Hội Nông dân Nghĩa Hưng xây dựng các mô hình tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp

08:01, 18/01/2022

Hội Nông dân (HND) huyện Nghĩa Hưng hiện có 24 tổ chức cơ sở với 337 chi hội theo địa bàn thôn xóm, tổ dân phố; tập hợp 39.728 hội viên nông dân tham gia. Những năm qua, các cấp HND trong huyện đã chú trọng xây dựng các mô hình tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Ông Đỗ Văn Toàn, thành viên Tổ hợp tác - Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi cá mú xã Phúc Thắng thu hoạch thành quả.
Ông Đỗ Văn Toàn, thành viên Tổ hợp tác - Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi cá mú xã Phúc Thắng thu hoạch thành quả.

Nằm ven tuyến đường bộ ven biển tỉnh đang được xây dựng, khu nuôi trồng của các thành viên Tổ hợp tác - Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi cá mú xã Phúc Thắng rộng trên 40ha trải ra mênh mông với những ao nuôi được quy hoạch vuông vức. Năm 2021, HND huyện chỉ đạo HND xã Phúc Thắng xây dựng mô hình 2 trong 1 (Tổ hợp tác - Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi cá mú) với 23 thành viên phù hợp với thế mạnh của địa phương là nuôi trồng thủy hải sản, trong đó có cá mú. Để giúp đỡ các hộ nuôi, 16/23 hộ đã được Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương cho vay vốn 800 triệu đồng. Ông Đỗ Văn Toàn có 8 ao nuôi, tổng diện tích 2ha ở vùng chuyển đổi của xã. Ông cho biết, từ khi là con giống nhỏ đến lúc xuất bán phải mất khoảng 2 năm; cá mú chỉ ăn cá biển nên chất lượng thịt chắc ngọt, thơm ngon đặc biệt. Trước đây, do chất lượng nguồn nước tốt nên cá phát triển nhanh, giá bán khá cao, lúc cao điểm lên tới 280 nghìn đồng/kg, chủ yếu do các thương lái đến thu mua bán cho nhà hàng, khách sạn. Bình quân gia đình ông thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng, nếu không bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID, giá sản phẩm cao sẽ có thu nhập từ 40-50 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê, HND  huyện Nghĩa Hưng hiện có 21 tổ hợp tác với 352 thành viên tham gia với các ngành nghề như trồng nấm, chăn nuôi, nuôi cá bống bớp, cá mú, nuôi trồng và chế biến thuỷ, hải sản, nuôi tôm thẻ chân trắng, trồng hoa cây cảnh… Các thành viên trong tổ hợp tác thường xuyên góp quỹ, xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức sinh hoạt nhằm trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, giúp đỡ nhau về giống, vốn, kỹ thuật và thống nhất về giá cả tiêu thụ sản phẩm. Điển hình là tổ hợp tác trồng hoa, cây cảnh của HND thị trấn Liễu Đề sau 3 năm thành lập đã có số vốn đóng góp quỹ hoạt động 1,1 tỷ đồng, tạo điều kiện hỗ trợ các thành viên vay vốn để mở rộng sản xuất, kiến thiết gia đình. Tổ hợp tác thường xuyên tổ chức hoạt động gặp gỡ giao lưu giữa các gia đình thành viên trong tổ, hàng năm tích cực tham gia ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân của thị trấn. Bên cạnh đó, HND huyện đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội cơ sở tập hợp hội viên có chung ngành nghề sản xuất tham gia thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp. HND các xã, thị trấn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp phù hợp, đảm bảo hoạt động theo “5 cùng” (cùng lĩnh vực, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng trách nhiệm, cùng hưởng lợi) và “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm). Ngoài tổ hợp tác, chi hội nông dân nghề nghiệp “nuôi cá mú” của xã Phúc Thắng, năm 2021, HND huyện đã ra mắt chi hội nông dân nghề nghiệp trồng hoa cây cảnh xã Nghĩa Lạc với 21 thành viên. Toàn huyện còn thành lập 5 tổ hội nông dân nghề nghiệp tại các xã Nghĩa Châu, Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình, Nghĩa Trung, thị trấn Liễu Đề với các ngành nghề chủ yếu là nuôi trồng thuỷ hải sản, trồng hoa cây cảnh, nuôi trâu sinh sản, thủ công mỹ nghệ. Sau khi thành lập, các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đều xây dựng quy chế hoạt động với sự thống nhất của đa số các thành viên, bước đầu đã tổ chức được các buổi sinh hoạt với nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Một số mô hình đã đi vào ổn định, sản xuất hiệu quả. Bên cạnh đó, các thành viên tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp đều được tạo điều kiện vay vốn để thực hiện các dự án. Trong đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội cho 36 hộ vay 2 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho 8 hộ vay 400 triệu đồng; Quỹ huyện và cơ sở có 1 tỷ 500 triệu đồng cho 71 hộ vay. Các chi, tổ hội nhờ sử dụng đúng nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã mang lại hiệu quả cao và có tăng trưởng hàng năm. Ngoài ra, các cấp Hội thực hiện tốt chương trình phối hợp với các ngân hàng, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã giúp cho các hộ sản xuất, kinh doanh, hội viên tiêu biểu tiếp thu nhanh các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận dụng sáng tạo các tiến bộ khoa học kỹ thuật làm kinh tế giỏi, nhân rộng các mô hình giúp nhau phát triển sản xuất. Qua đó tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Năm 2021 toàn huyện có 13.178 hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Tiêu biểu như hộ ông Trần Văn Đoàn, tổ hội nuôi thuỷ sản xã Nghĩa Bình nuôi tôm thẻ chân trắng trừ chi phí thu lãi trên 300 triệu đồng/năm.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp HND huyện Nghĩa Hưng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các mô hình tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp, góp phần đa dạng hoá mô hình tổ chức HND ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi tiến tới thành lập các HTX kiểu mới, thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất hàng hoá, thực hiện có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com