Đổi mới trong giáo dục hướng nghiệp ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

07:01, 20/01/2022

Giáo dục hướng nghiệp THPT nhằm cung cấp kiến thức về nghề nghiệp và thị trường lao động cho học sinh giúp các em có khả năng tự chủ trong lựa chọn trường học, ngành học và nghề nghiệp trong tương lai dựa vào năng lực, sở thích và nhu cầu lao động của xã hội. Những năm qua, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. 

Cô và trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) trong một buổi thực hành.  Bài và ảnh: Minh Thuận
Cô và trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) trong một buổi thực hành.

Là trường chuyên của tỉnh có hơn 1.700 học sinh học ở 42 lớp chuyên, 8 lớp chọn, đội ngũ hơn 150 cán bộ, giáo viên, nhân viên, đang có những bước đi đột phá phấn đấu trở thành trường chuyên chất lượng cao, có môi trường giáo dục hiện đại ngang tầm các trường THPT hàng đầu trong nước và khu vực; trong đó, công tác đào tạo học sinh giỏi, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của nhà trường. Từ năm 2000 đến nay, học sinh của trường đã giành được 1.454 giải học sinh giỏi quốc gia; 27 Huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế; 15 Huy chương trong các kỳ thi Olympic châu Á Thái Bình Dương. Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi đại học, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn khẳng định mình với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường luôn đạt 100%, trong đó có trên 80% học sinh đạt khá, giỏi; tỷ lệ học sinh đỗ đại học luôn đạt từ 90% trở lên, trong đó có nhiều học sinh được tuyển thẳng, nhiều học sinh đỗ điểm cao ở các trường đại học tốp đầu.

Cùng với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, nhà trường rất chú trọng các hoạt động giáo dục toàn diện, hướng tới hình thành ở học sinh những năng lực và phẩm chất của “công dân toàn cầu”, đánh thức nội lực bản thân và tạo ra một môi trường giáo dục hiện đại, năng động. Đặc biệt,  hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp (GDHN) cũng như sứ mệnh của nhà trường trong việc định hướng tương lai của học sinh, hàng năm, Ban hướng nghiệp nhà trường được kiện toàn gồm thầy phó hiệu trưởng phụ trách công tác học sinh, 1 trưởng ban, 1 tổ trưởng, 3 tổ phó là giáo viên chủ nhiệm phụ trách 3 khối, tất cả giáo viên chủ nhiệm và một số giáo viên bộ môn là thành viên. Lực lượng hỗ trợ Ban hướng nghiệp gồm: Phụ huynh học sinh vừa là người được chương trình hướng nghiệp cung cấp thông tin, kiến thức các ngành nghề, vừa là người hỗ trợ đắc lực cung cấp cho chương trình những kiến thức về ngành nghề thực tế; các cựu học sinh nhà trường đang là biên tập viên kênh VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam, người làm trong Quỹ hỗ trợ, phát triển tài năng Thành Nam, cũng là những người đồng hành trong tất cả các sự kiện, chương trình giáo dục hướng nghiệp của nhà trường, cùng nhà trường tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của cựu học sinh nhà trường; các tổ chức, cá nhân như các doanh nghiệp, các trường đại học, nhiều nhà giáo dục, giáo sư, bác sĩ; Ban tư vấn tâm lý học đường, ban truyền thông, Đoàn trường, các CLB, hội đồng chuyên môn. Ban Tư vấn hướng nghiệp nhà trường xây dựng kế hoạch tổng thể chương trình GDHN - phân luồng học sinh - tư vấn hướng nghiệp. Năm học 2021-2022, với mục tiêu 100% học sinh của trường được tư vấn hướng nghiệp toàn diện, Ban Hướng nghiệp đã đề ra kế hoạch gồm chuỗi các hoạt động bổ ích xuyên suốt trong năm học gồm: Nói chuyện, tọa đàm với chuyên gia về ngành - nghề; trải nghiệm về nghề nghiệp trong phạm vi tỉnh Nam Định và Hà Nội; thông tin về hội thảo, tuyển sinh của các trường đại học và du học; Kết hợp mục tiêu hướng nghiệp trong giảng dạy môn học, tư vấn tâm lý và sinh hoạt lớp... Từng tháng đều có hoạt động phù hợp: tháng 8-2021, tập trung xây dựng kế hoạch GDHN. Tháng 9-2021, trường tổ chức buổi toạ đàm “Bạn là ai trong tương lai”, truyền thông tổng quan về tư vấn hướng nghiệp và giúp học sinh biết đánh giá về khả năng, sở thích của mình, từ đó có những cơ sở đầu tiên cho việc định hướng nghề nghiệp. Tại buổi tọa đàm, diễn giả là Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT đã truyền cảm hứng cho học sinh và phụ huynh thấy được tầm quan trọng của việc hướng nghiệp (đó là sự kết hợp của gia đình - nhà trường - xã hội), xu hướng nghề nghiệp hiện nay. Trước và sau sự kiện trường đều tổ chức truyền thông và làm video gửi tới các lớp. Cũng trong tháng 9, nhà trường triển khai các nội dung hướng nghiệp trong các môn học, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) triển khai các hoạt động Tự khám phá bản thân trong học sinh. Tháng 10-2021, trường tiếp tục tổ chức Toạ đàm “Du học, cơ hội và thách thức”, diễn giả gồm: GS.TS. Đức Trần (giáo sư ngành Khoa học Máy tính, Giám đốc LAB nghiên cứu về tính toán mạng, Đại học Massachusetts, Boston, Hoa Kỳ); Phạm Bình Đàm (Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong, nguyên Giám đốc Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia, Bộ Ngoại giao, cựu học sinh Lê Hồng Phong khoá 86-89) và 1 du học sinh cũng là cựu học sinh nhà trường. Buổi tọa đàm đã cung cấp thêm các thông tin, quan điểm mới về cơ hội, thách thức, các kỹ năng cần có của những ngành nghề liên quan đến du học và công nghệ Blockchain cho giáo viên, phụ huynh, học sinh nhằm hỗ trợ các em học sinh có hình dung rõ ràng hơn định hướng, lựa chọn của mình trong quá trình học tập, chọn nghề, chọn ngành. Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cũng giải đáp các câu hỏi về môi trường học tập ở nước ngoài, những khó khăn và yêu cầu về kiến thức, kỹ năng để chuẩn bị tốt cho việc du học. Cũng trong tháng 10, GVCN cho học sinh tìm hiểu các nhóm ngành nghề hot nhất hiện nay và trong tương lai. Tháng 11-2021, GVCN cho học sinh tìm hiểu các ngành nghề dự báo sẽ biến mất hoặc khó tìm việc trong 10 năm tới. Tháng 12-2021, trường kết nối với cựu học sinh và Quỹ Lê Hồng Phong Talent mời ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech nói chuyện về các ngành nghề liên quan đến kinh doanh và kỹ năng cần có của người kinh doanh; tìm hiểu các kỹ năng cần có của công dân toàn cầu. Từ tháng 1-2022 đến hết tháng 5-2022, trường tập trung kết hợp với phụ huynh học sinh, CLB Kinh doanh Tổ chức cuộc thi “Các ý tưởng khởi nghiệp”; phối hợp với phụ huynh học sinh tổ chức trải nghiệm tại Mô hình nông nghiệp sạch trong tỉnh; GVCN lớp 12 trao đổi cùng phụ huynh về định hướng chọn trường đại học cho con.

