Mô hình “Trường học hạnh phúc” được các trường trên địa bàn tỉnh vận dụng thực hiện phù hợp điều kiện cụ thể từ năm học 2018-2019. Theo đó, mô hình được hình thành và phát triển trên cơ sở “Lớp học hạnh phúc” với 3 mục tiêu và 3 tiêu chí nhằm mục đích lan tỏa những giá trị: yêu thương, an toàn và tôn trọng trong các nhà trường. Từ đầu năm học 2021-2022, Sở GD và ĐT yêu cầu các đơn vị, trường học tiếp tục cụ thể hóa nội dung xây dựng “Trường học hạnh phúc” cho phù hợp với mỗi trường, mỗi vùng, mỗi cấp học, bậc học và ngành học. Qua đó mỗi cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động có ý thức và giải pháp để thường xuyên cải tiến, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác, giảng dạy và giáo dục; mỗi tập thể có giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ, triển khai đổi mới một cách hiệu quả nhằm kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ thực chất; tạo sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học...
Học sinh Trường Mầm non Trực Nội (Trực Ninh) tham gia hoạt động trải nghiệm “Bé tập làm bác sĩ”. |
Ở Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định), khái niệm về “Trường học hạnh phúc” không phải là mới mà đã được nhà trường xây dựng từ nhiều năm nay. Ở đây, thầy cô và học sinh được thể hiện suy nghĩ về ngôi trường đang học, đang làm việc, được tham gia các chương trình, hoạt động nhiều ý nghĩa. Hàng năm, nhà trường xây dựng các chương trình hành động thiết thực, đặc biệt chú trọng trang bị những kỹ năng thiết yếu cho học trò như kỹ năng tự vệ, kỹ năng về phòng chống cháy nổ, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng chống xâm hại tình dục, kỹ năng phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội… Đồng thời, nhà trường cũng kịp thời biểu dương những hành động đẹp, việc làm tốt của cán bộ, giáo viên, học sinh nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy và hướng đến những điều tốt đẹp nhất đó là xây dựng giá trị đạo đức con người. Nhà trường luôn duy trì, đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, kết hợp chặt chẽ “dạy chữ” với “dạy người” và “dạy nghề” phù hợp với cấp THPT; gắn nhiệm vụ, mục tiêu giáo dục của nhà trường với mục tiêu phấn đấu của tuổi trẻ “Học tập, rèn luyện vì ngày mai lập thân, lập nghiệp, vì xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong xây dựng kế hoạch dạy học của tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên đều chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn... Để đội ngũ giáo viên thắp sáng ngọn lửa đam mê nghề nghiệp, giáo viên và học sinh trong nhà trường hứng khởi hơn trong từng tiết học và khơi gợi nhu cầu học tập của học sinh, bên cạnh nội dung bồi dưỡng thường xuyên, đầu năm học 2021-2022, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên tập trung vào chuyên môn và phương pháp dạy học, thay đổi cách nghĩ, cách làm. Toàn bộ giáo viên nhà trường đều tham gia Chương trình bồi dưỡng được tổ chức trực tuyến của diễn giả, tiến sĩ Trần Khánh Ngọc là người sáng lập chương trình dạy học tích cực và dự án “Vì một triệu người thầy hạnh phúc và truyền cảm hứng” với mong muốn tất cả các thầy cô giáo trong trường cùng nhau đồng tâm đồng hành để tạo dựng tốt hơn “Trường học hạnh phúc”. Qua chương trình, các thầy cô giáo đã thêm yêu thương, sự quan tâm dành cho học trò ngày càng say mê với sự nghiệp “trồng người”.
Vui vẻ, an toàn, tôn trọng, yêu thương, phát huy hết năng lực của bản thân… là những nội dung mà tập thể Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nam Tiến (Nam Trực) đang nỗ lực tạo ra và lan tỏa mạnh mẽ đến học sinh, hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, một mô hình trường học hạnh phúc. Vào thời gian nghỉ giữa các tiết, buổi học, học sinh toàn trường cùng nhau tập nhảy, múa, chơi các trò chơi dân gian, cờ vua, thi tài ô ăn quan, tự do sáng tác hội họa và thích thú khi được vừa ngồi đung đưa trên xích đu vừa đọc sách, truyện tranh, truyện lịch sử…. trong một không gian xanh, chan hòa với thiên nhiên trên diện tích 520m2. Mỗi ngày đến trường là một ngày vui, niềm vui hoạt động ngoại khóa trong nhà trường đã tạo không gian học tập và sân chơi bổ ích để học sinh tích lũy kỹ năng, hoạt động tập thể và cơ hội phát triển toàn diện. Mỗi giáo viên cũng đều ý thức xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, không chỉ lưu tâm truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, mà còn chú trọng giáo dục cảm xúc cho các em, góp phần giáo dục ý thức tự học, vươn lên trong mỗi học sinh. Nhà trường đã quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh tiếp thu được nhiều kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, có khả năng tự học tốt hơn và đặc biệt là môi trường giúp phát huy năng khiếu, năng lực của học sinh mà trong các giờ chính khóa khó thực hiện được. Trong những năm gần đây, Ban giám hiệu nhà trường đã đưa chương trình giáo dục STEM vào trường học với nhiều hoạt động giáo dục tích hợp, liên môn, câu lạc bộ khoa học, chú trọng các hoạt động ngoại khóa gắn liền với đặc thù của địa phương, tạo cơ hội cho học sinh được thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn, qua đó góp phần đáp ứng việc dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, giúp học sinh tự tin và hạnh phúc.
Dù triển khai không lâu nhưng có thể khẳng định, việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, thu hút sự tham gia của cả thầy và trò, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo./.
Bài và ảnh: Hồng Minh