Nâng cao chất lượng việc học trực tuyến trong xu thế chuyển đổi số

08:01, 05/01/2022

Từ học kỳ 2 năm học 2019-2020 đến nay, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, Sở GD và ĐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp dạy và học phù hợp tình hình thực tế, trong đó, giải pháp dạy học trực tuyến đã được thực hiện trên toàn tỉnh và bước đầu có kết quả, được Bộ GD và ĐT đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu trong dạy và học trực tuyến.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) chuẩn bị cho một bài giảng trực tuyến.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) chuẩn bị cho một bài giảng trực tuyến.

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Việc triển khai dạy học trực tuyến được thực hiện tại các trường ban đầu cũng có những lúng túng, khó khăn nhất định. Nhưng thầy trò các nhà trường đã dần thích nghi, khắc phục khó khăn và phụ huynh luôn đồng hành cùng con em mình trong quá trình học tập. Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của thầy, trò cũng tăng lên vượt bậc. Học sinh trong quá trình học tương tác với thầy cô, các bạn tốt hơn, hiệu quả hơn. Tại nhiều đơn vị, việc học trực tuyến được duy trì song song với học trực tiếp căn cứ diễn biến tình hình dịch. Các nhà trường thực hiện vừa dạy học vừa kiểm tra, đánh giá trực tuyến, đảm bảo chất lượng, yêu cầu theo Thông tư 09/TT-BGDĐT. Điển hình như Trường THPT Trần Hưng Đạo, một trong những trường đi đầu trong việc dạy học trực tuyến ở thành phố Nam Định. Ngay từ đầu năm học 2019-2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, trường đã sớm triển khai dạy học trực tuyến. Để triển khai hiệu quả, Ban giám hiệu trường chú trọng bồi dưỡng đội ngũ, tổ chức nhiều buổi tập huấn để nâng cao trình độ CNTT cho giáo viên như: tập huấn OLM, Office 365, Avina, chuyển đổi số, MIE... và cách tạo câu hỏi tương tác, đề thi thông minh... trên OLM. Qua đó, nhiều thầy cô thành thạo sử dụng I-Spring Suite, Avina là phần mềm chuyên dụng để soạn bài giảng E-learning. Đến thời điểm này, thầy trò nhà trường đã sử dụng thành thạo các hệ thống quản lý dạy học và thi trực tuyến. Còn thầy Vũ Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Dương (Nam Trực) cho biết: Căn cứ từ thực tế đơn vị, trường thực hiện dạy trực tuyến trên Zoom và giao bài tập trên OLM. Từ kinh nghiệm dạy học trực tuyến thời gian qua cho thấy nếu tổ chức dạy học có tính hệ thống thì hiệu quả của việc học trực tuyến được nâng lên rất nhiều.

Các nhà trường và các thầy cô đã tiếp cận nhanh chóng với các nền tảng dạy học trực tuyến như Zoom, Google Meet… với ưu điểm đảm bảo việc dạy học diễn ra xuyên suốt, không để việc ngừng đến trường mà dừng việc học. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: cơ sở hạ tầng, nguồn học liệu học trực tuyến, năng lực khai thác, sử dụng của một bộ phận thầy cô còn yếu; về phía học trò thì thiết bị học tập thiếu; khả năng, ý thức tự học của học sinh chưa cao; học sinh độ tuổi nhỏ thì khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Nếu giáo viên không đổi mới phương pháp dạy sẽ đem lại tâm lý căng thẳng, mệt mỏi khi học sinh phải ngồi trước màn hình lâu.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài và xu hướng phát triển ngày càng nhanh của công nghệ và cuộc cách mạng 4.0, ngành GD và ĐT xác định việc việc dạy học trực tuyến không còn là giải pháp tạm thời mà là xu thế tất yếu trong chuyển đổi số. Để từng bước khắc phục hạn chế, đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến, ngoài văn bản hướng dẫn, Bộ GD và ĐT đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến; trong đó chú trọng yêu cầu cần có hệ thống quản lý học trực tuyến, hệ thống quản lý nội dung dạy học trực tuyến. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các phòng chức năng tham mưu triển khai nhiều giải pháp kịp thời như giới thiệu các nền tảng dạy học và kiểm tra đánh giá trực tuyến như: https://olm.vn/ https://vio.edu.vn/ https://www.onluyen.vn/... Các nền tảng trên đều cấp miễn phí tài khoản học trực tuyến cho tất cả các trường học, giáo viên và học sinh trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở tăng cường các giải pháp chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ “Hướng dẫn dạy học trực tuyến thích ứng với dịch bệnh COVID-19”. Theo đó, Sở tăng cường công tác tuyên truyền về dạy học trực tuyến và thực hiện đồng bộ từ cấp Sở, cấp phòng GD và ĐT, cấp trường tới giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học trực tuyến cho giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GD và ĐT huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng kế hoạch và linh hoạt tổ chức dạy học trực tuyến; kiểm tra, giám sát và giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trực tuyến. Tiếp tục giới thiệu các nền tảng dạy học trực tuyến có hiệu quả tới các nhà trường. Phối hợp với nhà cung cấp có nguồn học liệu tốt để “đi tắt đón đầu” chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nền tảng dạy học trực tuyến của ngành; cung cấp phần mềm dạy học trực tuyến miễn phí cho những đơn vị còn khó khăn về tài chính. Sở GD và ĐT cũng tổ chức các cuộc thi, Hội thi thiết kế các bài giảng Elearning; xây dựng trang web học liệu dạy học trực tuyến của ngành với bước đầu là các khối lớp đang thực hiện chương trình GDPT 2018, các bài soạn được Hội đồng chuyên môn thẩm định đánh giá tốt sẽ được chọn đưa vào kho học liệu dùng chung cho toàn ngành... Từ đầu năm học đến nay, Sở đã tổ chức hội thảo dạy học trực tuyến cho 226 trường THCS, 57 trường THPT với hơn 1.000 người dự trực tuyến tập huấn phần mềm và nền tảng giáo dục trực tuyến cho 100% giáo viên của 230 trường mầm non, 226 trường tiểu học, 226 trường THCS, 57 trường THPT, 12 trung tâm GDTX theo hình thức trực tuyến; giới thiệu cho các nhà trường một số nguồn học liệu và nền tảng công nghệ để khai thác và tổ chức dạy học. Đồng thời, Sở GD và ĐT cấp 100% tài khoản dạy học trực tuyến cho giáo viên trên phần mềm Microsoft Team - xây dựng cộng đồng; ban hành Kế hoạch xây dựng cộng đồng giáo viên sáng tạo tỉnh Nam Định tham gia chương trình Chuyên gia giáo dục Microsoft, nhằm tập hợp các cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực về chuyên môn, ngoại ngữ, ứng dụng CNTT một cách sáng tạo, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng quản trị trường học, chất lượng giảng dạy. Chương trình thu hút 250 giáo viên khối THPT và GDTX, 490 giáo viên cấp tiểu học và THCS tham gia. 

Tuy nhiên, để chuyển đổi số thực sự hiệu quả khi dạy học trực tuyến trở thành giải pháp lâu dài, các doanh nghiệp viễn thông cần đồng hành cùng ngành GD và ĐT trong hỗ trợ đảm bảo chất lượng đường truyền, thiết bị để biến thách thức thành cơ hội, không chỉ đảm bảo chất lượng việc học trực tuyến mà còn góp phần đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong lĩnh vực này./.

Minh Thuận

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com