Các hoạt động giáo dục hướng nghiệp phong phú, mang tính sáng tạo, phù hợp đặc thù của nhà trường nhằm đem đến cho học sinh những cái nhìn mới nhất, những thông tin bổ ích nhất về ngành - nghề, những góc nhìn đa chiều và chân thực của người đi trước, những lời khuyên trực tiếp với dự định lựa chọn của các em học sinh. Hoạt động GDHN với các chương trình hướng nghiệp thiết thực, bổ ích đó vừa là cầu nối giữa các em học sinh với ngành - nghề - trường tương lai; vừa là “điểm tựa” để phụ huynh học sinh tin tưởng con em mình sẽ được định hướng nghề nghiệp toàn diện, phù hợp; vừa góp phần thúc đẩy quá trình phân luồng học sinh, phân luồng nhân lực trong xã hội, nâng cao năng suất lao động và khả năng sử dụng hợp lý nguồn lao động trẻ. Đó cũng chính là mục tiêu quan trọng và lâu dài của giáo dục nói chung, GDHN nói riêng.

Qua hoạt động GDHN, học sinh nhà trường hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lựa chọn ngành nghề trong tương lai; biết cách tìm hiểu năng lực của bản thân, tìm hiểu về nghề nghiệp định hướng đến, tìm hiểu thông tin về nguồn lao động và xây dựng kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân, Ngoài ra, thông qua các chương trình hướng nghiệp, học sinh biết được các thông tin cơ bản về định hướng phát triển kinh tế - xã hội đất nước để suy nghĩ nghiêm túc lựa chọn và xây dựng kế hoạch hướng nghiệp cho bản thân; chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trong và ngoài nhà trường để tăng cường nhận thức về bản thân, nhận thức nghề nghiệp để từ đó tự tin thực hiện kế hoạch của bản thân sau khi tốt nghiệp THPT./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com