 2020 (đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022) đã bổ sung quy định “cộng đồng dân cư” là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT. Luật BVMT 2020 đã xác lập, thể hiện rõ quyền, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong BVMT và các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng dân cư tham gia BVMT. Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định “Cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường các cấp có trách nhiệm xây dựng hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT”. Người dân có thể tham gia giám sát thông qua công nghệ thông tin, qua các ứng dụng trên điện thoại. Chủ dự án phải có trách nhiệm trong việc tham vấn cộng đồng dân cư ngay từ khi lập báo cáo tác động môi trường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường: Nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư phát huy được vai trò của mình trong công tác BVMT theo quy định của Luật BVMT năm 2020, thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã xây dựng dự thảo Quy chế đường dây nóng về ô nhiễm môi trường để thống nhất nguyên tắc, phân định thẩm quyền, trách nhiệm tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường. Hiện đang khẩn trương hoàn tất các phần việc liên quan để trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, sớm ký ban hành Quy chế để triển khai áp dụng trên phạm vi cả nước. Về phía tỉnh ta, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật BVMT năm 2020; trong đó chú trọng tuyên truyền các quy định về phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong BVMT. Qua đó, giúp các cấp chính quyền, ngành chức năng nắm bắt được trách nhiệm của mình trong quy định xây dựng hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT; bản thân các thành phần trong cộng đồng dân cư cũng nắm bắt được để phát huy vai trò, quyền hạn của mình trong BVMT./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy